Cồng chiêng là loại nhạc khí phổ biến ở các buôn làng đồng bào DTTS của Tây Nguyên, gắn bó mật thiết với sinh hoạt vòng đời và đời sống tâm linh của các tộc người Ba Na, Ê Ðê, Gia Rai, Mơ Nông, Cơ Ho, Xơ Ðăng, Rơ Măm… Cồng chiêng ở Tây Nguyên được chế tác bằng đồng, có cái pha vàng, bạc hoặc đồng đen, lấy thang bồi âm tự nhiên làm cơ sở để thiết lập thang âm.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng của mỗi tộc người ở Tây Nguyên mỗi khác, rất đa dạng và độc đáo. Tính độc đáo của cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện ở trình độ điêu luyện của người diễn tấu trong việc áp dụng những kỹ năng đánh cồng chiêng và kỹ năng chế tác. Nghệ nhân có thể dùng theo dàn, theo bộ cồng chiêng. Nghệ nhân Y’mip Ayun ở buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột (Ðác Lắc) chia sẻ: Mỗi bộ chiêng có từ hai đến 12 chiếc, cũng có bộ từ 18 đến 20 chiếc, như bộ chiêng của dân tộc Gia Rai hoặc dùng đơn lẻ. Dàn cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức như một dàn nhạc có thể diễn tấu những bản nhạc đa âm với các hình thức hòa điệu khác nhau. Ðiều đặc biệt trong dàn nhạc này là mỗi người chỉ đánh một chiếc cồng hoặc một chiếc chiêng, trừ chiêng Arap của người Gia Rai.
Khi nghe tiếng cồng chiêng, chúng ta có thể phát hiện các tầng giai điệu được đan xen và đối ứng với nhau bên cạnh phần đệm hòa âm trong các bài bản liên quan đến lễ hội cúng bến nước, lễ hội mừng được mùa, lễ hội cầu mưa, nghi thức đón khách hay kết nghĩa... Âm thanh mở đầu của tiết tấu cồng chiêng thường là chuỗi âm thanh tạo nên một tổng phổ âm nhạc vừa tinh tế, vừa đầy đặn và sâu lắng. Ðiều này cho thấy, cồng chiêng Tây Nguyên là sự hòa quyện giữa hai loại nghệ thuật âm nhạc chủ điệu và đa điệu theo lối tư duy hòa âm được hình thành từ chính bản chất bồi âm đa thanh của tự nhiên.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ðác Lắc Ðặng Gia Duẩn, để bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa cồng chiêng trong đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong những năm qua, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhất là ngành văn hóa, nghệ nhân ở các buôn làng Tây Nguyên thường xuyên mở nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng cho thanh, thiếu niên của dân tộc mình.