Người Chăm xây dựng nông thôn mới

|

NDO - NDĐT - Nơi một nhánh Mê Công “nhập tịch” Việt Nam, mang tên Hậu Giang thương mến, ở đỉnh cực Tây Bắc biên ải xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long, đã ít đi hình ảnh ông lão người Chăm trên chiếc ghe mui tròn, quăng mảnh chài làm gợn nước Búng Bình Thiên. Xuôi dòng về Đa Phước những vị cao niên đã ít kể về những nàng tiên người Chăm... Những xóm nhỏ không còn tiếng rao “kim, chỉ, đá lửa hôn!” của những người phụ nữ Chăm đội trên đầu cái xề tạp hóa... Những điều xưa cũ ấy đã lùi vào dĩ vãng, trở thành hoài niệm đẹp của ký ức. Còn hôm nay, những xóm Chăm miền biên giới từng bước chuyển mình theo nhịp của thời đại mới.

Có “an” rồi mới “phú”

Ai đã lấy hai chữ An Phú đặt tên cho huyện đầu nguồn sông Hậu mà hay đến vậy! “Có an cư mới lạc nghiệp”, có yên ổn mới giàu có. Ông Aly, Giáo cả Thánh đường Hồi giáo xã Khánh Bình, hồi tưởng: “Xóm Chăm này xưa là xóm nghèo nhất huyện, ít ai được học hành như ngày nay, cuộc sống bà con khổ lắm, ở sát biên giới nên khi Pôn Pốt pháo kích, nhà cửa đều tan nát, bà con chạy đi khắp nơi. Nhờ Đảng mà có hòa bình, dù cuộc sống chưa được như ngày nay nhưng yên ổn, không phải lo sống chết. Gần đây, trong chương trình xây dựng Nông thôn mới, những gia đình người Chăm nghèo được Nhà nước cho đất làm nhà, vay vốn làm ăn, dạy nghề để có việc làm, ủng hộ và động viên bà con làm kinh tế. Tui có ba công đất làm theo khuyến khích của cán bộ xã chuyển đổi cây trồng thành xoài keo, năng suất từ đó tăng lên rất nhiều so với trồng lúa, trồng bắp hồi xưa. Cuộc sống của gia đình và bà con ổn định hơn ngày trước. Đường sá, cầu cống liền lạc, ngoài đồng cũng có đường cộ thuận tiện giao thông. Từ đó bà con vươn lên thoát nghèo, phấn đấu làm giàu”.

Ông Aly, Giáo cả Thánh đường Hồi giáo xã Khánh Bình.

Ở Khánh Bình, cây xoài mang lại lợi ích kinh tế hơn các cây trồng truyền thống trước đây.

Cũng hồi ức về những ngày xưa cũ, ông Mách Sa Lế, một người dân ở xã Đa Phước nói: “Hồi mới giải phóng, thiệt lòng chớ tui lo lắm, nhưng trải qua mấy mươi năm, tui thấy cuộc sống bây giờ sung sướng gấp mười trước kia. Hồi đó, con nhà giàu mới được đi học chớ nói chi là con em người dân tộc Chăm. Bây giờ mấy đứa nhỏ đang đi học mà nghỉ ngang là thầy cô phải đến nhà năn nỉ, giúp đỡ để cho học tiếp. Còn quần áo, trước thì y như trong phim “Người đẹp Tây Đô”, có một hai cái mà cũng vá ngang vá dọc. Bây giờ áo rách chút, dơ chút là không chịu mặc. Xe cộ thì mỗi người một chiếc, có người có hai ba chiếc, mà xe sang, xe ga mới chịu. Nhớ hồi xưa đi thăm bà con phải cuốc bộ hay đi nhờ xe trâu, xe bò cả ngày mới tới. Cuộc sống bây giờ ngày càng hiện đại và sung túc, nhiều người Chăm giàu lên nhờ nắm bắt được cơ hội làm ăn, nhà cửa đàng hoàng. Gia đình tui hiện tại chưa phải là giàu có, nhưng cũng đủ ăn, đủ mặc chớ không khổ như hồi xưa”.

Ông Mách Sa Lế, người dân tại xã Đa Phước.

Khách du lịch đến thăm Thánh đường Hồi giáo ở Đa Phước.

