Ước vọng đổi đời
Sinh ra và lớn lên trong một dòng tộc người Thái trắng giàu truyền thống cách mạng, ngay từ những năm 1980 khi cuộc chiến tranh biên giới phía bắc đang khốc liệt, y sĩ Vương Văn Thắng đã có mặt trên vùng biên giới Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ sát cánh cùng những chiến sĩ biên phòng và đồng bào các dân tộc vùng biên chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Trải qua nhiều năm công tác với tinh thần tự học, tự rèn vượt qua khó khăn và thiếu thốn, năm 2005 bác sĩ Vương Văn Thắng khi đó là Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu tin tưởng giao trọng trách về giữ chức vụ Phó Chủ tịch huyện Tam Đường. Chỉ một năm sau đó anh được Đảng bộ huyện tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch huyện. Tại Đại hội Đảng bộ huyện năm 2010, anh tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư huyện ủy Tam Đường.
Huyện Tam Đường mới thành lập có diện tích tự nhiên là 684,52 km2, gồm 14 xã, thị trấn, dân số 49,36 nghìn người, huyện có 14 đơn vị hành chính trực thuộc với nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống như Thái, Mông, Dáy, Kinh... trong đó người Thái và người Mông chiếm đại đa số. Những ngày đầu tái thành lập cơ sở vật chất của huyện gần như không có gì, hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn đa số vẫn là đường mòn, đường tự phát do người dân mở lối, hệ thống trường học, trụ sở xã, trạm y tế đa phần ở dạng nhà tranh tre nứa lá... Công cuộc xây dựng hạ tầng của huyện coi như thực hiện từ đầu.
Đồng chí Vương Văn Thắng thăm đồi chè kết hợp trồng cây mắc-ca của người dân Tam Đường.
Có lẽ trách nhiệm với từng đồng tiền ngân sách trong xây dựng hạ tầng và đức tính tận tâm, tỉ mỉ với công việc là bản chất vốn có của những người làm ngành y. Ngay từ những ngày đầu được phân công nhiệm vụ mới, anh Thắng đã cùng Đảng bộ, chính quyền huyện nghiên cứu và nắm bắt sát sao tình hình thực trạng hạ tầng cũng như đời sống kinh tế xã hội của người dân. Anh chủ động cùng cán bộ các phòng ban chức năng dành nhiều thời gian đi nghiên cứu, khảo sát tỉ mỉ hết 155 bản của 14 xã và thị trấn trong huyện. Qua đó, anh đã định hình hướng phát triển cho mỗi xã, mỗi thôn bản sao cho thật phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực dân cư sinh sống.
Với quyết tâm cao, Chủ tịch Vương Văn Thắng đã cùng Đảng bộ huyện đẩy mạnh quá trình xây dựng hạ tầng cơ sở trên địa bàn. Cương quyết trong vấn đề bảo đảm tiến độ công trình cũng như tuân thủ quy hoạch chung tổng thể đồng thời tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân trong giải phóng mặt bằng là những bài học sâu sắc giúp Tam Đường sớm thành công tác này. Chỉ sau 10 năm tách huyện, hạ tầng kinh tế - xã hội Tam Đường đã có bước phát triển khá đồng bộ. Năm 2012, 14/14 xã trong huyện đã có đường ô tô đến trung tâm; hạ tầng giao thông thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. 100% các xã đã có trường học kiên cố, ở các điểm bản không còn phòng học tạm; thu nhập bình quân đầu người đạt 14,5 triệu/người/năm; 9/14 xã đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi, huyện có thêm 12 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia... bộ mặt nông thôn từng bước được đổi thay và phát triển.
