Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ghi nhận vai trò của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK) và khẳng định: Chính phủ Việt Nam cam kết: với mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mạnh mẽ của Chính phủ, trong thời gian tới, ước tính tổng giá trị các DNNN sẽ được cổ phần hóa đạt khoảng 25 tỷ USD, số lượng cổ phần chào bán ra bên ngoài khoảng 3,75 tỷ USD. “Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế rằng, với giá trị lớn như vậy, nguồn tiền trong nước chắc chắn sẽ không đủ để hấp thụ hết số cổ phần nói trên. Do đó, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ trong tiến trình này”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói. Trên thực tế, ngoài lượng vốn đầu tư, các thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt, công nghệ cập nhật đi cùng sẽ giúp cải thiện một cách thực chất chất lượng hàng hóa của thị trường.
Đến nay đã 670 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên TTCK với tổng giá trị vốn hóa khoảng 55 tỷ USD, đạt khoảng 32% GDP. Số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,4 triệu tài khoản, tăng 40% so với cuối năm 2010. Nhà đầu tư nước ngoài liên tục có xu thế mua ròng trên TTCK Việt Nam từ năm 2009 đến nay, giá trị danh mục đầu tư gián tiếp đã tăng 2,5 lần trong vòng năm năm qua. Giá trị giao dịch bình quân của TTCK đạt 260 triệu USD mỗi ngày trong năm 2014, tăng gấp hai lần so với năm 2010. Quy mô huy động vốn qua TTCK năm 2014 đạt 14 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2010 và đóng góp 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Thị trường trái phiếu Việt Nam thường xuyên đứng trong nhóm ba nước có tốc độ phát triển cao nhất khu vực Châu Á, dư nợ trái phiếu hiện chiếm khoảng 22%GDP.
Tính đến cuối năm 2014 có 43 công ty quản lý quỹ (trong đó 21 văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ nước ngoài), 85 công ty chứng khoán, 26 quỹ đầu tư hoạt động trên TTCK; tổng giá trị huy động của các quỹ đầu tư chứng khoán năm 2014 đạt hơn 7.000 tỷ đồng; tổng giá trị danh mục quản lý của các công ty quản lý quỹ đạt 4,4 tỷ USD.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông báo cho các nhà đầu tư quốc tế, trong năm qua, các tổ chức kinh doanh chứng khoán tiếp tục được tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập để tăng năng lực hoạt động, tăng quy mô vốn, quản trị doanh nghiệp và khả năng kiểm soát rủi ro. Thông qua tái cấu trúc đã giảm số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, số lượng công ty chứng khoán giảm từ 105 xuống 85 công ty, số lượng công ty quản lý quỹ giảm từ 49 xuống 43 công ty; thay thế các quỹ đầu tư hoạt động theo dạng quỹ đóng, quỹ thành viên bằng các quỹ mở hoạt động linh hoạt hơn và có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn. Bộ Tài chính cũng đã ban hành các quy định về quản trị rủi ro, an toàn tài chính và các tiêu chí cảnh báo sớm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc phát triển một cách bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói: “Việc phát triển bền vững TTCK không chỉ thể hiện ở số lượng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa và niêm yết, mà còn được chú trọng hơn nữa vào chất lượng hàng hóa đưa ra TTCK để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư cũng như sự phát triển bền vững của thị trường”.
Thị trường vốn còn nhiều dư địa mới cho nhà đầu tư Hoa Kỳ
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, trên thị trường vốn, nhiều tập đoàn tài chính lớn của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam. Tổng số nhà đầu tư Hoa Kỳ ghi nhận đến thời điểm hiện tại là 995 nhà đầu tư (trong đó tổ chức đầu tư là 565 và cá nhân đầu tư là 430) chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng số các nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp mã số giao dịch. Về khối lượng, các nhà đầu tư Hoa Kỳ hiện đang nắm giữ hơn năm triệu trái phiếu, hơn 8.500 chứng chỉ quỹ và hơn một tỷ cổ phiếu với tổng giá trị hơn 12 nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, những con số nói trên cho thấy các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã rất quan tâm, đóng góp và có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế và tài chính Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng ghi nhận và đánh giá rất cao vai trò và sự hiện diện của các tập đoàn tài chính, các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói: ‘Đầu tư gián tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam hiện nay còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của nhà đầu tư Hoa Kỳ và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam. Như vậy, mảng thị trường vốn vẫn còn nhiều dư địa mới cho hợp tác giữa hai nước và còn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ”.