Cùng tên và cùng cách nhìn nhận như vậy, ông Mách Sa Lế, Giáo cả Thánh đường Hồi giáo xã Nhơn Hội, Phó Trưởng ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam An Giang kể: “Ngày đó nhà tre mái lá, đèn dầu leo lét, đường mòn lối cỏ. Chiến tranh biên giới Tây Nam ập tới, bọn Pôn Pốt đốt nhà, đập phá thánh đường. Ai ai cũng tứ xứ lánh nạn, trăm bề khổ chớ đâu đầy đủ tiện nghi như bây giờ”.

Ai từng trải qua loạn lạc như bản thân ông mới biết giá trị của bình yên nó quý đến mức nào. “Bây giờ cầu, đường, trường, trạm đầy đủ, Nhà nước còn lo đến cho cả con nít, người già, ai cũng được ăn, được học chứ hồi đó gần như dốt hết. Từ lúc Đảng và Nhà nước quan tâm, có các chương trình 134, 135, nhờ đó mà người Chăm ở đây nở nồi đến giờ. Người Chăm bây giờ trình độ ít nhất là lớp bảy, lớp tám chứ không như hồi xưa, cả xóm chỉ có tui với hai người nữa biết chữ. Rồi người không có nhà, không có nền thì nhà nước cũng mua nền cho, cất nhà cho. Riêng xóm Chăm này đã có mấy chục nền và mấy trăm căn nhà do nhà nước hỗ trợ. Thêm bệnh viện, trạm y tế để chăm sóc sức khỏe bà con. Nhờ vậy mà có thuốc, có men chớ hồi xưa chỉ biết bẻ cây, hái cỏ làm theo kinh nghiệm ông bà để trị bệnh. Hơn nữa Chính quyền còn bảo vệ tự do tôn giáo, quan tâm đến bà con dân tộc. Mỗi lần lễ, Tết lại đến thăm nom rồi quà cáp đủ thứ, không có bao nhiêu nhưng của ít lòng nhiều, vô cùng quý giá. Thấy được lợi ích do các chính sách của Đảng và Nhà nước mang lại nên bà con ở đây luôn ủng hộ, tham gia cùng Đảng và Nhà nước xây dựng nông thôn mới góp phần thúc đẩy cho dân giàu, nước mạnh”.

Những bà mẹ người Chăm ở Nhơn Hội đón con em giờ tan học.

Người Chăm xây dựng nông thôn mới

Theo Thạc sĩ Đoàn Bình Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, trước đây, huyện như một cù lao được bao quanh bởi sông Hậu, sông Bình Di, sông Châu Đốc, đường xá chưa hoàn thiện, việc đi lại của người dân rất khó khăn trở ngại bởi “muốn qua sông phải lụy đò”. Đến năm 2007, cầu Cồn Tiên được khánh thành, mở ra một cánh cổng để nhân dân trong huyện nói chung và bà con người Chăm nói riêng vươn ra làm ăn, kết nối du lịch từ thành phố Châu Đốc về, thuận tiện thông thương, mua bán.

Sau mười năm, vào năm 2017, một chiếc cầu nữa lại nối cho An Phú vươn ra thế giới, đó là cầu Long Bình bắt qua Campuchia tạo thành một con đường ngắn nhất từ Việt Nam đến Phnôm Pênh, mở ra một cánh cổng đầy cơ hội cho nhân dân và doanh nghiệp làm giàu. Đặc biệt, xóm Chăm bên bờ Búng Bình Thiên có tiềm năng du lịch lớn do có những yếu tố như cảnh quang, dân tộc, văn hóa, biên giới, mùa nước nổi… Trên thực tế, đã thu hút được một lượng đáng kể khách vãng lai, tuy nhiên chưa có nhà đầu tư để khai thác xứng đáng tiềm năng ấy.

Những năm gần đây, qua triển khai những chính sách của T.Ư, của tỉnh và địa phương, bà con người Chăm đã khá lên rất nhiều. Hiện nay, đi ngang xóm người Chăm có thể thấy một nông thôn mới đang từng bước định hình qua những ngôi nhà bê-tông kiên cố đang mọc lên đông đúc, những gương phấn đấu làm giàu trong bà con người Chăm ngày một nhiều, con em người Chăm hôm nay có những cá nhân thành đạt làm bác sĩ, kỹ sư, những chiếc xe hơi bốn bánh đậu trong sân nhà của bà con cũng nói lên được ít nhiều ý nghĩa.

