Bạc và các trang sức làm từ bạc có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây. Trong quan niệm của người Nùng, nhà giàu không phải có nhiều vàng, trâu bò, ruộng đất mà là có nhiều bạc. Ông Cháng Thanh Tờ, nghệ nhân chạm bạc tại xã Pờ Ly Ngài cho biết: "Trang sức bạc là hồn cốt, là tập tục, nếu không đeo bạc, người Nùng không biết nguồn cội, không biết tổ tiên". Ðó là động lực để ông theo nghề dù có lắm thăng trầm, nhưng cả đời ông vẫn cần mẫn tạo nên những bộ trang sức tinh xảo chứa đựng văn hóa của dân tộc.
Ðể tạo nên những món đồ trang sức chất lượng cao, nghệ nhân phải tìm kiếm, sử dụng nguyên liệu là bạc hoa xòe và bạc miếng. Từ những dụng cụ thủ công như: kéo cắt, kìm vặn, búa đập, đế gỗ, nồi đun, cân tiểu ly, cùng với bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, những nghệ nhân đã chế tác ra nhẫn, vòng tay, xà tích, trâm cài đầu, cúc bạc với những họa tiết, hoa văn tinh xảo, gần gũi với cuộc sống con người. Ông Ma Văn Kính, nghệ nhân chạm bạc ở xã Nàng Ðôn cho biết, ông đã theo nghề này được hơn 20 năm và chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Ông Kính chia sẻ: "Nghề chạm bạc rất kén người. Phải là người tỉ mẩn, nhẫn nại mới theo được nghề, vì tất cả các công đoạn để làm ra những sản phẩm đều đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì mới tạo ra được những họa tiết tinh tế.
Hiện nay, những nghệ nhân chạm bạc người Nùng tại xã Pờ Ly Ngài và Nàng Ðôn vẫn đang lưu giữ và phát huy nghề chạm bạc. Sản phẩm bạc của người Nùng khác biệt và nổi trội hơn hẳn so với ở nhiều nơi khác bởi họa tiết tinh tế, mẫu mã đa dạng, cân đối ở thủ pháp xử lý sáng tối nhờ kỹ thuật tạo khối của nghệ nhân trên chất liệu bạc. Với giá trị đó, các sản phẩm mỹ nghệ làm từ bạc không chỉ tiêu thụ trong cộng đồng người Nùng ở Hoàng Su Phì mà còn bán ra thị trường với giá khá cao, có thể cho thu nhập mỗi tháng từ 10 đến 15 triệu đồng.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử và khoa học tiêu biểu, "Nghề chạm bạc của người Nùng" tại xã Pờ Ly Ngài và Nàng Ðôn được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.