Đúng hẹn với đại ngàn Sùng Đô

|

Tưởng chừng những cơn mưa tầm tã sẽ khiến chúng tôi lỡ hẹn với vùng cao Sùng Đô (huyện Văn Chấn, Yên Bái), nhưng rồi, trời như chiều lòng người mà hửng nắng.

Lần này, chúng tôi bảo nhau, nhất định phải lên được hai điểm trường lẻ ở Giàng Pằng và Làng Mảnh. Trên đỉnh núi cao lạnh giá, những thôn bản nằm heo hút giữa núi rừng đang bừng sáng lên bởi những giáo viên ngày đêm "cắm bản" để gieo cái chữ, đem ánh sáng tri thức đến cho con em đồng bào dân tộc Mông.

Gập ghềnh "con đường gieo chữ"

Giàng Pằng nằm cách trung tâm xã Sùng Đô gần 30 km. Chúng tôi phải vượt qua xã Nậm Mười, rồi tiếp tục chinh phục con đèo dốc cheo leo giữa một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút. Cung đường này có lẽ chỉ dành cho những tay lái bạo gan nhất. Đồng hành cùng chúng tôi, thầy Hoàng Đình Tuyền, Hiệu trưởng Trường tiểu học - trung học cơ sở Sùng Đô nhớ lại: "Lần đầu lên đây, khoác ba-lô đi bộ ròng rã gần ngày trời, đi mãi mà vẫn thấy mình ở giữa núi rừng mênh mông".

Nếu Giàng Pằng được coi là nơi cao nhất ở Sùng Đô với độ cao gần 2.000 m, thì Làng Mảnh lại là bản sâu, xa nhất nơi đây. Từ Giàng Pằng, phải gửi xe đi bộ, băng rừng mới đến được Làng Mảnh. Nhìn thấy lá cờ đỏ bay phấp phới tại điểm trường Làng Mảnh ngay dưới chân núi, nhưng đến nơi cũng phải mất ít nhất hai giờ đồng hồ. Thầy giáo Chu Thế Khánh, dạy học ở điểm trường Làng Mảnh nhớ về một thời cùng vợ vượt đèo đến lớp: "Có lần cuốc bộ lên trường, đến tối mà vẫn thấy đường ở... trên đầu. Vừa đói, vừa lạnh, vợ chồng mình phải dừng lại nhóm lửa, bẻ bắp nướng ăn qua bữa rồi tiếp tục lên đường".

Gian khổ là vậy nhưng các thầy, cô nơi đây vẫn ngày đêm bám trường, bám lớp. Tiếp chúng tôi bằng ấm trà được hái từ những ngọn chè Shan Tuyết có tuổi đời hàng trăm năm, thầy Nguyễn Tuấn Ba, giáo viên điểm trường lẻ Giàng Pằng, người đã có 23 năm "cắm bản" chia sẻ: "Chỉ cần một trận mưa là nơi đây có thể bị chia cắt hoàn toàn. Hết đồ ăn dự trữ, các thầy, cô phải tự xoay xở để sống trong tình trạng không điện lưới, không điện thoại. Mùa đông, thầy, cô phải mặc rất nhiều quần áo mà vẫn thấy lạnh, trong khi nhiều trẻ em đến trường chỉ vận độc manh áo phong phanh, có những em chỉ có duy nhất một chiếc áo mặc cho cả mùa đông lẫn mùa hè. Nhìn chúng tái đi vì lạnh mà xót xa...".

Tại hai điểm trường Giàng Pằng và Làng Mảnh, học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 đều phải học ghép trong những căn phòng chật chội, thiếu đủ thứ từ bàn ghế đến sách vở, đồ dùng học tập. Thầy, cô giáo lại dành dụm đồng lương ít ỏi mua vở, mua bút cho các em. Lặn lội lên vùng cao gieo chữ, khó khăn với nhiều giáo viên không chỉ là cảnh không đường, không điện, không nước mà còn là sự bất đồng về ngôn ngữ, phong tục và nỗi nhớ gia đình, bạn bè, người thân.

Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tây, thầy Lê Minh Khôi, 27 tuổi, quê ở xã Cát Thịnh, lên nhận công tác tại điểm trường Làng Mảnh hơn ba năm nay. Thầy tâm sự: "Ngôn ngữ bất đồng nên nhiều khi thầy trò lên lớp chỉ có thể hiểu nhau thông qua những ký hiệu bằng tay. Em phải mày mò học tiếng từ chính học trò của mình, bây giờ cũng đã biết đôi chút".

Gian nan và hạnh phúc

Hơn 20 năm "cắm bản" gieo chữ ở vùng cao, thầy Chu Thế Khánh không thể nhớ đôi chân của mình đã vượt bao nhiêu đèo, lội qua bao nhiêu con suối, đến bao nhiêu hộ dân để vận động học sinh tới lớp. Giờ đây vợ chồng thầy Khánh đã dựng nhà, định cư tại điểm trường Làng Mảnh để tiếp tục gắn bó, bám trường, bám lớp mang con chữ đến cho học trò người Mông.

