Với hơn 80% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Hà Giang từng là điểm “nóng” về tình trạng DCTD. Trước năm 2012, mỗi năm có hàng trăm hộ người Mông di cư đến các tỉnh Đác Lắc, Lâm Đồng, Điện Biên, Gia Lai, Tuyên Quang… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do điều kiện tự nhiên ở các huyện vùng cao không thuận lợi để sản xuất, người dân thiếu đất, thiếu nước sản xuất, đời sống khó khăn cho nên người dân đi tìm vùng đất mới để lập nghiệp. Bên cạnh đó, tập quán “du canh, du cư” ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi trình độ dân trí không đồng đều, dễ bị các phần tử xấu lợi dụng và lôi kéo.
Trước thực trạng nêu trên, tỉnh Hà Giang xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, nắm bắt kịp thời tư tưởng của người dân để sớm giải quyết những vấn đề phức tạp ở cơ sở. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Thào Hồng Sơn cho biết, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ra Nghị quyết về phát triển tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên với mục tiêu xóa thôn bản “trắng” đảng viên, không có chi bộ. Cụ thể, thôn nào chưa có chi bộ, các xã vùng cao phân công đảng viên là cán bộ, giáo viên luân chuyển về các thôn sinh hoạt, đáp ứng đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ. Cấp ủy cơ sở quan tâm đến công tác bồi dưỡng, tạo nguồn để kết nạp đảng viên mới là người dân địa phương. Với cách làm đó, đến năm 2000, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã xóa được thôn, bản trắng đảng viên, năm 2003, tất cả các thôn, bản, tổ dân phố ở Hà Giang đã có chi bộ.
Đảng viên là cán bộ xã, phường, thị trấn đều được phân công về chi bộ các thôn, tổ dân phố sinh hoạt. Từ việc làm nêu trên, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở nâng lên, cán bộ các cấp có điều kiện, gần dân, hiểu dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của dân, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh ở cơ sở.
Trước đây, thôn Mỏ Phìn, xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì từng là điểm “nóng” về DCTD. Đầu năm 2016, gia đình ông Sùng Vàng Thái, thôn Mỏ Phìn bán hết ruộng nương, gia súc để chuẩn bị DCTD vào Đác Lắc. Nắm bắt thông tin, Bí thư Chi bộ thôn Mỏ Phìn, Thào Seo Dỉ cùng các cán bộ Mặt trận Tổ quốc đến tận nhà để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của gia đình ông Thái. “Ngày đó, cứ nghĩ vào Đác Lắc có đất tốt để làm ăn, nhưng sau khi nghe cán bộ tuyên truyền là chính quyền các tỉnh Tây Nguyên thắt chặt công tác quản lý đất đai, quản lý rừng cho nên vào đó cũng không có đất sản xuất, cuộc sống cũng khó khăn, gia đình tôi quyết định ở lại”, ông Sùng Vàng Thái cho biết.
Tỉnh cũng quan tâm triển khai tốt các chương trình, dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã quy tụ được hơn sáu nghìn hộ về nơi ở mới. Trong sáu năm gần đây, tỉnh đã hỗ trợ hơn ba trăm tỷ đồng cho hơn tám nghìn hộ được bố trí chỗ ở xen ghép tại các thôn, bản. Phần lớn các hộ sau khi được di chuyển đến nơi ở mới đều có nhà ở khang trang, có đất sản xuất, dần ổn định cuộc sống.
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xã hội được thực hiện hiệu quả. Trong những năm vừa qua, tỉnh đã xây mới 115 hồ chứa nước sinh hoạt tập trung, giải quyết cấp nước cho khoảng 56 nghìn người; đầu tư hơn 33 nghìn bếp đun cải tiến; hỗ trợ các hộ trồng hơn 22 nghìn ha cỏ phục vụ chăn nuôi; ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, khai hoang ruộng bậc thang; hàng chục nghìn hộ được vay vốn phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhờ các chính sách hỗ trợ nêu trên, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Hà Giang được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Giang giảm từ 34,18% (năm 2017) xuống còn 28,75% (năm 2018), giảm được gần 8.700 hộ nghèo. Đến năm 2020, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 20%.
Nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân, thực hiện tốt các chính sách dân tộc đã giúp tỉnh giảm tình trạng DCTD. Năm 2012, tỉnh Hà Giang có 48 hộ, 202 nhân khẩu DCTD, đến năm 2017, con số này đã giảm đáng kể, chỉ còn hai hộ di cư vào tỉnh Đác Lắc, năm 2018 và đầu năm 2019 mới ghi nhận được một hộ DCTD. UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các huyện có dân DCTD thành lập đoàn công tác đón dân trở lại địa phương. Từ năm 2013 đến nay, các địa phương đã đón hơn 50 hộ hồi cư. Các hộ hồi cư đã được chính quyền nơi ở cũ tạo điều kiện thuận lợi về nhà ở, đất sản xuất để sớm ổn định cuộc sống.