Hà Giang di dân xen ghép và ổn định tại chỗ

|

Từ năm 2011 đến 2020, Hà Giang thực hiện hai đề án quy tụ dân cư đặc thù của tỉnh và đã di chuyển hàng chục nghìn hộ dân sống ở vùng nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn.

Ðiểm mấu chốt dẫn đến thành công của hai đề án này là thực hiện di dân xen ghép và ổn định tại chỗ. Người dân di chuyển đến nơi ở mới nhưng không phải xa quê hương, còn Nhà nước cũng giảm áp lực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu định cư mới.

Thôn biên giới Xín Cái, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ có một xóm mới thành lập từ năm 2015 với 22 hộ dân. Ðây là những hộ dân sinh sống cùng thôn Xín Cái, trước kia các hộ ở rải rác trên những sườn núi cao, tiềm ẩn nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Thực hiện đề án quy tụ dân cư số 105 của tỉnh Hà Giang về di chuyển người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, huyện Quản Bạ đã rà soát, quyết định vận động các hộ dân nêu trên nên đến nơi ở mới an toàn theo hình thức di cư xen ghép ngay trong thôn.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận Phan Thông Quyết cho biết: "Ðể làm được điều đó, chính quyền địa phương đi tìm đất cho các hộ dân. Khi tìm được đất thì vận động người dân hiến đất hoặc đổi đất ở lấy đất sản xuất cho những hộ thuộc diện di cư. Với tinh thần tương thân, tương ái, các hộ dân trong thôn có quỹ đất ở nơi an toàn đã tình nguyện hiến đất hoặc đổi đất. Ðiển hình như gia đình anh Vù Sào Pao, Trưởng thôn Xín Cái đã tự nguyện hiến 2.400 m2 đất cho sáu hộ dân. Ðến thời điểm này, tất cả các hộ di cư đã ổn định cuộc sống. Nơi ở mới giáp đường giao thông, thuận tiện đi lại, các hộ cũng xây được nhà kiên cố từ tiền hỗ trợ theo đề án của tỉnh".

Gia đình chị Thào Thị Sào trước kia sinh sống ở sườn núi cao, luôn lo lắng về nguy cơ sạt lở đất mỗi khi trời mưa. Khi được chính quyền địa phương vận động chuyển đến nơi ở mới, gia đình chị Sào đã đổi đất sản xuất lấy mảnh đất ở rộng hơn 400 m2 để xây nhà kiên cố từ tiền hỗ trợ của đề án quy tụ dân cư. Có nhà ở khang trang, vững chãi, gia đình chị Sào yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Chị Sào chia sẻ: "Về nơi ở mới ngay trong thôn cho nên gia đình tôi không thấy bỡ ngỡ. Nhà mới gần đường giao thông, ngoài việc làm nương, tôi và chồng cũng có điều kiện đi lao động, buôn bán nông sản ở ngoài huyện. Bốn đứa con cũng thuận tiện hơn trong học hành".

Từ năm 2011 đến 2019, tỉnh Hà Giang thực hiện đề án 105 và 1631 về quy tụ dân cư theo hình thức xen ghép và ổn định tại chỗ, với tổng nguồn vốn hơn 300 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã quy tụ được hơn 9.000 hộ dân sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng có nguy cơ thiên tai, đặc biệt khó khăn về sống tập trung tại các thôn, bản, bảo đảm an toàn và thuận tiện cho phát triển kinh tế, gắn với xây dựng nông thôn mới. Các hộ về nơi ở mới được hỗ trợ theo các mức: 50 triệu đồng đối với các hộ ở thôn biên giới, 32 triệu đồng ở thôn nội địa (xã biên giới); 20 triệu đồng ở các xã nội địa và các hộ ổn định tại chỗ được hỗ trợ 10 triệu đồng. Ngoài ra, hai đề án cũng xây dựng một số công trình hỗ trợ cộng đồng.

Hai đề án quy tụ dân cư đặc thù của tỉnh có ưu điểm hơn hẳn so với các dự án bố trí dân cư tập trung sử dụng nguồn vốn T.Ư. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quản Bạ Phạm Ngọc Pha cho biết: "Do ổn định dân cư xen ghép, tại chỗ cho nên các địa phương không phải điều chỉnh, bố trí đất ở, đất sản xuất mà do người dân tự thỏa thuận, trao đổi với anh em, hàng xóm, dưới sự vận động, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương. Mặt khác, đất sản xuất tại nơi ở cũ cơ bản vẫn được các hộ canh tác hoặc trao đổi với nhau để có đất sản xuất gần nơi ở mới hơn. Tất cả các hộ di chuyển về nơi ở mới được thụ hưởng các công trình phúc lợi của cộng đồng và cộng đồng cũng được hỗ trợ đầu tư thêm công trình phúc lợi, vừa giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, lại giảm chi phí đầu tư so với các dự án bố trí dân cư tập trung".

Lấy dẫn chứng cụ thể,từ năm 2006 đến 2016, Hà Giang thực hiện 13 dự án bố trí dân cư tập trung, sử dụng tới 99% ngân sách T.Ư, định mức đầu tư trung bình mỗi dự án hơn 50 tỷ đồng, định suất bình quân di chuyển các hộ khoảng 700 triệu đồng, cá biệt có dự án mức đầu tư từ một đến gần hai tỷ đồng/hộ (đầu tư hạ tầng nông thôn, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chi phí di chuyển). Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, vẫn còn năm dự án đã phê duyệt hàng chục năm và một đề án đã phê duyệt 5 năm vẫn đang dở dang hoặc chưa có vốn triển khai. Thời gian triển khai các dự án kéo dài từ 3 đến 5 năm mới di chuyển được dân, đến năm 2019, 13 dự án bố trí dân cư tập trung mới di chuyển được hơn 500 hộ dân, đạt 50% mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, hai đề án di cư theo hình thức xen ghép và ổn định tại chỗ chỉ có định suất đầu tư bình quân 48 triệu đồng/hộ và thời gian thực hiện, tính hiệu quả đều hơn hẳn so với các dự án di cư tập trung. Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế Hợp tác tỉnh Hà Giang Hoàng Hồng Trường nhận định: "Từ số liệu so sánh nêu trên cho thấy đề án di dân theo hình thức xen ghép và ổn định tại chỗ giúp giảm chi phí và thời gian thực hiện. Kết quả triển khai hai đề án quy tụ dân cư đặc thù giúp hàng chục nghìn hộ dân sống ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai được di chuyển đến nơi ở mới an toàn, yên tâm ổn định cuộc sống, đóng góp lớn vào kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong 10 năm qua, với gần 40 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới".

Hà Giang và phần lớn các tỉnh miền núi phía bắc có điều kiện tự nhiên gần giống nhau như: Ðịa hình đồi núi dốc, chia cắt, dân cư thưa thớt; đồng bào các dân tộc thiểu số có phong tục, tập quán thường định cư rải rác trên các sườn núi cao, khó tiếp cận các hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… Trong khi biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, thiên tai lũ ống, lũ quét, mưa đá, giông lốc xảy ra với tần suất và mức độ gây thiệt hại lớn dần qua mỗi năm. Do đó, tỉnh Hà Giang vẫn còn hàng chục nghìn hộ dân cần bố trí nơi ở mới an toàn. Với những kinh nghiệm triển khai các đề án quy tụ dân cư 105 và 1631, tỉnh sẽ hoàn thành các mục tiêu quy tụ dân cư trong giai đoạn tiếp theo.

Bài, ảnh: Khánh Toàn và Duy Tuấn