Dưới chân Hòn Đất

|

NDO - NDĐT - Hòn Đất, tên một huyện, tên một quả núi và tên của một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Anh Đức. Ở Hòn Đất có những tên xóm, tên làng như: Hòn Quéo, Hòn Me, Hòn Sóc hay những tên nghề như: nắn nồi, dệt chiếu, nấu rượu gắn với một thời ác liệt mà hào hùng. Ở Hòn Đất còn có những con người bất tử, tên họ mãi trường tồn, đó là nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng, tự Tư Phùng mà người dân hay gọi là Chị Sứ, theo nhân vật trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức.

Chúng tôi về Hòn Đất một sáng tháng Giêng, con đường từ Quốc lộ 80 vào xã Thổ Sơn hơn 10 km mất hơn nửa giờ ngồi ô-tô. Nhiều đoạn hư hỏng nặng, xe tải cỡ lớn chở đá lưu thông với tầng suất dày. Tiếng kim loại ma sát vào đá chát chúa, bụi đá mịt mù giữa trời nắng, hai bên đường la liệt đá. Những người thợ đá vẫn say sưa với công việc hàng ngày. Chúng tôi vào một bãi đá nhỏ, hai người thợ một cưa, một đục. Chưa kịp hỏi gì, một phụ nữ xuất hiện: “Nó là rể tôi, mấy chú quay phim, chụp ảnh đưa lên báo đài, cha mẹ nó thấy nói gia đình tôi đày con người ta nữa. Không được quay phim, chụp hình”- bà ta quát. Cạnh bên, một bãi đá cũng hai công nhân. Danh Thanh, một thợ đá người địa phương trải lòng với chúng tôi. “Nhà em nghèo lắm, không có ruộng đất, chỉ biết chẻ đá sống đấp đổi qua ngày. Nếu mạnh khỏe thì làm sống cũng được, ngã bệnh là đổ nợ. Cái nghề này tổn lắm, toàn bệnh nặng”.

Chẻ đá hiện là nghề chính của một bộ phận lao động ở Thổ Sơn, nhưng cái nghề này có nguồn gốc từ miệt Thoại Sơn, Tri Tôn tỉnh An Giang. Khi những bãi đá của vùng Thất Sơn, Bảy Núi bị cấm khai thác những người thợ đá mới đến Thổ Sơn hành, rồi truyền nghề lại cho dân địa phương. Nghề này không cầu kỳ chỉ cần sức và độ chính xác. Bộ đồ nghề cũng khá đơn giản gồm vài cái đục, một cái búa lớn, một búa nhỏ, một khúc ống nhựa dài khoảng năm tấc, và khoảng mười con nêm. Theo anh Thanh, chẻ đá thủ công hiện đã lỗi thời, nhiều thợ đá đã chuyển qua chẻ bằng cưa điện, năng suất cao hơn nhiều, nhưng tiềm ẩn bệnh tật về đường hô hấp và bị điếc. “Các anh nghe, thấy đó” - anh Thanh vừa chỉ tay vừa nói.

Anh Danh Thanh với nghề chẻ đá.

Anh Nghiêm Trung Hậu, Chủ tịch UBND xã Thổ Sơn cho biết, các bãi đá ở khu vực Hòn Sóc đã giải quyết được trên dưới 1.500 lao động, trong đó có khoảng 1.000 lao động địa phương. Tại Hòn Sóc có trên dưới 10 danh nghiệp lớn nhỏ đang hoạt động trong nghề khai thác đá, hằng năm nộp ngân sách rất lớn, nhưng xã và huyện không hưởng gì mà còn phải gánh nhiều nguy cơ như là vấn đề ô nhiễm môi trường, bệnh tật, tình hình phức tạp về an ninh trật tự, cơ sở hạ tầng xuống cấp.

“Chúng tôi đang cho thống kê chính xác các số liệu để đưa ra lời đề nghị cụ thể đối với tỉnh và T.Ư trong việc trích từ tiền thu thuế của các doanh nghiệp để lại địa phương khắc phục những nguy cơ hiển hiện. Nếu chúng tôi chậm, chục năm nữa cả một dãy núi Hòn Sóc biến mất, hậu quả mà Thổ Sơn gánh sẽ lớn hơn nhiều” - anh Hậu nói.

