Những đóng góp tích cực của người có uy tín ở Bình Liêu

|

Là huyện miền núi, biên giới với hơn 96% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thời gian qua, những người có uy tín trong vùng đồng bào các dân tộc huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã luôn đồng hành cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị trên địa bàn.

Thôn Nà Sa, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu giáp biên giới Trung Quốc, có 38 hộ với 165 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm phần lớn. Những năm qua, với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, người có uy tín của thôn Nà Sa, anh Bùi Xuân Chiều luôn tích cực phổ biến cho người dân nơi đây cách làm ăn, xóa đói, giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài để đồng bào hòa nhập với nếp sống văn minh. Anh Bùi Xuân Chiều chia sẻ: “Lúc đầu người dân chưa hiểu hết ý nghĩa quan trọng của đường biên, mốc giới là gì và cũng chưa có ý thức tự giác bảo vệ. Được sự quan tâm của lãnh đạo huyện và chính quyền địa phương, chúng tôi đã kết hợp với lực lượng bộ đội biên phòng và cán bộ thôn xuống tận nơi tuyên truyền cho người dân hiểu pháp luật về an ninh biên giới, bảo vệ đường biên cột mốc. Đồng thời phối hợp lực lượng biên phòng vận động người dân phát quang đường biên mốc giới, có những vấn đề xảy ra liên quan đường biên cột mốc biên giới là người dân báo cáo kịp thời cho lực lượng chức năng và chính quyền để kịp thời xử lý”.

Từ những việc làm thiết thực của anh Chiều, những năm gần đây ý thức bảo vệ đường biên, mốc giới của người dân Nà Sa thay đổi rõ rệt. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Luôn trăn trở suy nghĩ và đúc rút từ kinh nghiệm bản thân là muốn thoát khỏi đói nghèo thì phải chịu khó lao động, ông Hoàng Ngọc Hoa, Bí thư, Trưởng thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô là người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong thôn cách làm ăn, biết tự lực để vươn lên, không ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, vận động nhân dân đóng góp ngày công, vật liệu, kinh phí hiến đất để làm đường giao thông. Ông Hoàng Ngọc Hoa cho biết: “Thôn Đồng Cậm là thôn biên giới, có 126 hộ dân với 538 nhân khẩu. Trong những năm triển khai, chúng tôi đã làm được năm con đường với tổng số hơn bốn nghìn mét chiều dài phục vụ sản xuất và đi lại giữa các cụm dân cư. Đến nay, bộ mặt nông thôn thôn Đồng Cậm đã chuyển biến tích cực. Mấy năm nay đã có nhiều gia đình mua được ô-tô để vận chuyển hàng hóa thuận lợi và có điều kiện phát triển kinh tế”. Anh Hoàng Đức Hải ở thôn Đồng Cậm tâm sự, bác Hoa là người rất nhiệt tình trong xây dựng nông thôn mới, bác đã tích cực đi từng nhà vận động nhân dân góp công góp sức làm đường nông thôn mới. Bác Hoa rất hòa đồng và được người dân tin yêu và tín nhiệm.

Thực tế đã cho thấy những người có uy tín trong đồng bào DTTS có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Họ là những người tin cậy nhất của đồng bào các dân tộc trên địa bàn các xã biên giới Bình Liêu. Dù đã ở cái tuổi được nghỉ ngơi bên con cháu, song ông Lỷ Chi Sình, 82 tuổi, dân tộc Dao, người có uy tín thôn Nà Cắp, xã Vô Ngại vẫn quyết tâm tìm cách khôi phục và gìn giữ những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc. Ông suy nghĩ phải làm thế nào để tiếng nói, chữ viết, những làn điệu hát giao duyên được coi là hồn cốt, là tinh hoa giá trị tinh thần của dân tộc không bị mai một, có thể tiếp tục truyền nối cho các thế hệ mai sau. Ông Sình đã dày công sưu tầm, ghi chép tỉ mỉ các lời bài hát bằng chữ Dao và sáng tác thêm các bài hát mới. Buổi tối, ông dạy các thanh niên trong thôn cách viết, đọc chữ. Vào các ngày cuối tuần, ông vượt hàng chục cây số để đến với lớp truyền dạy hát dân ca Dao. Lớp học có gần 20 người, thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Ông Sình dạy chữ, dạy hát hoàn toàn miễn phí, bởi theo ông, khi bà con viết, đọc, luyến láy được đúng các làn điệu, hát và hiểu được ý nghĩa những lời hát bằng thứ tiếng mẹ đẻ người Dao, tức là khi ấy, thứ “báu vật” ngàn đời người Dao trao truyền đã được tiếp nối. Đối với ông, đó thật sự là món quà ý nghĩa và quý giá nhất...

Trưởng phòng Dân tộc huyện Bình Liêu Triệu Đình Sinh cho biết: Bằng uy tín, tiếng nói, hành động, những người có uy tín trên địa bàn đã có những đóng góp tích cực trong tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, đi đầu vận động nhân dân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, 135, nông thôn mới; vận động người dân hiến hơn 80 nghìn m2 đất và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, đồng bào các dân tộc đã đoàn kết loại bỏ dần các hủ tục, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trang phục, tiếng nói, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Có thể khẳng định, đội ngũ người có uy tín vùng đồng bào DTTS ở huyện Bình Liêu thật sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Họ là những hạt nhân tiêu biểu trong phát triển kinh tế, năng nổ trong công tác xã hội và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.