Ðồng bào Khmer Trà Cú hiến đất xây dựng hạ tầng nông thôn

|

Những năm qua, cùng với nguồn vốn ngân sách nhà nước và các chương trình, dự án… Huyện nghèo Trà Cú (Trà Vinh) với hơn 60% số dân là đồng bào Khmer đã vận động người dân hiến đất xây dựng hạ tầng cơ sở và nhận được sự hưởng ứng, đồng tình. Những công trình thủy lợi nội đồng, đê bao ngăn mặn, triều cường hay những tuyến giao thông liên xã, liên ấp đều có sự tham gia đóng góp tích cực của người dân.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Trà Cú Huỳnh Văn Thảo cho biết, hầu hết các công trình dân sinh luôn được người dân đồng tình ủng hộ. Bà con sẵn sàng hiến đất, đốn hạ cây trái, hoa màu, dời nhà, dọn trại để thi công các công trình thuận lợi, sớm hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng. Nhờ đó, hơn 80% diện tích sản xuất ở huyện được ngăn mặn và chống triều cường. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã và đang triển khai thi công 154 công trình kênh nội đồng, bờ bao với chiều dài hơn 87 km; làm công trình gần 26 ha, trong đó, phần lớn diện tích đều do người dân hiến. Ước tính, trong ba năm 2015 - 2017, toàn huyện có hàng nghìn hộ dân tham gia hiến hơn 70 ha đất, trị giá hơn 20 tỷ đồng, để thi công nạo vét các kênh nội đồng, làm đê bao và làm đường nông thôn…

Trong không khí rộn ràng đón Lễ Sên Ðôlta của đồng bào Khmer, chúng tôi về xã Ðại An, nơi đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để về đích nông thôn mới. Cán bộ thống kê của UBND xã cho biết: Năm 2017, trên địa bàn xã triển khai chín công trình giao thông, tổng chiều dài hơn 6,3 km, tổng kinh phí hơn 8,6 tỷ đồng và đã nạo vét hoàn thành năm công trình thủy lợi với tổng chiều dài 6.300 m, khối lượng 15.972 m3. Riêng năm nay, xã đã triển khai mở rộng, nâng cấp bảy công trình giao thông, tổng kinh phí hơn 7,6 tỷ đồng. Ðể mở rộng đường, người dân đã hiến hơn 10 ha đất. Tại công trình đường giao thông ấp Giồng Lớn A, xã Ðại An, Bí thư Chi bộ ấp Thạch Long cho biết, con đường này dài gần 1 km, được nâng cấp, mở rộng trên nền đường cũ (trước đây, được xây dựng theo chủ trương chung của tỉnh, người dân hiến đất và góp 40% kinh phí, ngân sách tỉnh góp 60% kinh phí để bê-tông hóa mặt đường). Ngày trước, sức dân có hạn, cho nên làm mặt đường bê-tông chỉ rộng khoảng 1,2 m; qua nhiều năm đã hư hỏng nặng và không còn đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa trong vùng. Vừa qua, Nhà nước đầu tư hơn một tỷ đồng để rải nhựa và mở rộng mặt đường; người dân chúng tôi tiếp tục hiến thêm đất để hỗ trợ mở rộng và làm lề đường. Bí thư Thạch Long cho biết thêm: Giồng Lớn A có hơn 84% số dân là người Khmer, nhìn chung đời sống đã tạm ổn, số hộ khá giàu không nhiều. Nhiều hộ có mặt tiền giáp đường (lộ) dài từ 40 đến 50 m, tính ra phải hiến cả trăm mét vuông đất, nhưng việc mở rộng con đường này được số đông đồng tình ủng hộ, sẵn sàng hiến đất. Hiện nay, con đường cơ bản đã hoàn thành.

Kim Sơn (huyên Trà Cú) là một trong những xã dẫn đầu về phong trào huy động sức dân trong tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng. Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Trầm Thị Sa Nên khẳng định: Ðể người dân sẵn lòng chung tay góp sức, góp của xây dựng quê hương, khi thực hiện phải bảo đảm đó là công trình cấp thiết của cả cộng đồng và để người dân giám sát công khai, minh bạch. Ðịa giới xã Kim Sơn gần sông lớn cho nên thường xuyên chịu ảnh hưởng của triều cường và mặn xâm nhập. Chủ trương của Ðảng và Nhà nước đầu tư thi công các kênh thủy lợi, đê bao kết hợp đường giao thông đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân, nên luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ cao. Vì thế, khi công trình đi qua phần đất của các gia đình, gần như đều được người dân đồng thuận hiến đất… Các công trình đê bao Bãi Xào Dơi B, dài gần 2,8 km, đường nhựa ấp Bãi Xào Giữa dài 314 m hay tuyến đường trục chính nội đồng ra vùng sản xuất mía của ấp Bãi Xào Dơi A, dài 650 m, ra ấp Bãi Xào Giữa dài 900 m… phải cần thêm hàng chục nghìn mét vuông đất để mở rộng mặt đường từ 1,5 m đến 5 m, cũng được bà con đồng thuận hiến đất. Những bờ bao vững chắc, những con đường mới mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các rẫy mía, ruộng lúa và ao nuôi tôm cá thêm xanh, thêm đầy vì không còn bị đe dọa bởi xâm nhập mặn, triều cường cuốn trôi. Ðiều này góp phần làm thay đổi diện mạo vùng quê Kim Sơn, những ngày vui đón Lễ Sên Ðôlta thêm ấm cúng.

Ông Thạch Út ở ấp Bãi Xào Chót, xã Kim Sơn, người đã tự nguyện hiến hơn 1.000 m² đất để mở rộng tuyến kênh Ðài Phèn Chuông từ 7 m lên 22 m phấn khởi thổ lộ: Nhà nước đầu tư để mở đường, nạo vét, mở rộng kênh thủy lợi… nhằm bảo đảm sản xuất, đi lại cho người dân được thuận lợi; nếu mình không ủng hộ, không chịu hiến đất, công trình không thực hiện được, thì mình chịu thiệt thôi. Vì vậy khi xã vận động hiến đất, không riêng gia đình tôi, mà mấy chục hộ dân có đất cặp theo tuyến kênh này đều nhất trí cao.