Đồng hành cùng nông dân
Những năm qua, nhiều thế hệ cán bộ định canh, định cư, các cơ quan cấp tỉnh, huyện, lực lượng vũ trang, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế quốc phòng V luôn đồng hành cùng hơn 180 hộ đồng bào Khơ Mú ở bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn, xóa bỏ tập tục lạc hậu, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống mới. Trung tá Lê Sỹ Mao, cán bộ của Đoàn kinh tế quốc phòng V là người sớm gắn bó với bà con dân tộc Khơ Mú ở bản Đoàn Kết. Trung tá Mao bám địa bàn, đến từng gia đình tìm hiểu phong tục, tập quán, đời sống dân sinh, nhằm tìm phương pháp vận động quần chúng, cách làm phù hợp, gợi mở hướng giảm nghèo, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong bản.
Đội sản xuất của Đoàn kinh tế quốc phòng V xây dựng mô hình “Vườn - ao - chuồng - rừng” cho đồng bào Khơ Mú học tập và làm theo. Cán bộ, chiến sĩ của Đoàn phối hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, cơ sở dạy nghề, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình sản xuất. Điển hình như mô hình giống lúa nếp nguyên chủng DT 52 thơm, dẻo cho năng suất hơn 300 kg/sào đã thay thế giống lúa bản địa chất lượng kém, năng suất thấp; mô hình trồng nấm sò và nấm linh chi, cho thu nhập từ 45 đến 50 nghìn đồng/kg đang dần được các hộ nhân rộng. Từ chỗ chuyên canh cây lương thực, hoa màu chịu hạn trên nương rẫy, nông dân bản Đoàn Kết hiện nắm vững quy trình thâm canh hai vụ lúa nước, tổ chức sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu. Trưởng bản Đoàn Kết Lò Văn Pòng cho biết: Các trường học được xây dựng kiên cố tại bản, tạo điều kiện cho học sinh mầm non, tiểu học thuận lợi đến lớp, đến trường học tập; người dân trong bản giúp nhau phát triển kinh tế, chung sức chỉnh trang, xây dựng bản làng sạch, đẹp...
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 234 hộ với gần 1.100 người Khơ Mú cư trú tại bản Lách, xã Mường Chanh và bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát. Đồng bào Khơ Mú được hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước trong đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu cho các xã, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ lương thực, giúp nhân dân trồng rừng và phát triển nông nghiệp. Cùng với việc vận động đồng bào định canh, ổn cư, nhiều năm qua các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang trong tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều việc làm thiết thực, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào. Dù vậy, đời sống dân sinh, kinh tế của người dân tại các bản Lách, bản Đoàn Kết vẫn còn nhiều khó khăn. Bí thư Đảng ủy xã Mường Chanh, Lộc Văn En cho biết: Xã có 52 hộ với 245 người Khơ Mú sinh sống ở bản Lách. Hiện đồng bào không còn lo cái đói nhưng tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Năm 2016, cơ quan dân tộc xây dựng, tham mưu cho tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đối với các hộ đồng bào Khơ Mú trong tỉnh đến năm 2020. Thời gian qua tỉnh Thanh Hóa và huyện Mường Lát đã tổ chức tập huấn, tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở, hộ đồng bào Khơ Mú trong tỉnh tham quan, giao lưu với đồng bào các dân tộc ở miền tây tỉnh Nghệ An. Qua đó, thắt chặt mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, học tập kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong tổ chức sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Cấp ủy, chính quyền cơ sở, cán bộ các cấp tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân bỏ hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chuyển nơi nuôi, nhốt gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn nhà ở; thường xuyên làm vệ sinh môi trường... Những hộ nghèo được quan tâm cải thiện khó khăn về nhà ở; được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, được sử dụng nước sạch, điện thắp sáng theo chính sách hiện hành.
Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa Tạ Hồng Hải cho biết, ngoài kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ thôn, bản, Đề án tiếp tục bố trí, sắp xếp dân cư theo hướng khoa học, ổn định tại chỗ, thuận tiện trong sinh hoạt; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững đi đôi với xóa bỏ tập tục lạc hậu, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào Khơ Mú. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/năm, giảm từ 6 đến 7% số hộ nghèo/năm; bảo đảm đủ phòng học kiên cố cho 100% số học sinh mầm non, tiểu học học tập, có nhà công vụ cho giáo viên; bảo đảm phương tiện cơ giới đến được trung tâm xã, có nhà y tế, nhà văn hóa kiên cố. Phấn đấu đến năm 2020 không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bảo đảm tất cả các hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, toàn bộ số dân được nghe đài phát thanh, 95% số dân được xem truyền hình... Tổng dự toán thực hiện đề án gần 57 tỷ đồng và nguồn đầu tư từ ngân sách Trung ương đã phân bổ. Tỉnh Thanh Hóa cân đối, bố trí nguồn vốn hiện có để thực hiện các hạng mục thành phần nhưng huy động từ doanh nghiệp và người dân rất hạn chế. Năm nay, đơn vị chủ quản đang chờ phân bổ gần 1,8 tỷ đồng để thi công hai đoạn đường đến trung tâm, nội bản và triển khai nội dung tập huấn. Đề án liên quan đến hơn 10 đầu mối tổ chức thực hiện, cho nên cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa từ các cơ quan, sở, ban, ngành trong tỉnh nhằm sớm hoàn thành các mục tiêu ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào Khơ Mú.