Thấy có khách đến nhà, ông Lý A Lệnh nói người nhà đem vài cái ghế đặt trước sân rồi say sưa trò chuyện với khách mà không cần hỏi tên, quê quán khách ở đâu. Vừa nói chuyện, ông Lệnh vừa cầm dao liếc đi liếc lại mảnh gỗ vàng nhạt, có mùi thơm nhè nhẹ. Chốc chốc, ông lại đưa mảnh gỗ đang chuốt trên tay lên mũi hít hít rồi mỉm cười. Mãi sau, nghe ông Lệnh nói chúng tôi mới biết mảnh gỗ ấy là gỗ pơ-mu. Tự nhiên như thế, câu chuyện của ông Lý A Lệnh như đưa chúng tôi ngược thời gian về những ngày chàng trai Lý A Lệnh vừa tròn 15 tuổi.
Như bao người con của bản Mông khác, chẳng biết tự khi nào, tiếng khèn Mông đã thấm vào tâm trí, đi vào giấc ngủ chàng trai Lý A Lệnh ở bản Chan 2. Mê khèn đến nỗi, trên đường đi nương gặp ai đem theo khèn thì Lý A Lệnh cũng xin được cầm khèn một lát mới chịu đi. Chiều nào nhà vãn việc, Lý A Lệnh lại trốn sang nhà ông Cháng Vả Chu bổ củi giúp để được mượn khèn. Thấy con mê khèn quá, bố mẹ Lý A Lệnh cũng đành lòng bán một con trâu để có tiền đưa Lệnh đi huyện Tủa Chùa, sang xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) mua khèn và học làm khèn. Cũng từ ngày đó, thổi khèn và làm khèn với Lý A Lệnh trở thành việc không thể thiếu như ăn cơm, uống nước mỗi ngày.
Từ đó đến nay đã mấy chục năm trôi qua, chàng trai Lý A Lệnh ngày nào giờ đã là người đàn ông gần 60 tuổi, tóc ngả màu sương nhưng tình yêu với khèn lại ngày càng đầy thêm. Hầu hết thời gian ông Lệnh đều dành cho việc chế tác khèn và động viên người trong nhà làm khèn. Ðể làm được khèn, ông Lệnh phải chuẩn bị rất nhiều vật dụng cần thiết: Ống khèn, bầu khèn, lá lam đồng. Tất cả những đồ vật ấy đều phải tự tìm, tự nấu mới chế tạo thành khèn.
Công đoạn đầu tiên là nấu đồng, rèn thành lưỡi lam có độ mỏng thích hợp, rung ngân tốt... Trong công đoạn làm bầu khèn và các ống khèn, nghệ nhân Lý A Lệnh dùng búa phá dọc thân gỗ pơ-mu, sử dụng dao lớn đẽo tạo hình bầu khèn... Công đoạn tiếp theo để hoàn thành chiếc khèn là cắt các ống khèn, dùi lỗ, lắp lam đồng và gắn kết chúng lại. Cây khèn Mông có sáu ống như ống sáo, có độ dài ngắn khác nhau, trên mỗi ống khèn đều có một lỗ nhỏ và có gắn lam đồng. Sáu ống khèn được cắm xuyên qua bầu khèn và mỗi ống có một âm riêng. Khi thổi khèn, những âm này cùng hòa tấu tạo âm vang đa thanh khi trầm khi bổng.
Đi biết bao hội xuân và bao bản làng người Mông để thực hiện nghi lễ tiễn đưa người quá cố, tiếng khèn của ông Lý A Lệnh khi thủ thỉ như lời kể chuyện, khi bổng trầm, da diết như tiếng hát tình yêu. Và bây giờ, tiếng khèn ấy lại mang nặng nỗi niềm của một người yêu khèn với ước vọng truyền trao.