Tại Việt Nam, trong năm qua, thực hiện Nghị định số 06/2019/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, công tác quản lý, bảo vệ ÐVHD đã đạt nhiều kết quả tích cực với hàng trăm vụ vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép ÐVHD được phát hiện, xử lý và nhiều vụ được đưa ra xét xử với bản án nghiêm khắc.
Tuy nhiên, việc buôn bán ÐVHD xuất phát từ nhu cầu của con người, và khi nhu cầu ăn thịt thú rừng, sử dụng các bộ phận cơ thể của một số loài quý hiếm để chữa bệnh vẫn còn, thì việc cấm chưa thể một lúc triệt để như mong muốn. Vì thế, mỗi người cần nâng cao ý thức, nói không với thịt thú rừng trước nguy cơ dịch bệnh. Nạn bắt và tiêu thụ ÐVHD như dơi, linh trưởng, cầy hương, tê tê… sẽ kích thích buôn bán ÐVHD, không chỉ là hành vi phạm pháp đẩy đến nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài hoang dã mà còn gây rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.
Chúng ta đã bước đầu thành công trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 ở Việt Nam. Ngoài sự quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các địa phương, điều quan trọng chính là ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân. Và bên cạnh các giải pháp chống dịch, để ngăn chặn triệt để từ nguồn gốc gây bệnh, chúng ta cũng cần có những biện pháp quyết liệt trong việc cấm buôn bán, tiêu thụ ÐVHD trái phép. Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và biện pháp xử lý, xử phạt các vi phạm về ÐVHD, nguy cấp, quý hiếm vì quy định hiện nay chưa đồng bộ, nhiều văn bản còn mâu thuẫn, việc áp dụng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Sớm bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý quy định về hoạt động của các vườn thú và khu du lịch sinh thái, nơi đang nuôi nhốt nhiều loài ÐVHD.
Theo quy định tại Nghị định 06/2019, người dân được phép gây nuôi động vật rừng có nguồn gốc hợp pháp để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc thuần dưỡng và nuôi loài nào để vừa bảo đảm lợi ích kinh tế, vừa không gây dịch bệnh cho con người, giúp bảo tồn nguồn gen từ thiên nhiên cũng là vấn đề cần bàn. Cá sấu là mô hình thành công trong việc đưa ÐVHD về nuôi, tạo việc làm cho nhiều nông dân. Nhưng mặt trái của nó là sau khi thuần hóa thành công, chúng ta đã phải trả giá là loài cá sấu ngoài tự nhiên suy giảm, và nếu không có giải pháp phù hợp sẽ không còn nữa. Phong trào nuôi nhím rầm rộ mấy năm trước cũng là một bài học. Hoặc loài cầy hương đã được các nhà khoa học chứng minh là nguồn gốc gây ra đại dịch SARS năm 2003 nhưng đến nay vẫn được nhiều người chọn nuôi và giết thịt, cũng là nguy cơ rất lớn với sức khỏe con người.
Ðã đến lúc con người cần bỏ thói quen sử dụng sản phẩm từ những loài hoang dã, để sống có trách nhiệm, hài hòa hơn với thiên nhiên, như chủ đề của Ngày động vật, thực vật hoang dã thế giới (3-3) năm nay: "Sự sống bền vững cho muôn loài trên trái đất".