Huy động TPCP đạt kỷ lục trong năm 2016
Điểm lại tình hình thị trường TPCP, đại diện lãnh đạo Vụ Tài chính Ngân hàng - Bộ Tài chính đánh giá, thị trường TPCP năm 2016 có khối lượng phát hành đạt mức cao nhất từ trước đến nay, kỳ hạn phát hành được cải thiện rõ rệt, lãi suất phát hành có xu hướng giảm, công tác tái cơ cấu danh mục nợ TPCP được triển khai có hiệu quả và cơ sở nhà đầu tư cải thiện tích cực. Khung khổ chính sách của thị trường TPCP tiếp tục được hoàn thiện với ba Nghị định, một Thông tư liên tịch, một Quyết định của Thủ tướng CP, hai Quyết định của Bộ Tài chính. Trong đó tiêu biểu là các Nghị định về hưu trí bổ sung tự nguyện, cơ chế đầu tư của BHXH, quản lý ngân quỹ; Quyết định của Chính phủ phê duyệt Đề án chuyển đổi các khoản vay của NSNN từ BHXH dưới hình thức hợp đồng vay sang hình thức TPCP; Quyết định của BTC về chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP từ NHTM sang NHNN.
Theo HNX, năm 2016, đấu thầu TPCP qua HNX tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho NSNN. Theo đó, tổng khối lượng vốn huy động qua HNX đạt con số kỷ lục 316.729 tỷ đồng, tăng 26,85% so với năm 2015. Năm 2016, tần suất tham dự thầu và giá trị trúng thầu của khối ngoại có sự tăng trưởng ấn tượng cả về giá trị (88%) và tỷ trọng so với năm 2015.
Quy mô niêm yết toàn thị trường năm 2016 đạt 930.528 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2015 và tăng 65,82% so với năm 2013. Kỳ hạn niêm yết bình quân cũng tăng qua các năm và năm 2016 đã đạt trên 5 năm (5,21 năm). Quy mô niêm yết bình quân mỗi mã toàn thị trường cũng tăng 23,5% so với năm 2015, đạt 1.954,89 tỷ đồng/mã trái phiếu năm 2016.
Giao dịch thứ cấp ngày càng sôi động, đặc biệt là năm 2016, tăng 73,84% so với năm 2015. Giá trị giao dịch bình quân phiên tăng mạnh so với 2015 (đạt 6.353 tỷ đồng/phiên), đạt đỉnh vào ngày 28/6/2016 (14.588 tỷ đồng).
Thị trường thứ cấp năm 2016 đạt độ sâu ấn tượng do tỷ trọng giao dịch Repos thực tế đạt 63,32% so với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Giá trị giao dịch Repos ẩn dưới 2 giao dịch Outright tăng đáng kể, gấp 2,44 lần so với năm 2015.
Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại 2016 giảm khoảng 40,83% so với năm 2015 và đang chiếm tỷ trọng thấp trong tổng giá trị giao dịch toàn thị trường năm 2016 (4,37%).
Theo Vụ Tài chính Ngân hàng, mục tiêu vụ huy động vốn của năm 2017 dự kiến là 250 nghìn tỷ đồng TPCP, 34.395 tỷ đồng trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, 8-10 nghìn tỷ đồng trái phiếu CQĐP.
Năm 2017, sản phẩm đa dạng, thị trường minh bạch hơn
Sang năm 2017, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ban hành Thông tư quy định mua lại TPCP trước hạn tại thị trường trong nước, ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 234/2012/TT-BTC về hướng dẫn quản lý giao dịch TPCP, TPCPBL, TPCQĐP, đánh giá Nghị định số 01/2011/NĐ-CP để sửa đổi trong đó nghiên cứu cơ chế cho vay TPCP để hỗ trợ thanh khoản trên thị trường thứ cấp. Về các giải pháp điều hành thị trường, phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải tăng cường hơn nữa. Trên thị trường sơ cấp, sẽ thí điểm phát hành TPCP có lãi suất thả nổi từ Quý II, tiếp tục phát hành TPCP kỳ hạn dài 20, 30 năm; trên thị trường thứ cấp, đưa thị trường phái sinh trái phiếu đi vào hoạt động trong Quý I/2017; về thanh toán, thực hiện cơ chế chuyển chức năng thanh toán TPCP sang NHNN trong Quý I/2017; về phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), xây dựng cơ sở dữ liệu phát hành TPDN để củng cố việc công bố thông tin trên thị trường TPDN.