Song song với xây dựng cơ sở hạ tầng, Tam Đường bước đầu “dò dẫm” tìm đường phát triển kinh tế cho người dân. Đã bao đời nay người dân Tam Đường chỉ quen sống trong nền kinh tế tự cung tự cấp, một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số phát sinh tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp, hỗ trợ cấp của nhà nước. Tinh thần lao động trong nhân dân có độ ì rất lớn chứ đừng nói đến tư duy nhanh nhạy trong phát triển kinh tế gia đình. Giải quyết được vấn đề này chính là "chiếc chìa khóa vàng" để người dân Tam Đường đi lên, bởi Tam Đường đất đai phì nhiêu, điều kiện khí hậu đặc thù. Nếu biết phát huy lợi thế thì huyện sẽ không nghèo. Đó cũng là trăn trở của Chủ tịch Vương Văn Thắng trong bước đường đưa người dân thoát nghèo.
Lại thêm những ngày thứ bảy, chủ nhật, Chủ tịch Thắng về với dân bản để nghiên cứu tỉ mỉ cách làm ăn cho bà con. Có nhiều xã, bản, Chủ tịch Thắng về công tác liên tục hỏi han cách làm ăn của bà con. Nhiều cán bộ xã, người dân gọi anh là chủ tịch nông nghiệp hoặc chủ tịch của nông dân. Điều đó đã góp phần động viên anh càng sâu sát hơn với thôn bản, nghiên cứu các mô hình kinh tế cho các hộ gia đình.
Chiến lược bước đầu từ cây lúa, anh đưa chủ trương khôi phục và phát triển những giống lúa đặc sản của địa phương chứ không đưa các giống lúa năng suất cao vào canh tác. Lúc đầu người dân chưa tin vì làm lúa truyền thống sẽ chẳng đủ gạo ăn cho gia đình cả năm. Anh chọn Bình Lư làm xã điểm phát triển cây lúa đặc sản, đặc biệt là giống lúa tẻ dâu rất nổi tiếng. Đúng như tiên liệu của anh, những thứ đặc sản sẽ ngày càng có giá, xã Bình Lư trồng lúa đạt thu nhập đến gần 100 triệu đồng/1ha/1vụ. Người dân Bình Lư phấn khởi bán gạo lấy tiền rồi ra chợ mua gạo khác về ăn.
Thấy rõ hiệu quả từ cây lúa truyền thống, đồng bào các xã trong huyện nô nức khai hoang phục hóa, tận dụng nguồn nước cải tạo ruộng nghèo để trồng lúa đặc sản, nhờ đó diện tích đất trồng lúa của huyện cũng tăng lên đáng kể.
Ngoài cây lúa, cây ngô vẫn giữ vai trò lớn trong đời sống kinh tế của người dân. Nắm bắt yếu tố này, Chủ tịch Thắng đã cử cán bộ đi tìm giống ngô vụ đông để bà con gieo trồng chứ nhất quyết không để đất hoang hóa vì lý do thiếu nước. Nếu phát giống ngô cho bà con chắc chắn bà con sẽ không trồng, biết vậy Chủ tịch Thắng cùng cán bộ các phòng ban trong huyện về cánh đồng xã Bản Bo vận động nhân dân và cùng các hộ ra đồng làm đất, gieo hạt. Việc làm thiết thực của cán bộ xã, huyện và tấm gương là ông Chủ tịch huyện đã làm lay động tấm lòng của người dân, vụ đó cánh đồng Bản Bo thu hoạch ngô vụ đông cũng không kém cạnh với ngô chính vụ. Đồng chí Chủ tịch huyện yêu cầu các xã phải sâu sát vận động người dân trồng ngô vụ đông và đã gần mười năm nay đất nương rẫy Tam Đường đã không còn trống trơ bởi cây ngô vụ đông tuy thu hoạch không lớn nhưng cũng góp phần đáng kể vào kinh tế mỗi hộ gia đình.
Với cương vị Bí thư huyện ủy Tam Đường, trong suy nghĩ của anh dù giữ chức vụ nào cũng là công bộc của nhân dân. Điều quan trọng và trăn trở trong anh vẫn là miếng cơm manh áo cho người dân, dù gì Tam Đường vẫn chưa theo kịp miền xuôi, vậy làm sao để Tam Đường giàu mạnh là bài toán luôn đau đáu của người Bí thư huyện ủy.