Ông Nguyễn Văn Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình cho biết, Khánh Bình là xã biên giới có ba ấp giáp Campuchia, một ấp thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Địa bàn xã có gần hai trăm hộ đồng bào Chăm với hơn một nghìn nhân khẩu sinh sống với đặc điểm là đất sản xuất, đất ở hạn hẹp, đa số làm thuê, làm mướn, chày lưới, mua bán theo thời vụ.

Tuy nhiên, với chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cộng với việc vận động, tuyên truyền của địa phương, bà con đa số vươn lên thoát nghèo bền vững. Trên cơ sở hiện có, địa phương đã kết nối cho vay vốn, dạy nghề, hỗ trợ đất ở, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại kết quả rất tốt. Gần đây, bà con người Chăm trên địa bàn với nghề mua bán phát triển, người trước dẫn dắt người sau làm ăn khá giả. Vài năm trở lại đây, xóm Chăm biên giới mọc lên những ngôi nhà ngói, nhà bê-tông khang trang làm thay đổi diện mạo của xóm làng, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương trên bước đường xây dựng nông thôn mới.

Mô hình “rủ nhau làm tốt” trong xóm Chăm phát huy hiệu quả giúp cho tình hình an ninh trật tự ở địa phương bảo đảm, kinh tế phát triển. Tuy có xuất phát điểm là xã khó khăn nhưng với tinh thần Nhà nước và nhân dân chung lòng, trong đó có công không nhỏ của bà con người Chăm, theo lộ trình, Khánh Bình sẽ đạt chuẩn Xã nông thôn mới vào năm 2019, sớm hơn một năm so dự kiến ban đầu.

Ông Phạm Tấn Thời, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phước thông tin, kể từ khi triển khai xây dựng Nông thôn mới, đời sống vật chất và cả tinh thần của người Chăm trong xã được nâng lên. Bà con ủng hộ, tham gia rất tích cực các mô hình như xóa nhà tạm bợ cho chính xóm của mình, đóng góp nhiệt tình trong việc xây dựng cảnh quan, chiếu sáng lộ giao thông nông thôn, tu sửa đường xá và nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác.

Những làng nghề thu hút ngày càng đông khách du lịch.

Về qua Đa Phước vào những ngày lễ, không khó để bắt gặp du khách nước ngoài đi dọc xóm Chăm dưới cờ phướng rợp trời rất đẹp mắt, trong cái đẹp đó cũng có công đóng góp của bà con. Qua những hạ tầng được Đảng và Nhà nước đầu tư cộng với tinh thần vượt khó của bà con, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh được mở rộng, bước đầu giải quyết được công ăn việc làm cho bộ phận đáng kể lao động người Chăm tại địa phương.

Dấu hiệu đáng mừng là bà con đã biết liên kết trong sản xuất để làm ăn lớn. Có những mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Chính quyền địa phương cũng phối hợp chức sắc tôn giáo người Chăm động viên bà con giữ gìn phong tục, tập quán, tiếng nói chữ viết để hướng tới thu hút khách du lịch và cũng nằm trong mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của đất nước.

Qua những phấn đấu không ngừng nghỉ của Đảng bộ và nhân dân, Đa Phước đạt chuẩn Xã nông thôn mới và được công nhận là đô thị loại V, hướng đến mục tiêu nâng tầm lên thành thị trấn vào năm 2020.

Giáo cả Thánh đường Hồi giáo xã Đa Phước cũng tên Aly tâm sự: “Bà con người Chăm ở đây thấy được lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới nên hễ Nhà nước vận động việc gì thì tui và bà con cố gắng đóng góp theo. Thật ra là cũng làm lợi cho mình chớ cho ai, như mua bảo hiểm y tế thì người hưởng cũng là mình, để những khi đau ốm có Nhà nước lo, đỡ khổ cho gia đình, con cái. Trồng bông hoa, làm đẹp đường phố, treo cờ, bỏ rác đúng nơi quy định cũng là làm đẹp cho nhà mình, cho xóm mình để khách du lịch họ đến thì mình bán được ly nước, cái bánh, cái áo, cái khăn… tăng thu nhập cho mình. Đảng và Nhà nước làm cho xã hội phát triển thì mình cũng được phát triển, cũng được hưởng lợi chớ ai. Tui thấy xây dựng nông thôn mới chính là xây dựng cuộc sống của mình tiến bộ hơn, văn minh hơn, xây dựng xóm làng giàu có, khang trang hơn. Nhà nước làm đến đâu thì tui và bà con mình cùng làm đến đó”.