Trong không khí rộn ràng của những ngày cận Tết Kỷ Hợi 2019, chúng tôi về huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, huyện có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống tập trung đông nhất, với tỷ lệ hơn 62%. Ở đâu cũng bắt gặp niềm vui hiện hữu trên từng khuôn mặt rám nắng của bà con người Khmer.
Nâng cao đời sống vật chất
Là huyện có đông đồng bào Khmer, nên huyện Trà Cú luôn chú trọng việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2018, đồng bào Khmer được tiếp tục thụ hưởng các chương trình, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững… Trong năm, huyện tiếp nhận, triển khai thực hiện 103 công về trình điện, giao thông, thủy lợi, nước sạch, trường học, y tế, chợ, nhà cộng đồng…v ới tổng kinh phí hơn 92 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về vốn theo các Quyết định 63, 65, 68 và Nghị quyết 55 của Chính phủ… và đã giải ngân gần 275 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn đầu tư, năm 2018 toàn huyện đã chuyển đổi được 950 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi khác. Giúp bà con chọn cây trồng hiệu quả, huyện chỉ đạo xây dựng và nhân rộng 53 mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao.
Nói về sức bật của huyện nhà, đồng chí Nhan Ra Ni, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú, cho rằng, kết nối được hệ thống giao thông là quan trọng nhất. Theo đó, khi thực hiện các các chính sách của Trung ương, Nghị quyết của Tỉnh ủy liên quan đến địa phương, Trà Cú ưu tiên đầu tư vào các tuyến đường liên ấp, liên xã; đến nay, các tuyến đường liên xã đã nối kết được tổng thể toàn huyện. Song hành với đường giao thông, chương trình kéo điện cho vùng đồng bào dân tộc Khmer, chương trình xóa hộ dân sử dụng điện câu đuôi cho hơn 40 nghìn hộ, đã nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện lên 99,22%; có điện chẳng những giúp thắp sáng mà còn giúp bà con tăng gia sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước.
Nói về phương cách sản xuất, đồng chí Nhan Ra Ni cho rằng, cái nghèo trước đây một phần do nhận thức của bà con cũng chậm, người dân chưa tiếp cận được kỹ thuật, thị trường... do đó một số người chưa mở rộng canh tác, phát triển nhiều ngành nghề trên mảnh đất của mình. Qua quá trình phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, bà con đã có nhận thức khá hơn, một số vùng bà con đã áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Chuyển một vụ lúa sang hai vụ màu, thay vì trước đây hai vụ lúa, và những vùng không hiệu quả về lúa, bà con cũng tích cực, đột phá, tự chuyển luôn sang trồng chuyên màu rất hiệu quả, góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất lên 118 triệu đồng. Đặc biệt, khi triển khai các chính sách liên quan đồng bào Khmer, đều được nhân dân hưởng ứng rất cao và chính quyền cơ sở đã chủ động tổ chức triển khai bằng những mô hình thực tiễn giúp phát triển kinh tế, đã làm cho bộ mặt kinh tế, đời sống ở vùng sâu, vùng xa có chuyển biến rất tích cực, góp phần giảm nghèo nhanh. Trong năm 2018, giảm nghèo trong đồng bào Khmer hơn 4%, đạt theo nghị quyết đã đề ra, ổn định đời sống nhân dân...
Giờ học chữ Khmer ở Trường Tiểu học Hàm Giang B1.
Chúng tôi về Đại An là xã vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 70%, tỷ lệ hộ nghèo trước kia còn hơn 56%. Qua thời gian phấn đấu, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hươn,g, đến nay bộ mặt nông thôn đã nhiều thay đổi. Phó Chủ tịch UBND xã - Thạch Văn Minh hân hoan nói rằng, xã chúng tôi đã đạt các tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới, hiện tại xã đang tăng cường dọn dẹp cảnh quan môi trường, để chuẩn bị đón xuân, đón đoàn chỉ đạo của tỉnh về kiểm tra lần cuối. Theo báo cáo của xã, trong năm đã chuyển đổi 47,6 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng màu và nuôi thủy sản, đặc biệt là cây môn xuống giống được 42,02 ha, sản lượng thu hoạch 680,724 tấn, lợi nhuận bình quân 130 - 150 triệu đồng/ha.
Đại An đã từng là xã nghèo thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, điều gì đã giúp xã tiến nhanh như vậy. Chúng tôi về ấp Cây Da để xem sự chuyển mình vượt qua nghèo khó nhờ mô hình trồng khoai môn của bà con Khmer ở đây. Những con đường liên ấp còn đen màu nhựa mới vừa được đầu tư, đường trục nội đồng cũng được cứng hóa và những hàng cột thẳng tắp để đưa điện vươn ra các cánh đồng phục vụ trồng màu.
Bà Hà Thị Nhờ bồi hồi kể: ngày xưa cực khổ lắm, ấp này, đường sá đi lại vất vả, chuyên chở hàng hóa khó khăn, nay rất phấn khởi, nhà nước giúp cho dân đầy đủ đường sá, nhà trường được làm tại ấp; trẻ em học mẫu giáo, trường cấp 1 rất gần nhà, thuận lợi cho cha mẹ đưa đón các con... Nói về làm kinh tế gia đình, bà Nhờ cho biết, hồi xưa gia đình cô trồng khoai môn với mía, nhưng bây giờ đã bỏ vụ mía rồi, chỉ dành toàn bộ đất để trồng khoai môn. Vì trồng khoai môn thu hoạch rất hiệu quả, khoai môn năm nào cũng trúng hết, nên bà con ở đây đều trồng khoai môn, trúng mùa, được giá, rất phấn khởi.