Nhớ lại những năm trước, câu chuyện trông chờ ỷ lại của bà con khi được lĩnh trợ cấp của Nhà nước khi trâu bò bị chết vì giá rét mà trước đó Nhà nước đã hỗ trợ đồng bào chống rét cho trâu bò. Năm 2010 toàn huyện bị chết 1.200 con trâu bò. Xót xa với đàn trâu huyện nhà, anh trực tiếp đi khảo sát các xã mới thấy một sự thật đáng buồn là trâu bò bị người nuôi xả thịt bán kiếm lời vì họ ỷ lại vào chính sách trợ cấp của Nhà nước đồng thời lại được nhận tiền hỗ trợ khi có trâu bò bị chết. Bất bình với tâm lý ỷ lại đó, anh quán triệt với các xã rằng: Trâu bò nhà nào, xã nào mà đã nhận tiền trợ cấp của nhà nước chống rét mà vẫn để cho trâu, bò chết thì nhà ấy phải đền tiền lại cho nhà nước và cán bộ xã phải chịu kỷ luật. Cứng rắn nhưng hợp tình, hợp lý, đàn trâu bò của huyện vào năm 2011 rét hại kéo dài mà chỉ có 9 con nghé mới sinh bị chết.
Trồng cây chuyên canh, nuôi con đặc sản vẫn luôn là thế mạnh của Tam Đường nhưng vấn đề đặc biệt quan trọng là bảo đảm đầu ra cho sản phẩm để người nông dân không thiệt thòi. Bí thư Vương Văn Thắng mạnh dạn chỉ đạo thí điểm mô hình trồng củ dong riềng làm sợi miến đặc sản mang thương hiệu Bình Lư. Đất xã Bình Lư nằm dưới chân núi trước quen trồng ngô nay chuyển đổi hướng sang trồng củ dong riềng làm sợi miến cung cấp cho miền xuôi. Và giờ đây mỗi héc ta dong riềng nơi sườn núi sát ruộng đã thu hoạch 210 triệu đồng/1ha/1 năm. Từ đây hai hợp tác xã chế biến dong riềng được thành lập và ngoài cây ngô bảo đảm cho chăn nuôi người, dân Tam Đường đã trồng dong riềng để có thu nhập cao hơn.
Đến thăm hợp tác xã miến dong Bình Lư của anh Đặng Thế Chuyền mới thấy hiệu quả của mô hình làm kinh tế mới này. Cơ ngơi của anh Chuyền có máy xay sát củ dong riềng. Sản phẩm miến dong Bình Lư do cơ sở sản xuất của anh làm ra đã được chứng nhận là sản phẩm sạch, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh và đặc biệt là nấu ăn ngon, sợi miến dai, không bị nát hoặc trương khi để lâu.
Thật may mắn khi anh Thắng mang sản vật, thế mạnh của quê hương quảng bá đến với cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp quốc doanh, nước ngoài đã tìm đến Tam Đường để nghiên cứu đầu tư, kinh doanh. Công ty chè Ô Long thương hiệu của Đài Loan và Nhật Bản đã bỏ ra nguồn vốn lớn đầu tư cho nông dân trong nhiều xã ở Tam Đường trồng cây chè. Nhà máy chè Ô Long đã được xây dựng tiêu thụ hàng trăm héc ta chè mỗi vụ. Một doanh nghiệp của Nhật Bản vào năm 2014 đang đầu tư số vốn lớn để xây dựng thêm một nhà máy chế biến chè Ô Long thứ hai. Các xã vùng núi cao của huyện Tam Đường đã tìm ra hướng đi mới, gần một nghìn héc ta chè đã được trồng cấy trong điều kiện đất đai, thổ nhưỡng được đánh giá là “có một không hai”.
Vượt ra khỏi những điều mong đợi trong suy nghĩ của người dân, người trồng chè không những không phải bỏ tiền đầu tư mà đã được các doanh nghiệp đầu tư từ vốn, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, theo tiêu chuẩn trồng chè xuất khẩu. Người dân bỏ hoang núi rừng nhiều năm thì giờ đây mỗi héc ta chè đã cho thu nhập vài chục triệu đồng một năm, tiền thuế đất được doanh nghiệp trực tiếp trả cho Nhà nước.
