Lâm Bình là huyện vùng cao phía bắc tỉnh Tuyên Quang, trên địa bàn huyện có 70.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng phòng hộ hơn 43.100 ha, rừng sản xuất có hơn 25.970 ha. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn giàu trữ lượng tài nguyên rừng với nhiều động vật, thực vật phong phú, trong đó có nhiều loài thuộc diện nguy cấp, quý hiếm đang được bảo vệ như: pơ-mu, thông tre, thông đỏ, nghiến, trai, đinh, sến, dổi, các loài lan kim tuyến và một số loài dược liệu quý hiếm, các loài động vật như : Voọc đen má trắng, vượn, khỉ, hươu, lợn rừng, mèo rừng, cu-li, cầy, nhím… Toàn huyện có 76 thôn bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đời sống các hộ dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đất canh tác, sinh sống phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên rừng, cho nên vẫn xảy ra tình trạng người dân sử dụng các loại súng, bẫy tự chế để săn bắt động vật hoang dã, khai thác lâm sản trái phép.
Huyện Lâm Bình đã thông qua Nghị quyết quy hoạch, bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, làm cơ sở để tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, phát triển các loài, sinh cảnh bị suy thoái và phát triển các nguồn gien quý hiếm, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học. Từ đó, chỉ đạo các đơn vị chức năng, các xã và người dân tăng cường thực hiện công tác quản lý rừng nói chung và các loài động vật hoang dã nói riêng; tổ chức tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Từ cuối năm 2013, UBND huyện Lâm Bình đã quyết định giao Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Lâm Bình thực hiện phương án “Hợp đồng bảo vệ rừng phòng hộ khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang cho các tổ chức, cá nhân”. BQLRPH huyện xây dựng phương án hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ khu vực lòng hồ, kết hợp phát triển kinh tế cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Hợp đồng được thực hiện trên cơ sở quỹ đất rừng phòng hộ cần giao khoán của chủ rừng và nhu cầu của người dân trên tinh thần tự nguyện, có năng lực thực hiện hợp đồng... Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 40 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia nhận khoán với tổng diện tích hơn 4.400 ha; khoán bảo vệ rừng phòng hộ tự nhiên gần khu dân cư cho 44 hộ với tổng diện tích bảo vệ là hơn 7.000 ha.
Từ khi hợp đồng bảo vệ rừng được ký kết với người dân, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên khu vực hồ thủy điện Tuyên Quang có sự chuyển biến tích cực. Việc giao khoán bảo vệ rừng kết hợp phát triển kinh tế đã nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, huy động được nhân dân tại địa phương tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, góp phần tiết kiệm ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ rừng tại cơ sở. Thông qua việc thực hiện hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, tình trạng người dân làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép trên đất rừng phòng hộ đã giảm đáng kể. Năm 2013, các cơ quan chức năng của huyện phát hiện 34 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích rừng phòng hộ tại khu vực lòng hồ thì sau khi giao khoán cho đến nay chưa xảy ra vụ vi phạm lâm luật nào trên diện tích rừng mà dân nhận khoán. Ở các thôn có rừng, BQLRPH Lâm Bình đã phối hợp các chủ rừng tiến hành ký cam kết không vi phạm những quy định về bảo vệ rừng; chủ động phối hợp chính quyền và các đoàn thể của các xã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ công tác tuyên truyền đến tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Đến nay, trên địa bàn huyện có gần 200 tổ chức và hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ, trong đó nhiều gia đình thuộc ba xã: Phúc Yên, Khuôn Hà, Thượng Lâm nhận khoán bảo vệ rừng tại khu vực hồ thủy điện Tuyên Quang gắn với phát triển kinh tế. Gia đình chị Nông Thị Tươi, ở thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, trước đây cuộc sống gặp nhiều khó khăn, không có nghề phụ, chỉ có ít ruộng cho nên luôn thuộc diện hộ nghèo, đến năm 2013, gia đình chị nhận giao khoán hơn 87 ha rừng tại khu vực Nà Thìn. Ngoài số tiền dịch vụ môi trường được nhà nước chi trả, gia đình chị còn nuôi bốn lồng cá và nuôi thêm trâu, bò, dê, lợn, vịt, cho nên hằng tháng đã có thu nhập ổn định hơn 15 triệu đồng.
Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Văn Dưng cho biết, để bảo vệ rừng hiệu quả, quan trọng là giúp người dân phát triển kinh tế gắn với rừng để người dân có thu nhập, ổn định cuộc sống, nhất là các hộ dân sống ven rừng. Việc lựa chọn những tổ chức, cá nhân là người địa phương, có tình yêu rừng, gắn bó với rừng để giao rừng và phối hợp lực lượng kiểm lâm, cán bộ quản lý rừng phòng hộ đã tạo ra mạng lưới vững chắc để bảo vệ những cánh rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn. Giữ được rừng là điều kiện tiên quyết để Lâm Bình phát triển kinh tế - xã hội.