Xe chúng tôi vào khu di tích Hòn Đất. Hòn Quéo, Hòn Me, Hòn Đất gọi chung là Bà Hòn thuộc xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Thổ Sơn vốn là căn cứ cách mạng suốt hai thời kỳ kháng chiến, từng là điểm tập kết vũ khí tuyến đường 1c trên biển huyền thoại của T.Ư cục. Nơi đây là điểm giao liên từ đất liền theo đường biển về căn cứ U Minh Thượng những năm 1960. Hàng loạt các di tích ghi đậm tình đoàn kết của đồng bào dân tộc Khmer một lòng, một dạ ủng hộ cách mạng như ở chùa Hòn Sóc, chùa Hòn Me hay chùa Hòn Quéo. Thời kỳ chống Mỹ nơi đây nổi tiếng với hai trận đánh không cân sức lực lượng giữa ta và địch như trận đánh 11 ngày đêm năm 1962, 78 ngày đêm năm 1969 và trận đánh 132 ngày đêm năm 1971. Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, Thổ Sơn là xã đầu tiên của huyện Hòn Đất được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Để có danh hiệu cao quý đó, Thổ Sơn đã phải trả một cái giá quá đắt. Gần một nghìn người con ưu tú trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã ngã xuống nơi đây. Trong quần thể khu di tích Hòn Đất, trên tấm bia bằng đá hoa cương tựa lưng vào núi: họ tên, quê quán, chức vụ, ngày hy sinh của 960 liệt sĩ vẫn còn đó. Nhiều người quê tận Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, nhưng phần đông là con em của nông dân các xã trong huyện như Nam Thái Sơn, Mỹ Hiệp Sơn, Sơn Kiên, Sơn Bình… Nhiều người trong số họ hy sinh khi còn rất trẻ, nhập ngũ chỉ vài ngày, nhưng cũng có liệt sĩ hy sinh lúc đang là cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Trước ngôi mô liệt sĩ Phan Thị Ràng vẫn còn đó hố bom B52 đã vùi xác nhiều chiến sĩ cách mạng. Hố bom giờ là giếng nước, hoa súng nở quanh năm. Bên trong hang hòn, địa phương đã phục dựng và xây các con đường lên hang Quân Y, Hàm Ếch, Ông Cọp, Ô Sâu, Cà Rem, Sáu Thiều, Sân Tiên, suối Lươn, Điện Mặt Trăng để nối liền các tuyến tham quan trong khu quần thể di tích.

Gia đình anh Nguyễn Tiến Lương trước mộ anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng.

Hôm chúng tôi đến khu di tích Hòn Đất vào ngày đầu tuần nhưng đông người viếng thăm. Phần nhiều đến từ thành phố Rạch Giá, một đoàn làm phim đến từ thành phố Cần Thơ và đoàn khách sáu người đến từ thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả đều thắp nhang thành kính trước mộ anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng và trước bia các anh hùng liệt sĩ.

Anh Nguyễn Tiến Lương, Thuyền phó tàu cao tốc Ngọc Thành chạy tuyến Rạch Giá - Phú Quốc tâm sự: “Những năm gần đây, vào dịp tết tôi và gia đình đều đến khu dích tích Hòn Đất để tham quan và đốt nén nhang cho chị Sứ. Mỗi lần đến đây trong lòng đều có những cảm nhận khác nhau, nhưng cảm xúc chung vẫn là sự tự hào, lòng biết ơn của những người trẻ dành cho những người đi trước đã không tiếc máu xương ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc”.

Theo kế hoạch phát triển du lịch của huyện Hòn Đất trong tương lai, điểm nhấn của du lịch Hòn Đất là khu vực Ba Hòn. Theo đề án, ngành du lịch của tỉnh đang kêu gọi xây dựng tuyến cáp treo nối từ đỉnh Hòn Đất có độ cao 240 m so với mặt nước biển sang đỉnh Hòn Me cao 180 m so với mặt nước biển, tuyến cáp dài khoảng 2,5 km. Cùng đó, đầu tư hỗ trợ người dân phục dựng lại các làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer như nghề nắn nồi, nghề dệt chiếu và xóa bỏ nghề chẻ đá, bởi nghề này ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, kẻ thù của ngành du lịch.