Đi trên những sườn núi cao vợi, rồi lại lao xuống những thung sâu của xã Bản Bo thấy người Mông, người Thái, người Dáy vui mừng phấn khởi với những nương chè xanh tốt rồi nhìn những ngôi nhà kiên cố nép mình bên núi là thấy đồng bào không còn ỷ lại trông chờ mà đã tự vươn lên làm kinh tế theo lời kêu gọi của đồng chí Bí thư Vương Văn Thắng.
Để phát triển chăn nuôi, anh Thắng mạnh dạn đưa chủ trương thành lập trung tâm giống gia súc gia cầm cung cấp nguồn giống vật nuôi cho người dân không để nguồn giống ngoại lai lấn át thị trường. Khu trại giống gà sao, gà xương đen, lợn giống nhập nguồn từ trại giống của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở Thụy Phương bước đầu hình thành tại Tam Đường. Chỉ sau vài năm thành lập, trung tâm giống đã góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát huy nhiều giống vật nuôi tốt để cho người dân phát triển trăn nuôi.
Bài học đầu tiên trong chăn nuôi của vị Bí thư huyện ủy có lẽ là dịch lợn tai xanh. Năm đó cả vùng Tây Bắc chỉ có Tam Đường là nơi phát dịch tai xanh trên đàn lợn. Không nản lòng trước thất bại, Bí thư Vương Văn Thắng chỉ đạo tạo lập các khu chăn nuôi tập trung tại các xã để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Mô hình chăn nuôi tập trung đã sớm phát huy hiệu quả, hơn 10 hợp tác xã được thành lập. Từ mô hình này việc tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, việc duy trì nguồn giống cũng như phòng chống và chữa bệnh cho vật nuôi đã được kiểm soát chặt chẽ. Từ đó nhiều hộ nông dân đã lấy chăn nuôi làm hướng phát triển chính cho kinh tế gia đình và thu được hiệu quả kinh tế cao.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Quân là người có nhiều năm gắn bó với anh Thắng nhớ lại: "Anh Thắng rất quan tâm công tác phát triển đàn giống tốt cho bà con nông dân Tam Đường. Ngoài việc bám sát công tác nhân giống gà, lợn, anh còn trực tiếp đi đến các thôn, bản, kiểm tra chuồng trại. Vì thế, những năm gần đây, Tam Đường luôn bảo đảm đầu ra cho các con giống hỗ trợ bà con nông dân yên tâm sản xuất".
Để làm được nhiều công việc thiết thực cho đồng bào các dân tộc, khâu then chốt là người lãnh đạo phải gương mẫu. Khi thành lập huyện, hệ thống cán bộ cấp xã của huyện còn yếu về trình độ chính trị và kém về năng lực chuyên môn. Theo con số thống kê vào thời điểm năm 2003 khi tách huyện, Tam Đường có 250 cán bộ và công chức xã, nhưng có đến 50 người mới tốt nghiệp tiểu học, tất cả đều thuộc dân tộc ít người. Anh em đều chưa đến tuổi nghỉ hưu, lại đông con, không có điều kiện đi học tập trung. Cán bộ chủ chốt xã phần lớn cũng chỉ có trình độ trung cấp, chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, cho nên chỉ có thể nâng cao trình độ bằng cách tập huấn ngắn hạn.
