Bằng các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách của Đảng, Nhà nước, đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã có 108 trong tổng số 109 xã, phường, thị trấn có đường ô-tô đến trung tâm được trải nhựa hay bê-tông thông thoáng. Hiện tất cả các xã, phường, thị trấn và toàn bộ 775 ấp, khóm có điện lưới quốc gia, nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của người dân; tất cả các xã, phường, thị trấn cũng được phủ sóng phát thanh - truyền hình. Có điều kiện thuận lợi về hạ tầng, vùng đồng bào Khmer ở Sóc Trăng càng phấn đấu phát triển kinh tế. Ông Thạch Hiền trụ ở khóm Sở Tại B, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu chia sẻ: “Nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đồng bào Khmer chúng tôi nỗ lực lao động, tăng gia sản xuất để không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng”. Đến nay, hầu hết các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong đồng bào Khmer ở Sóc Trăng đều được giải quyết về nhà ở. Số hộ nghèo ngày càng giảm, trình độ dân trí từng bước được nâng lên, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường.
Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn nhận định, cùng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, đồng bào Khmer luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực xây dựng xóm, ấp ngày càng phát triển, xanh, sạch, đẹp. Nhiều người dân Khmer đã nỗ lực vươn lên trong sản xuất, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, từ đó thoát nghèo và nhiều gia đình vươn lên khá giả. Tại các phum sóc, đồng bào xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại thu nhập cao như: Trồng trọt kết hợp chăn nuôi, mô hình tôm - lúa, cá - lúa, nuôi bò sữa, nuôi gà, trồng nấm rơm… Hàng chục nghìn hộ Khmer vươn lên thoát nghèo ngay trên chính quê hương mình. Nhiều hộ còn tích cực hiến đất, góp ngày công cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng điện, đường, trường, trạm ngày càng khang trang, sạch đẹp và văn minh.
Có cuộc sống kinh tế ổn định, đồng bào Khmer tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Năm 2018, tỉnh Sóc Trăng có hơn 89% số gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa; gần 14% số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường văn minh đô thị; hơn 85% số xã, phường có nhà văn hóa và hơn 88% số khóm, ấp có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhờ vậy, bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer luôn được giữ gìn và phát huy. Các thiết chế văn hóa trong vùng đồng bào Khmer luôn được quan tâm đầu tư xây dựng. Các di tích văn hóa, lịch sử cũng có điều kiện để quan tâm bảo tồn.
Bên cạnh đó, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội truyền thống luôn được duy trì theo phong tục tập quán đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao và cải thiện đời sống tinh thần của sư sãi và đồng bào phật tử Khmer trong tỉnh. Theo Thượng tọa Lý Đức, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cho biết, toàn tỉnh có hơn 85% số ngôi chùa được tôn tạo, 65 tụ điểm văn hóa tại chùa Khmer, hai chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và tám chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Về công tác giáo dục, những năm qua, ngành giáo dục Sóc Trăng đã triển khai các biện pháp huy động học sinh đến lớp, nâng cao chất lượng dạy và học. Năm 2018, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh đạt hơn 98%, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm hơn 26%. Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 98.386 học sinh dân tộc thiểu số, trong đó học sinh dân tộc Khmer là 84.261 em, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ở các cấp đều cao. Toàn tỉnh có 246 trong tổng số 523 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ hơn 47%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng khẳng định, với chính sách quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, vùng đồng bào Khmer Sóc Trăng đã phát triển mạnh về kinh tế - xã hội. Qua đó, đồng bào Khmer ở các địa phương trong tỉnh đều phấn đấu phát triển kinh tế gia đình, đời sống văn hóa được cải thiện nhanh chóng, hiệu quả; trình độ dân trí được nâng cao. Từ đó, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong đồng bào Khmer Sóc Trăng ngày càng được củng cố. Khối đại đoàn kết dân tộc trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được giữ vững và tăng cường.