Tăng cường quản lý rủi ro trong quản lý thuế

|

Trong quá trình triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế trên thực tế thời gian qua có phát sinh một số nội dung chưa thực sự phù hợp, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, thông lệ quốc tế, cũng như để  bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Theo Tổng cục Thuế, thực hiện nhiệm vụ được phân công dự thảo trình Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý rủi ro trong quản lý thuế (khoản 6 Điều 9 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14), Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính các nội dung quan trọng về nhiệm vụ này.

Theo đó, việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, gồm: Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 nay là Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 83/2013/NĐ-CP, Thông tư số 156/2013/TT-BTC và được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21-12-2015 của Bộ Tài chính, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế một cách đầy đủ, toàn diện, góp phần cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng trên thực tế thời gian qua có phát sinh một số nội dung chưa thực sự phù hợp, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp tình hình thực tế, yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, thông lệ quốc tế, cũng như để  bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Cụ thể về cơ chế xây dựng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, tại Thông tư 204 hướng dẫn việc áp dụng quản lý rủi ro mới chỉ đang thực hiện riêng lẻ ở một số chức năng quản lý thuế dẫn tới khi xây dựng các Bộ tiêu chí có nhiều tiêu chí trùng lặp nhau; doanh nghiệp thuộc phân hạng rủi ro cao ở bộ tiêu chí đánh giá rủi ro về hóa đơn, được kiểm tra về hoá đơn ở kỳ này đồng thời có thể thuộc danh sách doanh nghiệp rủi ro cao ở bộ tiêu chí đánh giá rủi ro đối với hồ sơ kiểm tra nên lại bị kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế ở kỳ sau hoặc là doanh nghiệp đã nằm trong danh sách thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Từ đó gây khó khăn cho việc xây dựng ứng dụng, khó khăn trong việc liên kết kiểm tra và phối hợp thực hiện các biện pháp quản lý thuế phù hợp khác.

Về đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế, việc quy định điều kiện đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế như tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC dẫn đến số lượng người nộp thuế được đánh giá là tuân thủ pháp luật thuế tốt chiếm tỷ lệ thấp, do có nhiều tiêu chí đánh giá khắt khe như: không chấp nhận kê khai, nộp thuế không đúng hạn hoặc có nợ thuế dù số rất nhỏ so với số phải nộp, đã nộp.

Từ thực trạng đánh giá trên đây, cũng như kinh nghiệm thực hiện của Tổng cục Hải quan và tư vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước, nên xem xét đến độ mở nhất định đối với một số quy định về kê khai thuế, nộp thuế, nợ thuế, cho phép một sai số cho trường hợp bất khả kháng  bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ.

Về việc áp dụng quản lý rủi ro trong lựa chọn trường hợp thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết, bên cạnh các các nội dung nêu trên, khi triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC trong lựa chọn trường hợp thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đã phát sinh một số điểm chưa đồng nhất với các văn bản liên quan.

Như theo quy định của Thông tư số 204/2015/TT-BTC, danh sách thanh tra do Bộ trưởng Tài chính quyết định; danh sách kiểm tra do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quyết định. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 14 Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 09-10-2012 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động Thanh tra Ngành tài chính quy định Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch thanh tra của Thanh tra của Tổng cục, Tổng cục trưởng phê duyệt Kế hoạch thanh tra của cấp Cục thuộc Tổng cục; Cục trưởng Cục Thuế phê duyệt Kế hoạch thanh tra của Chi cục Thuế. Ngoài ra, tỷ lệ thanh kiểm tra trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động cần nâng lên cho phù hợp với yêu cầu của Chính phủ.

Về việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế, Luật Quản lý thuế mới đã thay đổi thời gian kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế đối với trường hợp phải kiểm tra, thanh tra theo nguyên tắc rủi ro trong thời hạn 5 năm (thay vì 10 năm như trước đây) kể từ ngày có quyết định hoàn thuế và thay đổi về thời hạn kiểm tra đổi với những hồ sơ kiểm tra sau hoàn thuế. Do vậy Thông tư cũng cần thay đổi theo cho phù hợp.

Riêng về việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoá đơn điện tử, Tổng cục Thuế khẳng định, Luật Quản lý thuế mới đã bổ sung quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoá đơn điện tử, xác định những trường hợp rủi ro cao về thuế phải sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Do vậy Thông tư 204 cũng cần được sửa đổi theo.

Đây là việc thực thi nhiệm vụ cụ thể hóa chủ trương định hướng quản lý thuế theo mức độ rủi ro và mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, xác định tính hợp lệ của giao dịch kinh tế dựa trên cơ sở giao dịch tiền hàng được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06-02-2017 của Chính phủ.

Tổng cục Thuế cũng cho biết, đã nhiều lần lấy ý kiến tham gia của các đơn vị thuộc thuộc Bộ, Tổng cục Thuế, các cục Thuế, các Bộ ngành và cộng đồng xã hội. Theo đó, Bộ Tài chính đã gửi lấy ý kiến của 5 bộ, ngành (Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công thương, Ngân hàng nhà nước, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam), trong đó chỉ riêng Ngân hàng Nhà nước là chưa có ý kiến bằng văn bản. Đối với cộng đồng xã hội, Tổng cục Thuế đã đăng tải dự thảo Thông tư trên trang thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, không nhận được ý kiến tham gia nào.

Ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) ghi rõ: trên cơ sở ý kiến tham gia của các đơn vị nêu trên, Tổng cục Thuế đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo. Về cơ bản, ý kiến thẩm định là thống nhất.

Cụ thể về sự cần thiết, tính khả thi, cơ sở pháp lý của việc ban hành Thông tư là cần thiết, khả thi trong thực hiện,  bảo đảm cơ sở pháp lý để ban hành.

Về thủ tục soạn thảo Thông tư, dự thảo Thông tư đã được xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngành, các Hiệp hội, các đơn vị có liên quan và có đăng tải trên trang tin điện tử của Bộ, Chính phủ theo quy định tại “Điều 101 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và khoản 1 Điều 25 Nghị định số 35/2016/NĐ-CP.

Về dự thảo Thông tư, đã bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Quản lý thuế về cơ chế xây dựng quản lý rủi ro trong quản lý thuế; đánh giá tuân thủ pháp luật thuế... Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế có một số ý kiến nghiệp vụ và đã được Tổng cục Thuế điều chỉnh.

Theo quy định của Thông tư, trách nhiệm thi hành của các bên bao gồm: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp trong công tác áp dụng quản lý rủi ro. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có trách nhiệm ban hành các chỉ số tiêu chí, quy định các biện pháp thu thập xử lý thông tin, quy trình, quy chế, quy định hướng dẫn việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Đơn vị quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) là đơn vị đầu mối, chủ trì quản lý, vận hành, triển khai công tác quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

  • Tiếp tục quản lý chặt chẽ thuế đối với bất động sản cho thuê