Đứng trước nguồn nhân lực không dễ giải quyết, khó đạt chuẩn nhà nước, thường vụ huyện ủy, trực tiếp là đồng chí Bí thư đã đề ra biện pháp tăng cường cán bộ bám sát xã bản, để có thể xử lý kịp thời yêu cầu hằng ngày tại cơ sở, cũng như phản ánh nhanh chóng tình hình về huyện. Đó là tăng cường sự giúp đỡ của Đảng bộ huyện đối với cấp xã, tăng cường trách nhiệm của cán bộ huyện đối với các thôn bản. Bí thư Vương Văn Thắng chủ trương một mặt cử cán bộ huyện về tăng cường có thời hạn, một mặt bắt buộc các xã tuyển hai người tốt nghiệp đại học chính quy về làm việc. Đến đầu năm 2012, huyện Tam Đường đã cử 14 phó trưởng phòng, ban về làm phó bí thư đảng ủy hoặc phó chủ tịch xã, thời hạn 3 đến 5 năm. Sau thời gian đó, số cán bộ được xã gửi đi đào tạo đã tốt nghiệp trở về sẽ thế vào vị trí số cán bộ huyện nói trên, cũng vừa lúc cán bộ xã chưa đủ trình độ đến tuổi về hưu. Nhờ thế, công tác Đảng của huyện đã gắn bó chặt chẽ với cơ sở thôn bản, một mặt đổi mới phương thức làm việc của các tổ chức Đảng và chính quyền, mặt khác đã bảo đảm và nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp chính quyền từ huyện đến từng thôn, bản, đồng thời đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa cán bộ cấp cơ sở.
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Bá Kiện, nguyên Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Tam Đường được phân công về làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bản Giang. Anh Kiện hồ hởi: Ban đầu khi nhận nhiệm vụ đi cơ sở, tôi cũng rất băn khoăn không biết phải chuẩn bị những gì. Nhưng sau khi được đồng chí Vương Văn Thắng hướng dẫn cách thức làm việc, tôi rất yên tâm. Đi làm việc tại xã phải nắm vững tình hình các thôn, bản trong xã, nhất là công tác cán bộ. Việc gắn bó mật thiết với nhân dân là điều cốt yếu để hiểu và có cách thức xử lý các tình huống. Thông qua chuyến đi cơ sở lần này, tôi hiểu thêm rất nhiều cách thức làm việc và quan hệ với bà con.
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Vào năm 2013, người dân Tam Đường chung tay xây dựng nông thôn mới cùng với các vùng nông thôn trong cả nước. Tiêu chí xây dựng nông thôn mới với Tam Đường thật khó thực hiện. Vậy nhưng với quyết tâm cao và tin tưởng vào đồng chí Bí thư Huyện ủy, Đảng bộ tỉnh Lai Châu quyết định chọn xã Bình Lư, huyện Tam Đường là một xã điểm để xây dựng nông thôn mới.
Người dân Tam Đường cấy lúa vụ đông xuân.
Đồng chí Hoàng Xuân Huề - Bí thư Đảng ủy xã Bình Lư cho biết: Ông Bí thư của nông dân Vương Văn Thắng đã truyền lửa cho tôi cùng xây dựng nông thôn mới. Cái ngày mở đường đến các thôn bản trong xã, đã có hàng chục hộ đóng góp tiền bạc, hàng chục hộ hiến đất sản xuất và hàng chục nghìn ngày công của người dân Bình Lư được huy động để làm đường xây dựng nông thôn mới. Nhờ trồng cây dong riềng và trồng lúa truyền thống, gia đình ông Nguyễn Quý Nho, bản Hoa Lư đã ủng hộ 15 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn. Gia đình anh Tống Văn Phong, bản Thèn Thầu hiến 336m2 đất…. Trước đó anh Phong xây nhà đã phải mời bà con trong xóm 5 can rượu và 2 con lợn để chở vật liệu xây ngôi nhà trị giá hơn 200 triệu đồng. Con đường bê tông liên bản đã đến cửa nhà anh Phong phải dừng lại. Nghe lời Bí thư Huề phân tích và thấy được lợi ích chung của con đường đối với dân bản, anh Phong chỉ đề nghị người trong thôn di chuyển giúp anh hàng rào bằng đá vào phía trong để nhường hơn ba trăm mét vuông làm đường nông thôn mới.
