"Vật thiêng" của người Vân Kiều, Pa Cô

|

Bếp lửa có vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở vùng cao tỉnh Quảng Trị. Bếp lửa vừa là nơi nấu nướng, sưởi ấm cho mọi người trong gia đình, vừa là nơi thờ thần bếp nhằm xua đuổi tà ma, đề phòng thú dữ và cầu mong may mắn, ấm no, hạnh phúc...

Không gian bếp chứa đựng nét sinh hoạt văn hóa, những phong tục, tập quán, tín ngưỡng độc đáo của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô. Ông Hồ Văn Nua, ở xã A Vao, huyện Ða Krông cho biết: Ngày xưa, nhiều thế hệ người Pa Cô cùng nhau chung sống dưới một mái nhà dài đầm ấm. Trong đó, có bao nhiêu bếp lửa là có bấy nhiêu hộ gia đình. Ngoài các bếp lửa nhỏ, có một bếp lửa chung lớn đặt ở gian giữa của ngôi nhà (gọi là Moong) dành để tiếp khách và là nơi hội họp, sinh hoạt chung của các gia đình, dòng họ để bàn bạc, trao đổi chuyện nương rẫy, mùa màng, lễ hội... Trong đời sống sinh hoạt của người dân, bếp lửa là nơi quan trọng nhất trong ngôi nhà, ngọn lửa đỏ ở bếp là biểu tượng cho sự sống, tình yêu và sự hồi sinh bất diệt. Vì thế, đồng bào ở vùng cao tỉnh Quảng Trị luôn hướng về ngọn lửa như hướng về một thế giới huyền bí giữa đại ngàn với tất cả sự tôn kính, thiêng liêng.

Bếp lửa của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô có khung hình chữ nhật hoặc hình vuông, trong lòng được đắp bởi một lớp đất dày để ngăn lửa không bén xuống sàn. Song song với khung bếp, cách mặt sàn khoảng 80 cm là giàn bếp làm bằng tre, nứa được treo bởi những sợi dây mây ở bốn góc. Trên giàn bếp được đặt một cái nia để đựng lương thực, thực phẩm cần sấy khô… Gần sát mái nhà là giàn khói dùng treo các loại hạt giống như ngô, mướp, bầu và các vật dụng đan lát cần được hong khói để bền chắc hơn.

Ông Hồ Nam, ở xã Xi, huyện Hướng Hóa cho biết: Bếp lửa của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô không chỉ đơn thuần phục vụ đời sống sinh hoạt của gia đình; giữ gìn, bảo quản hạt giống cây trồng cho mùa sau mà còn làm cho ngôi nhà vững chãi hơn, ấm cúng hơn, chống được mối, mọt, muỗi và các loại côn trùng khác... Ông Nam chia sẻ thêm: "Trước đây, khi chăn không đủ ấm, quần áo không đủ mặc, nếu không có bếp lửa thì dân bản mình khó có thể vượt qua được mùa đông giá rét ở vùng núi cao. Khi bếp đỏ lửa, con ma rừng và thú dữ cũng không dám vào nhà, gia đình mới yên ổn làm ăn... Vì thế, bếp lửa đối với đồng bào mình được xem như là vật thiêng".

Ngày nay, trong nhịp sống mới, những tập tục về bếp lửa vẫn được đồng bào Vân Kiều và Pa Cô ở vùng cao Quảng Trị bảo tồn nguyên vẹn; không gian bếp lửa là nơi các già làng, trưởng bản trao truyền cho thế hệ sau những giá trị văn hóa riêng của dân tộc mình.