Có tác dụng tốt trong điều trị tim mạch và đường tiêu hóa, quả sơn tra (táo mèo) ở Yên Bái được tiêu thụ mạnh trên thị trường trong nước, giá bán từ 20 đến 40 nghìn đồng/kg, đem lại thu nhập khá cao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa nghèo hiệu quả ở vùng cao Yên Bái.
Năm 2016, tỉnh Yên Bái triển khai Đề án phát triển cây sơn tra tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, đến nay trồng mới được gần 2.250 ha, đưa diện tích sơn tra lên 5.640 ha. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có 10.000 ha sơn tra với mật độ từ 500 đến 600 cây/ha, cho năng suất từ 10 đến 15 tấn/ha, sản lượng đạt từ 20 nghìn đến 25 nghìn tấn/năm. Sau hai năm thực hiện, các địa phương đã tiến hành trồng mới đạt gần 38% kế hoạch, với tổng kinh phí hỗ trợ phát triển hơn 14 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lê Trọng Khang cho biết: Trong hai năm thực hiện, huyện đã triển khai tới tất cả các thôn, bản trên địa bàn. Việc triển khai thực hiện Đề án đã tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức tầm quan trọng và hiệu quả kinh tế từ cây sơn tra trong đồng bào các dân tộc. Trước đây, người dân chủ yếu là thu hái tự nhiên, thì nay đã trồng, bảo vệ và phát triển hiệu quả hơn.
Nhằm đẩy nhanh diện tích trồng mới, cung ứng giống tốt, rút ngắn thời gian sinh trưởng so với gieo hạt, tỉnh đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cây sơn tra bằng phương pháp ghép cành. Bước đầu có hơn 6.500 cây ghép đạt tiêu chuẩn, toàn bộ số cây sơn tra này được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Trạm Tấu và người dân các xã Tà Xi Láng, Xà Hồ, Bản Mù, Túc Đán trồng mới hơn 10 ha vào diện tích rừng nghèo kiệt, rừng tái sinh và quanh các nương rẫy. Tỷ lệ cây sống đạt từ 75% trở lên. Theo ông Lê Xuân Thành, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái, năm 2018, đơn vị sản xuất hơn 103.000 cây giống sơn tra ghép cành đạt tiêu chuẩn, hỗ trợ người dân Trạm Tấu trồng 50 ha, huyện Mù Cang Chải 100 ha, mật độ 625 cây/ha. Mục tiêu của dự án là tạo ra giống cây sơn tra có năng suất và chất lượng cao, góp phần nâng cao giá trị của rừng, tăng thu nhập cho người dân, giúp bảo vệ và phát triển rừng ngày một tốt hơn.
Chủ trương trồng sơn tra trên đất trống rừng phòng hộ, trên đất quy hoạch cho sản xuất, dưới tán rừng tự nhiên nghèo kiệt; dân tự trồng, tự quản lý, bảo vệ, chăm sóc, Nhà nước hỗ trợ cây giống của Yên Bái được người dân hết sức ủng hộ. Hiện tại, huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu tiếp tục rà soát diện tích rừng, vận động đồng bào trồng cây sơn tra vào nương rẫy canh tác kém hiệu quả, tăng nhanh diện tích cây trồng, sớm tạo vùng nguyên liệu cho việc sản xuất, chế biến quả sơn tra tại địa phương thành nhiều loại sản phẩm khác nhau, nhằm tăng giá trị kinh tế của cây bản địa này.