Anh Nghiêm Trung Hậu đưa chúng tôi đến gia đình bà Thị Kim Hường ở Tổ nhân dân tự quản số 4, ấp Hòn Quéo đã ba đời làm nghề nắn nồi. Bà Hường đã mất cách đây hai năm, nhưng những người con người cháu của bà vẫn nối tiếp nghề, mặc dù cuộc sống cơ cực, thiếu thốn. Anh Hậu cho biết, sau hòa bình toàn khu vực này có đến 80% là người dân tộc Khmer. Cuộc sống nghề nghiệp của bà con là trồng xoài, và làm một số nghề thủ công như: nắn nồi, dệt chiếu. Xưa bà con vẫn còn sống được với nghề nên cố giữ nghề, nhưng nay cái nồi, tấm chiếu nhiều gia đình không còn sử dụng, nên cuộc sống bà con bấp bênh, nhiều gia đình bỏ cái nghề của ông cha để lại tìm việc khác ổn định hơn. Rất nhiều lao động ở Thổ Sơn phải đi làm ở tận Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn. Nghề nắn nồi, dệt chiếu giờ số gia đình làm chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Chúng tôi rất muốn bảo tồn những nghề truyền thống này, làm sản phẩm để phát triển du lịch, nhưng để bà con sống được với nghề trong thời buổi này là rất khó, nếu không có chính sách hỗ trợ từ nhà nước”, anh Hậu nói.

Gia đình chị Thị Kim Tưng với nghề nghề nắn nồi.

Chị Thị Kim Tưng con gái thứ tám của bà Thị Kim Hường cho biết: Xóm này giờ chỉ còn 8 nhà làm nghề nắn nồi, với vài chục lao động. “Nhà có mấy công ruộng nhưng làm lúa năm nào cũng lỗ, cho thuê người ta làm cũng lỗ không có tiền trả. Không có việc gì làm, nắn nồi bán mua gạo. Một cái nồi bán có sáu ngàn, chủ yếu lấy công làm lời, nhưng thương lái còn mua thiếu”- chị Thị Kim Tưng nói.

Theo chị Thị Lượm, con gái thứ tư bà Thị Kim Hường, trước đây vùng này chỉ làm ruộng một vụ nên sau khi sạ lúa có khoảng thời gian dài rảnh rỗi người dân lại làm nghề. Nguyên liệu dùng để nắn nồi là đất sét, khi mua về phải pha thêm cát để chịu nhiệt và kết dính. Để hoàn thành một sản phẩm bằng đất phải qua nhiều công đoạn. Công đoạn đầu là nắn, hay còn gọi là tạo hình, kế đến là công đoạn vỗ bằng các thanh tre, sau đó là công đoạn làm bóng, tạo hoa văn để sản phẩm được nhẵn bóng hoàn chỉnh. Sau một tuần lễ, các sản phẩm được phơi khô và có thể đưa vào nung, gọi theo tiếng nhà nghề là “đốt nồi”.

Chị Thị Kim Tưng phơi nồi trước khi “đốt nồi”.

Rời làng nắn nồi ấp Hòn Quéo, xe chúng tôi đi qua những vườn xoài trĩu quả. Anh Nghiêm bảo: “Xoài là đặc sản của xứ Hòn, nhưng thu nhập của người nông dân trồng xoài cũng là bấp bênh, khá cũng chỉ đạt 40 triệu đồng cho một ha đất trong năm. Nhiều hộ dân đã dịch chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm, nhưng mô hình này vẫn chưa khẳng định…”.

Tạm biệt xứ Hòn khi ông mặt trời sắp lặn sau dãy núi Hòn Sóc thắp lè tè. Cảm nhận về Thổ Sơn về xứ Hòn trong từng người chúng tôi vẫn vậy, vùng đất anh hùng nhưng vẫn nghèo khó, cuộc sống của người dân vẫn lam lũ. Nhưng điều mà Thổ Sơn có quyền tự hào, bởi thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã tạo được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội. Xã đã thoát khỏi Chương trình 135, tự cân đối được thu chi và có tích lũy hàng năm, đạt được 14 tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Thổ Sơn đang tìm cách bức phá đi lên từ đất núi.