Khởi nghiệp trên vùng đất khó

|

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, là những nhận xét về anh Lường Đình Hùng ở xã Như Cố, huyện Chợ Mới (Bắc Cạn), người đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp thanh niên Như Cố. Từ khi thành lập, HTX đã mở ra hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, tạo việc làm cho thanh niên.

Tốt nghiệp đại học sư phạm, anh Lường Đình Hùng về công tác tại địa phương, giữ cương vị Bí thư Đoàn Thanh niên xã Như Cố. Anh tập hợp, tổ chức nhiều phong trào, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. Nhận thấy tiềm năng đất nông nghiệp của địa phương, tình trạng thiếu việc làm ổn định trong thanh niên, anh đã mạnh dạn đứng ra thành lập Tổ hợp tác thanh niên Như Cố với mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tổ thí điểm chuyển đổi sáu “bung” (6.000 m2) đất ruộng ở thôn Nà Chào sang trồng rau và cây ăn trái. Ngay năm đầu, tổ hợp tác trồng thành công rau bí siêu ngọn, cà chua, rau cải, dưa chuột, dưa hấu... trên mảnh đất vốn chỉ canh tác lúa. Ngoài ra, tổ còn thử nghiệm thành công trồng rau trái vụ nâng cao hệ số sử dụng đất. Qua đó, mỗi bung ruộng luân canh các loại rau cho thu nhập hơn 60 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tổ cũng trồng thành công cây mướp đắng rừng trên đất ruộng, cây sai quả, giá bán cao (60.000 đồng/kg). Các sản phẩm làm ra có nhãn mác và chứng nhận an toàn cho nên đã được thị trường các tỉnh và thành phố lớn ưa chuộng, tin dùng.

Từ thành công ban đầu, anh Hùng tiếp tục nâng tổ hợp tác lên thành HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố, mở rộng quy mô, tiến hành xây dựng nhà lưới, nhà màng chuyên canh cũng như từng bước tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao. Bám sát nhu cầu thị trường, bảo đảm quy trình bền vững, HTX trồng rau màu theo quy trình sản xuất sạch, nói “không” với hóa chất để có sản phẩm an toàn. HTX thực hiện nghiêm túc quy trình canh tác, ghi chép các bước chăm sóc, thu hoạch dưới sự giám sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện.

Anh Hùng tìm tòi, nghiên cứu thiết kế lô-gô, nhãn mác cho sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa rau, củ, quả, chè sạch Như Cố, chè mướp đắng rừng, bún khô, mật ong hoa rừng, rượu men lá Khuổi Chủ. Hằng ngày, ngoài giờ làm việc, anh Hùng luôn có mặt trên đồng ruộng cùng các thành viên chăm sóc cây trồng, nghiên cứu áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, anh xây dựng tài khoản facebook mang tên “Đoàn xã Như Cố” để bán các sản phẩm nông sản của HTX trên mạng và xây dựng trang web của HTX để quảng bá sản phẩm của HTX rộng rãi hơn và đẩy mạnh bán hàng trực tuyến. Nhờ đó, đến nay, mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường từ hai đến ba tấn rau, củ, quả. Một số sản phẩm của HTX đã mở rộng thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng, tin tưởng. Năm 2018, sản phẩm chè mướp đắng rừng và chè khô của HTX được xếp hạng sản phẩm nông nghiệp OCOP ba sao cấp tỉnh.

Với những nỗ lực, tâm huyết của mình, anh Lường Đình Hùng đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 30 thanh niên trong xã. Cá nhân anh được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp vùng dân tộc thiểu số; Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của lần thứ 13 năm 2018.