Người “góp lửa” gìn giữ văn hóa dân tộc Thái

|

Ông Lò Minh Tâm, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái - trong ảnh) là người có uy tín trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ông có nhiều đóng góp, được người dân ghi nhận trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương”.

Là người dân tộc Thái đen, lớn lên trên mảnh đất Mường Lò, từ nhỏ ông Lò Minh Tâm đã thấm nhuần phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình từ ông bà, bố mẹ. Ông Tâm bộc bạch, hồi nhỏ, bố ông thường dạy các con đánh đàn tính tẩu, thổi khèn bè, thổi pí ló, đàn môi, đánh trống, đánh chiêng, tằng bẳng, mắc hính và các điệu xòe, điệu múa dân gian. Khi lớn lên, ngoài học văn hóa, ông Tâm còn được nhiều người cao tuổi trong bản hướng dẫn những điệu múa dân gian, lời khắp giao duyên và được dạy chữ Thái cổ. Với tấm lòng đam mê và tình yêu với bản sắc văn hóa dân tộc mình, ông đã góp nhiều công sức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư. Bản thân ông Tâm tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong thôn bản thực hiện nếp sống văn hóa, giữ gìn các giá trị truyền thống của người Thái như: Xây dựng nhà sàn, bảo tồn chữ Thái cổ và các món ăn truyền thống; phát huy sáu điệu xòe cổ... Hằng năm, vào mỗi dịp thị xã tổ chức Tuần văn hóa du lịch Mường Lò, ông Tâm lại hăng hái nhắc nhở người dân sắp xếp công việc, ngày tham gia lao động, tối tham gia múa xòe để quảng bá giá trị, những nét đẹp của dân tộc Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ.

Ngoài ra, với trách nhiệm là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Pú Trạng, Trưởng ban Công tác mặt trận tổ dân phố Bản Noọng, ông Lò Minh Tâm vận động người dân trong bản cùng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Hiện Bản Noọng có hơn 130 hộ dân tham gia câu lạc bộ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo. Theo đó, cứ năm hộ khá giúp một hộ nghèo, thực hiện mục tiêu đến năm 2022 phấn đấu không còn hộ nghèo. Ông Tâm đến từng nhà vận động mỗi hộ hằng tháng góp thêm 30 nghìn đồng để có thêm kinh phí xây dựng đường bê-tông liên bản và kéo điện thắp sáng.

Ông Lò Minh Tâm chia sẻ, để tạo điều kiện cho các nghệ nhân giỏi nghề, có tâm huyết; tạo “sân chơi” để sinh hoạt, sáng tác và truyền nghề vẫn rất cần xã hội hóa và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đồng thời chính quyền địa phương cũng cần xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí, chế độ thù lao cho các nghệ nhân mở lớp nghệ thuật ca hát, múa, đánh trống chiêng, đàn sáo, khèn bè... với mục tiêu giúp lưu truyền cho các thế hệ sau ý thức bảo tồn văn hóa cội nguồn, nâng cao ý thức tự tôn dân tộc.