Cơ hội cho lúa mì Mỹ tìm lại thị phần toàn cầu

|

NDO - Từng có thời điểm là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, Mỹ đã dần dần đánh mất vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết trở nên khó lường, đẩy nhiều quốc gia sản xuất lớn vào tình thế bất lợi. Liệu Mỹ có thể nắm lấy cơ hội này để tìm lại “hào quang” vốn có trước đây?

Thị phần liên tục thu hẹp

Trong những năm gần đây, thị phần lúa mì Mỹ trên thị trường toàn cầu đang ngày càng thu hẹp. Kể từ niên vụ 2020-2021, xuất khẩu lúa mì Mỹ đã giảm liên tiếp trong 3 niên vụ, báo hiệu một xu hướng đáng báo động về nhu cầu.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu lúa mì niên vụ 2023-2024 của Mỹ chỉ đạt mức 19,6 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ năm 1971. Có thể nói, trong mắt các nhà nhập khẩu trên thế giới, sức hấp dẫn của lúa mì Mỹ đã giảm đi đáng kể.

Bất chấp tình hình địa chính trị biến động trên thế giới đặt ra những thách thức cho việc đảm bảo an ninh lương thực ở nhiều quốc gia, lúa mì Mỹ vẫn không được nhiều thương nhân quốc tế lựa chọn. Nguyên nhân có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất khác với chi phí thấp hơn và các biến động địa chính trị đã thay đổi dòng chảy thương mại toàn cầu.

Kết quả là, lúa mì Mỹ đang mất dần thị phần vào tay các đối thủ tại khu vực Biển Đen và Nam Mỹ, nơi cung cấp sản phẩm với giá cả cạnh tranh hơn và chi phí vận chuyển thấp hơn. Sự thay đổi này không chỉ là một cảnh báo về xu hướng dài hạn mà còn đặt ra thách thức lớn cho nông dân và các nhà xuất khẩu Mỹ trong việc duy trì và mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế.

Rủi ro thiệt hại tại các nước sản xuất lớn

Trong bối cảnh địa chính trị tại Trung Đông và Biển Đen ngày càng nóng hơn, nguồn cung lúa mì toàn cầu vốn đã đứng trước nhiều lo ngại nghiêm trọng. Đặc biệt, thời tiết khắc nghiệt gần đây tại Nga, nhà cung cấp lúa mì hàng đầu thế giới càng làm dấy lên sự chú ý từ thị trường quốc tế.

Tuần trước, 8 khu vực trồng ngũ cốc quan trọng của Nga đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do sương giá đầu tháng 5 gây thiệt hại nghiêm trọng cho cây trồng. Ngoài ra, kể từ tháng 4, miền nam nước Nga hầu như không có mưa, khiến độ ẩm đất giảm thấp đáng kể ở các vùng sản xuất lớn như Krasnodar, Rostov và Stavropol. Theo Bộ Nông nghiệp Nga, đợt sương giá này đã ảnh hưởng tới khoảng 1% diện tích ngũ cốc của nước này trong năm nay, tương đương khoảng 900.000 héc-ta.

Tình hình thời tiết khắc nghiệt tại Nga sẽ còn tác động sâu rộng đến thị trường lúa mì toàn cầu bởi vai trò then chốt trong việc cung ứng cho nhiều quốc gia. Trong bối cảnh biến động hiện nay, việc đa dạng hóa nguồn cung và xây dựng chiến lược dự phòng là điều cần thiết cho các quốc gia nhập khẩu lúa mì. Điều này không chỉ giúp họ giảm thiểu rủi ro mà còn đảm bảo an ninh lương thực trước những bất ổn địa chính trị và khí hậu khó lường.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, cho biết: “Sự thiếu hụt lúa mì từ Nga có thể tạo ra cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn khác như Mỹ, Canada và Australia. Những quốc gia này có thể tận dụng cơ hội để gia tăng sản lượng và mở rộng thị phần mà Nga mất đi do nguồn cung thu hẹp”.

Cơ hội dành cho lúa mì Mỹ

Với nguồn cung dự báo tích cực trong năm nay, Mỹ có thể có cơ hội lấy lại thị phần lúa mì trên thị trường thế giới. Trong báo cáo Cung - cầu nông sản thế giới tháng 5, USDA dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2024-2025 của Mỹ sẽ đạt 50,56 triệu tấn, cao hơn so mức 49,31 triệu tấn của niên vụ hiện tại. Xuất khẩu cũng được kỳ vọng tăng lên 21,09 triệu tấn trong niên vụ tới, từ mức 19,60 triệu tấn trong năm nay.

Trong cuộc tham quan hằng năm mới đây tới bang Kansas, các chuyên gia cây trồng dự báo năng suất lúa mì tại bang này sẽ đạt mức 3,13 tấn/ha, mức cao nhất kể từ năm 2021 và vượt xa mức trung bình 5 năm là 2,85 tấn/ha trong giai đoạn từ 2018-2023. Tại hầu hết các khu vực được khảo sát, mặc dù thời tiết xấu có một số tác động, tuy nhiên, tình hình nhìn chung vẫn tương đối thuận lợi. Năng suất lúa mì tại khu vực phía bắc Kansas cũng được kỳ vọng sẽ ở mức cao nhất trong vòng 3 năm, mang đến triển vọng nguồn cung tốt.

Vào tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã đặt số lượng đơn hàng lúa mì đông đỏ mềm (SRW) lớn kỷ lục từ Mỹ. Mặc dù phần lớn đã bị hủy bỏ do giá giảm sâu sau đó, tuy nhiên, điều này cho thấy Mỹ vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu khi căng thẳng nguồn cung toàn cầu diễn ra. Rõ ràng, không thể phủ nhận vai trò của Mỹ trong việc duy trì ổn định nguồn cung lúa mì.

Ông Phạm Quang Anh nhận định: “Sự biến động của tình hình địa chính trị thế giới cùng sản lượng sụt giảm tại Nga có thể xáo trộn lại thị phần xuất khẩu lúa mì toàn cầu hiện tại. Mỹ có thể sẽ vươn lên trong năm nay như một nguồn cung đáng tin cậy thay thế, đồng thời lấy lại thị một phần vị thế vốn có trước đây”.

Với sản lượng tăng cao và chất lượng lúa mì ổn định, Mỹ có thể đáp ứng tốt nhu cầu của các thị trường khó tính nhất, từ đó mở rộng thị phần và xây dựng lại lòng tin của các đối tác quốc tế.