Đề cập kết quả công tác khai hoang, phục hóa, cải tạo ruộng bậc thang trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, những năm qua, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Ðiện Biên Bùi Minh Hải cho biết: Từ nguồn vốn 30a, Chương trình 135, giai đoạn 2014-2017, toàn tỉnh Ðiện Biên đã khai hoang, phục hóa được gần 1.400 ha đất phục vụ sản xuất các loại cây lương thực. Trong đó, diện tích khai hoang mới được 1.047 ha, phục hóa 335 ha; với tổng kinh phí hỗ trợ người dân hơn 15 tỷ đồng. Nhờ đó, diện tích đất trồng lúa trên địa bàn tăng vượt bậc, lên 1.000 ha; tổng sản lượng lương thực trên địa bàn tỉnh đạt 258 nghìn tấn vào năm 2017.
Mấy năm trở lại đây, huyện vùng cao khó khăn Tủa Chùa trở thành điển hình trong thực hiện khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang. Bởi thế mà vùng cao Tủa Chùa giờ đây bốn mùa phủ kín mầu xanh ngút ngàn của những đồi chè, ruộng lúa, nương ngô. Ðưa chúng tôi thăm cánh đồng của bản Phiêng Bung, xã Mường Báng, anh Sùng A Thắng chỉ tay về phía thửa ruộng bậc thang xanh mướt màu lúa non, nói như khoe: Từ năm 2013 trở về trước, những thửa ruộng bậc thang ấy vẫn là bãi hoang, đến cỏ dại cũng không sống nổi vì khô cạn. Nhưng từ năm 2014 trở lại đây thì khác. Ðược cán bộ phòng Nông nghiệp huyện hướng dẫn cách làm ruộng bậc thang và hỗ trợ máy móc, một số hộ dân trong bản Phiêng Bung đầu tư công sức đào đất, san ủi tạo ruộng để trồng lúa nước. Tuy diện tích không nhiều, nhưng vụ mùa đầu tiên năm 2014, nhiều gia đình đã thu hàng chục bao thóc. So sánh với trồng lúa nương và cây màu khác, người dân bản Phiêng Bung đều chung nhận xét, làm lúa nước trên ruộng bậc thang năng suất cao hơn hẳn mà lại bền vững. Vì thế, cứ người này học người kia, cả bản Phiêng Bung giờ đã có 52 gia đình cấy lúa nước trên ruộng bậc thang; diện tích lúa ruộng bậc thang của bản Phiêng Bung tăng gấp hai, ba lần so với những năm trước. Người dân Phiêng Bung không phải lo cái đói tháng ba ngày tám đeo đẳng nữa.
Không chỉ Phiêng Bung mà người dân ở nhiều xã vùng cao của huyện Tủa Chùa đã không ngần ngại bỏ ra hàng chục triệu đồng để thuê máy móc san ủi, tạo ruộng bậc thang từ đất nương bạc màu của gia đình. Gia đình ông Giàng A Cống, bản Háng Chờ 2, xã Mường Báng là thí dụ. Ông Cống cho biết: Năm 2014, tôi đã bán năm con trâu to, được hơn 100 triệu đồng để cải tạo bốn mảnh ruộng tổng diện tích hơn 7.000 m2, vừa trồng lúa nước vừa thả cá. Tổng kết vụ mùa năm 2017, gia đình tôi thu hơn 40 bao thóc và gần một tạ cá. So với lúa nương thì sản lượng thóc tăng gấp hai lần.
Trao đổi với chúng tôi về kết quả khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang trên địa bàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tủa Chùa Tô Văn Tuân cho biết: Từ khi chính sách hỗ trợ phục hóa, cải tạo ruộng bậc thang được triển khai, người dân hưởng ứng tích cực. Theo Quyết định số 2227 ngày 29-7-2014 của UBND huyện Tủa Chùa, huyện sẽ hỗ trợ mỗi héc-ta ruộng khai hoang hoặc cải tạo nương cũ thành ruộng bậc thang được hỗ trợ 15 triệu đồng; một héc-ta ruộng phục hóa được hỗ trợ 10 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ tuy không nhiều nhưng thấy được giá trị hơn hẳn từ sản xuất ruộng bậc thang cho nên bà con đã chủ động cải tạo ruộng. Tổng số 322,56 ha ruộng được khai hoang, phục hóa thành ruộng bậc thang trong giai đoạn 2014-2016, đã góp phần quan trọng tăng năng suất lúa trên địa bàn huyện Tủa Chùa lên gần 3.000 tấn; sản lượng lương thực bình quân ở Tủa Chùa giờ đã đạt hơn 400 kg/người/năm.
Với huyện Ðiện Biên Ðông, diện tích được khai hoang, phục hóa cải tạo để trồng lúa nước trong những năm qua cũng tăng nhiều. Riêng năm 2016, huyện đã hỗ trợ hơn 450 hộ dân ở các xã: Na Son, Sa Dung, Pú Nhi, Pú Hồng, Luân Giói khai hoang mới 80 ha với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng; năm 2017 hỗ trợ khai hoang hơn 100 ha, nâng tổng diện tích lúa nước toàn huyện đạt hơn 2.000 ha. Nhờ đó đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, tăng sản lượng lương thực, ổn định đời sống người dân. Hiện nay, bình quân lương thực của huyện đạt 440kg/người/năm.
Bằng những cách làm cụ thể, chính sách hỗ trợ thiết thực và sự tích cực của người dân, giờ đây vấn đề thiếu đất canh tác với người dân vùng cao tỉnh Ðiện Biên đã không còn "nóng" như mấy năm trước nữa. Khi nói về thành tựu này, Giám đốc Sở NN-PTNT Ðiện Biên Hà Văn Quân phấn khởi cho biết, riêng năm 2017, tổng sản lượng lương thực của tỉnh đạt gần 258 nghìn tấn, trong đó sản lượng lúa ruộng chiếm hơn 70%. Ðáng mừng hơn cả là sự chuyển đổi nhận thức, cách làm từ sản xuất trên nương sang sản xuất lúa ruộng, làm ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc thiểu số trên các huyện vùng cao. Việc mở rộng khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang là một hướng đi đúng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ðiện Biên giúp đồng bào các dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo và phát triển cộng đồng bền vững.