Giống như người đi khai phá những vùng đất hoang, thầy Khánh vận động người dân cho con đi học chữ, dạy trẻ những thói quen sinh hoạt văn minh, thuyết phục người dân từ bỏ dần hủ tục lạc hậu, biết ăn cơm bằng đũa, giữ gìn vệ sinh chung...

Bí thư Chi bộ Hờ A Măng nắm chặt tay tôi, rưng rưng: "Làng Mảnh biết ơn các thầy, cô giáo lắm. Nhờ thầy, cô mà lũ trẻ được đến trường, được học cái chữ, biết nói tiếng phổ thông, biết chào hỏi người lớn... Người dân đã biết làm nhà vệ sinh, làm chuồng cho gia súc mà không thả rông như trước. Nghe lời thầy, cô, nhiều gia đình đã biết khai hoang ruộng nước, trồng lúa hai vụ, nên cuộc sống bớt nghèo, bớt khổ hơn".

Tôi vẫn nhớ như in những lời chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Sùng Đô Cứ A Sùng: Giao thông đi lại khó khăn, những hạn chế về phong tục, tập quán cùng với sự thiếu hiểu biết, không biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật khiến người dân Giàng Pằng và Làng Mảnh rơi vào diện khó khăn nhất của xã. Vậy mà, từ khi có các thầy giáo, cô giáo "cắm bản" dạy cho "con chữ", cách áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đồng bào đã phát huy giá trị kinh tế từ 12 ha thảo quả, 22 ha chè Shan Tuyết để có thêm thu nhập phục vụ cuộc sống. Đặc biệt, từ chỗ chỉ biết làm nương rẫy, giờ đây Giàng Pằng và Làng Mảnh đã có gần 20 ha lúa nước hai vụ với nhiều giống lúa mới năng suất cao, như HT33, Nhị ưu 838. Tỷ lệ hộ nghèo từ 100% giảm xuống còn 50% ở Giàng Pằng và 70% ở Làng Mảnh.

Hành trình gian nan gieo chữ của các thầy giáo, cô giáo ở Sùng Đô.

Tại những điểm trường Giàng Pằng, Làng Mảnh, phần lớn thầy, cô giáo đều mang tâm lý không hề chờ đợi ngày lễ 20-11, bởi, để phối hợp chính quyền, vận động bà con đưa các em đến trường đã khó, với người dân nơi đây, việc chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam hay các ngày lễ khác càng là một điều... xa xỉ. Không hề nhận được một bông hoa hay lời chúc nào từ phía người dân cũng như học sinh, nhưng các giáo viên vẫn tràn đầy niềm vui. Với họ, thành quả của cuộc đời là được nhìn thấy học sinh đến lớp đông đủ, được nghe những tiếng ê a tập đọc của lũ trẻ vang khắp bản làng và đâu đó trên những con đường họ qua có những đứa trẻ trưởng thành từ những lớp học ghép.

Thầy giáo Khánh vỗ vai Hờ A Bùa, Bí thư Đoàn xã Sùng Đô hãnh diện: "Niềm vui của chúng tôi là được thấy tất cả con em đồng bào sẽ trưởng thành như em Bùa đây". Đúng như lời thầy Hoàng Đình Tuyền, chỉ có tình thương, sự cảm thông sâu sắc với những đứa trẻ vùng cao mới giúp các thầy, cô giáo có nghị lực ở lại.

Thầy Nguyễn Tuấn Ba tâm sự: "Gần 20 năm gắn bó với vùng cao là ngần ấy thời gian phải xa gia đình, vợ con, nhiều lúc cũng muốn xin về dưới xuôi cho gần người thân nhưng nhìn những đứa trẻ lặn lội đường xa, phong phanh áo mỏng đến lớp mà mình sợ khổ, sợ khó bỏ về thì còn đâu cái tâm của người thầy giáo". Đáng trân trọng và khâm phục hơn là ý chí, nghị lực của những cô giáo trẻ. Năm 23 tuổi, đương thì xuân sắc, cô Nguyễn Thị Yến, quê xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn) đã gác lại sau lưng nỗi nhớ gia đình tình nguyện lên gieo chữ giữa điệp trùng núi non Sùng Đô. Thấm thoắt đã hơn ba mùa trăng. "Nhiều khi nhớ nhà, chỉ biết vùi đầu trong chăn mà khóc, nhưng sự quý mến chân thành của người dân nơi đây đã giúp em có thêm nghị lực để bước tiếp", cô Yến tâm sự.

Có hàng trăm nỗi khổ không nói được bằng lời của các thầy giáo, cô giáo "cắm bản" nơi vùng cao đặc biệt khó khăn này. Nhiều thầy giáo, cô giáo trẻ đã quên cả tuổi xuân, tình nguyện lên với núi rừng, đối mặt nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn, thậm chí nhiều người vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng với đồng lương phụ cấp ít ỏi, nhưng họ không nản lòng vì đàn em thân yêu, ngày đêm miệt mài gieo từng con chữ, qua trăm suối nghìn đèo, gian nan và hạnh phúc. Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, bài viết này xin thay lời chúc thân thương, bày tỏ sự chia sẻ, khâm phục gửi tới các thầy giáo, cô giáo đang vững bước vượt mọi gian khó vì sự nghiệp "trồng người" ở Sùng Đô.