Đề cập đến câu chuyện của anh Phong, anh Thắng nói với chúng tôi rằng, Bác Hồ đã dạy cán bộ rằng: "Khó vạn lần dân liệu cũng xong" cho nên làm người cán bộ phải gương mẫu, đầu tàu và trước hết phải được người dân tin tưởng, nghe và thấu hiểu thì công việc sẽ thông. Với phương châm đó, chỉ trong hai năm xã Bình Lư đã tổ chức cứng hóa được 41,604 km đường giao thông thôn bản, nhân dân tham gia đóng góp 10.287 triệu đồng, hiến gần 30.000m2 đất, 35.000 ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới về đường giao thông.
Bí thư xã Hoàng Xuân Huề vẫn tâm đắc mãi với cách làm để đạt tiêu chí xóa nhà tranh vách đất cho xã trong xây dựng nông thôn mới. Khảo sát từng hộ dân, Bí thư Huyện ủy Vương Văn Thắng cho chủ trương xã còn hơn 30 hộ cần kiên cố hóa nhà ở được vay ngân hàng nông nghiệp mỗi hộ 20 triệu đồng trong 3 năm để làm nhà. Lãi suất ngân hàng sẽ được huyện trích quỹ ủng hộ với điều kiện chính quyền xã phải sát sao để các hộ trồng đủ diện tích dong riềng hoặc lúa đặc sản có tiền trả nợ. Nếu các hộ không trả được nợ thì cán bộ xã phải chịu trách nhiệm liên đới.
Tính đi tính lại, Bí thư xã Hoàng Xuân Huề nhất trí với đồng chí Bí thư huyện cách làm này, vì tính bình quân mỗi hộ chỉ trồng 2.000 m2 dong riềng trong hai vụ là đã có đủ tiền trả lại cho ngân hàng. 30 ngôi nhà đã được cứng hóa trong vài tháng với sự đầu tư phần nhiều công sức, tiền bạc của những người anh em họ hàng, và chỉ sau hai năm đã có hộ dân trả nợ hết tiền vay ngân hàng. Dựa vào người dân và cán bộ cơ sở cấp xã, xã Bình Lư của Tam Đường đã vinh dự là một trong hai xã của tỉnh miền núi Lai Châu được công nhận là xã nông thôn mới.
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Lò Thị Chanh ở bản Noong Luống, xã Bình Lư khi bà đang cho lợn ăn. Đứng trước ngôi nhà khang trang, không khỏi ngậm ngùi khi nhớ lại ngôi nhà ọp ẹp trước kia chỉ là túp lều bé xíu. Nhờ chương trình xóa nhà tạm của địa phương do Bí thư Vương Văn Thắng chỉ đạo, nhà bà Chanh đã dựng được ngôi nhà mới rộng rãi, khang trang. Bà Chanh gặp lại Bí thư huyện ủy Vương Văn Thắng mà không khỏi xúc động, nghẹn ngào bởi nhờ có sự quan tâm của đồng chí Bí thư huyện ủy, giấc mơ có ngôi nhà kiên cố, chắc chắn làm nơi ở thay cho túp lều dột nát trước kia đã trở thành hiện thực.
Những ngày đầu năm 2015, chúng tôi gặp người Bí thư của nông, lâm nghiệp Tam Đường khi anh được tín nhiệm điều động về giữ chức vụ Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Lai Châu. Đang ngồi trò chuyện cùng anh, một người thân ở miền xuôi bất chợt đến thăm. Chị nói rằng có gói chè Ô Long do chị mới đi Đài Loan mang về để tặng anh. Người bí thư nông thôn ấy thật ân cần nhận gói chè nhỏ từ tay người bà con. Trong anh, chúng tôi biết rằng không chỉ có trà Ô Long mà còn thương hiệu miến dong Bình Lư, gạo tẻ dâu và tương lai là quả mắc-ca có giá trị kinh tế rất cao đang được gây dựng trên vùng đất Tam Đường sẽ giúp bà con nơi đây ngày một phồn thịnh. Và người dân Tam Đường vẫn mãi coi anh là ông quan huyện, ông Bí thư của nông nghiệp và lâm nghiệp.