Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn ở Bắc Kạn

|

Là một trong những tỉnh được hưởng lợi từ Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP), Bắc Kạn đã lựa chọn, triển khai, phối hợp thi công nhiều tuyến đường, cầu dân sinh. Hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng đã giúp đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại nhiều thôn, bản vùng cao khởi sắc, thúc đẩy giao lưu hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế.

Thông đường lên bản

Tỉnh Bắc Kạn tham gia dự án LRAMP với hai hợp phần, gồm: Khôi phục, cải tạo đường địa phương và xây dựng cầu dân sinh, với mức đầu tư lần lượt là 195 tỷ đồng và 102 tỷ đồng từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đó, giai đoạn 2017 - 2021, tỉnh sẽ khôi phục, cải tạo 43 km đường; mỗi năm thực hiện bảo dưỡng thường xuyên 427 km đường tỉnh, 543 km đường huyện và 1.429 km đường xã; xây dựng mới 57 cầu dân sinh trên địa bàn. Ðối với một tỉnh miền núi, nghèo như Bắc Kạn, đây thật sự là nguồn lực rất lớn.

Tuyến đường dài hơn 11km, mặt đường trải nhựa rộng 4 m, được đầu tư từ dự án LRAMP nối xã Hà Hiệu tới Chu Hương (huyện Ba Bể) hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 4-2019, đã góp phần khơi dậy tiềm năng ở hai xã vùng cao này. Không chỉ riêng Chu Hương và Hà Hiệu mà nhiều xã lân cận cũng được hưởng lợi từ tuyến đường này. Xã Mỹ Phương giáp với Chu Hương có thế mạnh về trồng chè, thường được xuất bán sang tỉnh Cao Bằng. Trước đây, chưa có đường, các hộ phải xuất bán chè theo đường lên thị trấn Chợ Rã vòng sang Hà Hiệu, hoặc xuống thị trấn Phủ Thông (huyện Bạch Thông) rồi đi ngược lên tỉnh Cao Bằng, vừa xa xôi, vừa vất vả.

Nay có đường, chỉ cần đi thông sang Hà Hiệu, thêm hơn 5 km là tới quốc lộ 3 để lên Cao Bằng. Tuyến đường Phương Linh - Vi Hương (huyện Bạch Thông) dài hơn 4 km, tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng đã hoàn thành sau gần một năm thi công, trở thành huyết mạch quan trọng liên thông giữa các xã trong vùng, thúc đẩy quá trình giao lưu, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Ông Triệu Văn Be, thôn Nà Pái, xã Vi Hương cho biết, nhiều năm nay, người dân luôn mong mỏi có đường mới vì đường cũ xuống cấp, đi lại khó khăn. Nay được Nhà nước quan tâm làm đường mới, ai nấy đều vui mừng…

Nhiều tuyến đường, hơn 20 năm qua, được người dân gọi là cung đường "khổ ải", nhờ chương trình LRAMP nay đã có nguồn lực xây dựng. Tuyến đường từ quốc lộ 3B đến xã Ðôn Phong (huyện Bạch Thông) trong hơn 10 năm qua luôn là vấn đề được người dân kiến nghị nhiều nhất trong các cuộc tiếp xúc cử tri, đề nghị cải tạo, vì quá xuống cấp, thường xuyên xảy ra tai nạn. Ðầu năm 2020, nhân dân các xã dọc tuyến phấn khởi khi dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường này sử dụng vốn chương trình LRAMP được triển khai, với tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Ðầu tư xây dựng công trình giao thông Bắc Kạn Nghiêm Văn Thép cho biết, nhờ sự vào cuộc tích cực của các địa phương, vận động nhân dân hoàn trả diện tích mặt bằng đã lấn chiếm trong thời gian qua, cho nên mặt bằng phục vụ thi công không có nhiều vướng mắc. Không tốn kém chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng đã giúp Bắc Kạn thi công vượt kế hoạch giao. Theo kế hoạch, chương trình đầu tư 195 tỷ đồng, phục vụ nâng cấp, cải tạo hơn 43 km, nhưng nhờ cách làm nêu trên mà vẫn với số vốn này, Bắc Kạn đã thi công được tới gần 80 km.

Nhịp cầu nối những bờ vui

Với đặc điểm địa hình nhiều sông, suối, nhiều thôn bản bị chia cắt, huyện Bạch Thông được đầu tư xây dựng nhiều cầu dân sinh từ dự án LRAMP. Năm 2019, sáu cầu dân sinh được thi công gồm: Bản Luông - Cây Thị, xã Mỹ Thanh; Bản Chiêng, Khuổi Dâng, Lủng Lầu, xã Ðôn Phong; Tà Cáp, Cốc Coọng, xã Lục Bình.

Tại xã Lục Bình, dự án đầu tư xây mới cầu dân sinh Tà Cáp nối thôn Nà Chuông với Cao Lộc; cầu Cốc Coọng nối thôn Pác Chang với Lủng Chang, chấm dứt tình trạng người dân bị chia cắt bởi một con suối, cứ mỗi lần lũ lên là tắc đường. Bí thư Ðảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Lục Bình Hoàng Văn Chí cho biết, khi được đầu tư, địa phương tập trung vận động giải phóng mặt bằng kịp thời, giúp đơn vị thi công triển khai nhanh tiến độ. Cả hai công trình cầu đều hoàn thành trong năm 2019.

Ðối với hợp phần khôi phục cải tạo đường, Bắc Kạn đã đầu tư hơn 49 tỷ đồng xây dựng, hoàn thành, nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng đường Chu Hương - Hà Hiệu (huyện Ba Bể) và Kim Lư - Lương Thành (huyện Na Rì) với tổng chiều dài tuyến đường được khôi phục cải tạo hơn 20 km.

Từ năm 2020, Bắc Kạn hoàn thiện, triển khai các tuyến: Vân Tùng - Cốc Ðán (huyện Ngân Sơn), ÐT257 - Ðôn Phong (nay là quốc lộ 3B - Ðôn Phong, Bạch Thông), Cường Lợi - Vũ Loan (huyện Na Rì), Phương Linh - Vi Hương (huyện Bạch Thông) với tổng chiều dài hơn 37 km, tổng mức đầu tư hơn 107 tỷ đồng. Hợp phần cầu, Bắc Kạn đã thực hiện xong 23 cầu dân sinh ở các huyện Ba Bể, Chợ Ðồn, Na Rì, Ngân Sơn, Chợ Mới; tiếp tục hoàn thiện nốt 46 cầu ở Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Ðồn, Chợ Mới, Na Rì, Pác Nặm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Ðinh Quang Tuyên cho biết, UBND tỉnh chỉ đạo, phối hợp với Tổng cục Ðường bộ (Bộ Giao thông vận tải) bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn gắn với đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thi công các công trình cầu dân sinh, đường theo chương trình LRAMP. Hiện tại, Bắc Kạn vẫn còn tám tuyến đường nữa cần được đầu tư với số vốn hơn 200 tỷ đồng. Ðây là số vốn lớn nằm ngoài khả năng cân đối của một tỉnh thu ngân sách khó khăn như Bắc Kạn. Do vậy, tỉnh kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, bố trí triển khai tiếp chương trình LRAMP trong giai đoạn tới để Bắc Kạn có thể cải tạo, nâng cấp những tuyến đường còn lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.