Đại diện lãnh đạo Kho bạc Nhà nước cho biết thêm, thị trường TPCP sơ cấp năm 2016 tăng trưởng gấp hơn 1,4 lần so với năm 2015 với tổng khối lượng phát hành của KBNN đạt 281.750 tỷ đồng, tất cả đều được đấu thầu qua HNX, bảo đảm công khai minh bạch và bình đẳng với các nhà đầu tư trên thị trường. Quy mô thị trường TPCP ngày càng mở rộng, tính đến 31-12-2016, dư nợ TPCP đạt khoảng 26% GDP.
Kỳ hạn vay bình quân năm 2016 đạt 8,71 năm, tăng 1,73 năm so với năm 2015, giúp kéo dài kỳ hạn còn lại của danh mục nợ TPCP từ mức 4,44 năm (năm 2015) lên mức lên 5,98năm (năm 2016). Về cơ cấu nhà đầu tư, tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài tăng từ 8,35% (năm 2015) lên 12,38% (năm 2016); tỷ trọng nhà đầu tư là các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, công ty tài chính tăng lên 20,13%, tỷ lệ sở hữu của khối các NHTM giảm xuống còn 51,7%.
Bên cạnh đó, KBNN đã thực hiện một số nghiệp vụ nhằm tái cấu trúc nợ theo hướng bền vững hơn, theo đó, KBNN đã tổ chức thí điểm thành công đợt hoán đổi kéo dài kỳ hạn trái phiếu, với sáu mã kỳ hạn 4-6 năm được hoán đổi thành kỳ hạn từ 8-30 năm, tổng khối lượng hoán đổi thành công là 2.765 tỷ đồng.
Năm 2017, KBNN sẽ phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu (từ dưới một năm đến 30 năm), trong đó kỳ hạn từ dưới 1 năm đến 3 năm chiếm khoảng 20%; kỳ hạn từ 5 năm đến 10 năm chiếm khoảng 60%, kỳ hạn từ 15 năm trở lên chiếm khoảng 20%. Về sản phẩm phát hành, tiếp tục duy trì phát hành ba sản phẩm: trái phiếu thanh toán lãi định kỳ 01 năm/1 lần; trái phiếu có kỳ hạn trả lãi đầu tiên ngắn hoặc dài hơn kỳ hạn chuẩn (long short coupon bond) và trái phiếu không thanh toán lãi định kỳ (zero coupon bond).
Với chức năng tổ chức, điều hành thị trường, năm 2017 HNX đặt ra các chương trình hành động hướng đến ba mục tiêu chính: đa dạng hóa sản phẩm, tăng tính thanh khoản thị trường và tối đa hóa minh bạch thông tin thị trường. Theo đó, đối với thị trường TPCP, HNX sẽ xúc tiến việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương xanh trên cơ sở nhu cầu của tổ chức phát hành; phát triển hệ thống giao dịch trái phiếu có lãi suất thả nổi; chuẩn bị các điều kiện để bổ sung thành viên giao dịch là KBNN, ra mắt hai sản phẩm Repos mới: Vay TPCP để bán và Bán/Mua lại (sell/buy back). Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), HNX sẽ hoàn thiện Đề án phát triển thị trường TPDN (theo tiến độ yêu cầu của UBCKNN), hoàn thiện dự thảo Thông tư phát hành TPDN, xây dựng Cổng thông tin TPDN.