Ông Trần Dương, ấp Cây Da chia sẻ: Bà con ở đây phát triển mạnh cây khoai môn nhờ có sự quan tâm của Quỹ tín dụng nhân dân xã Đại An. Quỹ tín dụng cho vay vốn tín chấp một hộ là 20 triệu, sau thu hoạch trả cho quỹ tín dụng lãi suất thấp, bà con rất phấn khởi. Theo ông, trồng lúa nếu thuận mùa lợi nhuận tối đa cũng chỉ hơn một triệu đồng/công, còn khoai môn lợi nhuận là 15 triệu. Ấp Cây Da của ông được sự quan tâm của Đảng ủy, ủy ban xã nên cơ sở hạ tầng, đường nông ở đây khá hoàn chỉnh, đàng hoàng, kể trục lộ nội đồng phục vụ sản xuất cũng được đầu tư hơn 10 km. Từ đó, đời sống kinh tế bà con rất là khấm khá, Xuân đến Tết tới, bà con ở đây rất phấn khởi.
Chăm lo đời sống tinh thần
Đồng bào dân tộc Khmer huyện Trà Cú hân hoan đón xuân Kỷ Hợi 2019 không chỉ vì vùng quê ngày càng khởi sắc, đời sống kinh tế ổn định, mà vị thế của người Khmer ngày càng được khẳng định hơn. Sau nhiều năm thực hiện chủ trương lớn của Đảng về đồng bào dân tộc thiểu số, công tác phát triển đảng viên, việc chăm bồi nguồn cán bộ người dân tộc đã có kết quả khả quan. Đến nay, Trà Cú đã khắc phục được tình trạng chi bộ ấp, khóm vùng đông đồng bào Khmer không có đảng viên là người Khmer; tỷ lệ đảng viên là người dân tộc Khmer chiếm hơn 44% trên tổng số đảng viên toàn huyện. Toàn huyện có 1.060 người dân tộc Khmer, chiếm hơn 48% trong tổng cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng chí Nhan Ra Ni, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết, vì là huyện có tỷ lệ đồng bào Khmer hơn 62%, nên có xã, ấp tỷ lệ người Khmer chiếm đến 98%. Từ đó trong các cơ quan Đảng, Chính quyền, đoàn thể huyện cũng bố trí cán bộ người Khmer theo tỷ lệ tương xứng. Hiện nay, bình quân đang bố trí cán bộ Khmer hơn 30%, riêng các xã đặc thù cao hơn, thí dụ như Kim Sơn, Long Hiệp, Tân Hiệp, là những xã mà tỷ lệ hộ Khmer nhiều, tỷ lệ bố trí cán bộ người dân tộc cũng cao hơn mặt bằng của huyện, đến 40 thậm chí 45%. Các xã vùng đồng bào Khmer, chủ tịch hoặc bí thư là người dân tộc.
Đàn gà của gia đình Đông Minh Hoàng.
Hàm Giang cũng là xã nghèo, có hơn 98% là người dân tộc Khmer. Đồng chí Đông Minh Hoàng, trước kia là đảng viên nghèo được xã ủy Hàm Giang và Huyện ủy giúp đỡ, hỗ trợ đảng viên nghèo số tiền 10 triệu để mua một con bò cái sinh sản, được Nhà nước hỗ trợ mua một công đất để sản xuất... giờ đã thoát nghèo và được đảng viên trong ấp, bà con tín nhiệm, bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Nhân dân ấp Nhuệ Tứ B, xã Hàm Giang. Nói về kinh tế gia đình, ông Đông Minh Hoàng cho biết, từ khi nuôi bò đến giờ tính ra nó đã đẻ được bốn con, ông đã bán một con, hiện tại trong chuồng còn bốn con bò. Bên cạnh đó, được Trung tâm y tế huyện Trà Cú hỗ trợ 8 triệu đồng, ông mua được 200 con gà, đến cận Tết bán bầy gà cũng được khoảng 12 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông cũng trồng màu, ước tính bình quân một năm thu nhập khoảng 50 triệu, cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Còn Thạch Minh Sỹ, viên chức nông nghiệp xã Hàm Giang vui mừng nói, tui rất vinh hạnh, khi tốt nghiệp, nhận bằng kỹ sư nông nghiệp, được Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh phân công về phụ trách địa bàn xã Hàm Giang. Đa số xã này là đồng bào dân tộc Khmer, sản xuất chủ yếu nông nghiệp, mình là người dân tộc gặp bà con đồng bào dân tộc dễ truyền đạt khoa học kỹ thuật, vận động bà con xây dựng nông thôn mới, cũng như vận động thủy lợi dễ dàng hơn.
Thầy Cao Văn Tần, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Giang B cho biết, hiện tại xã Hàm Giang có bốn trường xã quản lý; trong đó có một trường mẫu giáo, hai trường tiểu học và một trường trung học sơ sở. Thời gian gần đây được sự quan tâm của Đảng tạo điều kiện thuận lợi để tất cả các em được đến trường, đường sá đi lại thuận lợi, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần, thậm chí có năm duy trì rất tốt; tỷ lệ học sinh dân tộc Khmer của trường hơn 98%. Đến thời điểm này đồng bào dân tộc Khmer rất quan tâm đến việc học của con em, đi học ngày càng đông, duy trì được sĩ số học sinh; học sinh đến trường học tập tốt hơn, chăm ngoan hơn so với những năm trước. Việc dạy chữ Khmer đúng theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, duy trì được bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương.
Dù vẫn còn là huyện nghèo, bằng sự nỗ lực của toàn đảng bộ, sự tin tưởng vào chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng bào Khmer Trà Cú phấn đấu vươn lên... cái nghèo, cái khó ở huyện thuộc diện 30a của Chính phủ. Tết đến, xuân về, bà con dân tộc Khmer Trà Cú cũng tất bật, rộn ràng để cùng chào đón xuân sang.