Nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia

|

NDO - Ngày 25/8, tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng phối hợp Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro”. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo là diễn đàn khoa học để các đại biểu trao đổi, thảo luận về cơ sở lý luận và thực tiễn, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia tại Việt Nam, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định, trong quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, thông tin tín dụng có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp tạo lập cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia để Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; hỗ trợ các TCTD trong hoạt động kinh doanh; hỗ trợ khách hàng vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu đời sống, kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật.

Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước do Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) làm đầu mối tổ chức, thực hiện. Thời gian qua, hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã có bước phát triển nhanh, là một trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia. CIC đã xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng khá lớn từ các nguồn dữ liệu trong và ngoài ngành, qua đó, xây dựng, cung cấp các báo cáo tổng hợp, báo cáo phân tích định kỳ và đột xuất về hoạt động tín dụng phục vụ cho Ban Lãnh đạo và các đơn vị Ngân hàng Nhà nước.

Theo Tổng Giám đốc CIC Cao Văn Bình, tính đến tháng 8/2023, CIC đã lưu trữ dữ liệu hơn 55,3 triệu khách hàng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 65% tổng dân số trưởng thành. Tăng trưởng cung cấp thông tin của CIC luôn đạt mức từ 15 đến 20% mỗi năm, 6 tháng đầu năm nay đạt 31 triệu báo cáo các loại. Nguồn thông tin tín dụng nhanh chóng, tin cậy đã góp phần quan trọng tạo ra lợi thế cạnh tranh của các TCTD, đặc biệt là trong thời đại ngân hàng số hiện nay.

Trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang quyết liệt triển khai Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhiều TCTD đã và đang đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số, cho vay trên nền tảng công nghệ, việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia đầy đủ, chính xác trên nền tảng công nghệ hiện đại có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Để đạt được mục tiêu này, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, kiểm tra việc chấp hành các quy định về báo cáo thông tin tín dụng của các TCTD, kiên quyết xử lý các TCTD báo cáo thông tin không đầy đủ, không chính xác. Đồng thời, yêu cầu các TCTD khai thác triệt để các sản phẩm dịch vụ thông tin tín dụng phục vụ hoạt động kinh doanh, bảo đảm tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về cấp tín dụng, quản trị rủi ro.