Thông tin từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tại phiên “Đối thoại chính sách”, đại diện các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam và các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ đã trao đổi và cập nhật các chính sách liên quan đến thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung, thúc đẩy đầu tư gián tiếp trên TTCK Việt Nam, chủ trương chính sách thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết trên TTCK, phát triển thị trường trái phiếu chính phủ, cập nhật và trao đổi về một số chính sách liên quan đến thị trường tài chính trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) với mục đích tiếp cận và lắng nghe các ý kiến đánh giá, chia sẻ của giới đầu tư Hoa Kỳ để hoàn thiện cơ chế chính sách.
Tại phiên này, Bộ trưởng, lãnh đạo các đơn vị của Bộ Tài chính đã thẳng thắn chia sẻ các chính sách mới về đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hoá; mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các chính sách thuế tạo thuận lợi thu hút đầu tư, chính sách quản lý nợ chủ động, thận trọng hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng hợp lý. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ trương và quyết tâm đổi mới, tạo ra môi trường kinh doanh đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó muốn thể hiện cam kết đặc biệt đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam cũng như sự đánh giá cao của Chính phủ Việt Nam đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ. Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 58 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán trong đó có mục tiêu khơi thông dòng vốn đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng, ngoại trừ những lĩnh vực hạn chế, kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư được sở hữu không hạn chế theo cam kết WTO là một minh chứng cụ thể cho chủ trương của Chính phủ.
Phiên đối thoại “Doanh nghiệp với nhà đầu tư” là không gian đối thoại giữa các doanh nghiệp với các nhà đầu tư thông qua sự chia sẻ của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã và đang hoạt động trên thị trường tài chính Việt Nam về những bài học thành công, cũng như sự chia sẻ của các doanh nghiệp Việt Nam (công ty niêm yết, công ty cổ phần hóa) với các nhà đầu tư Hoa Kỳ về cơ hội đầu tư tại Việt Nam và vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó rút ra những giải pháp, góp phần tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hội nghị diễn ra tại New York từ ngày 1 đến 5-7-2015, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp; lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Tham gia Hội nghị có 20 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam sang tìm kiếm cơ hội giao thương cũng như tìm kiếm các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư chiến lược trong nỗ lực cải cách, cổ phần hoá.
Về phía Hoa Kỳ có: Ông Marc Mealy - Phó Chủ tịch Cộng đồng kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ; ông Wilbur L.Ross, Jr. - Công ty WL Ross & Co; ông Philip A Falcone - Sáng lập Quỹ Harbinger cùng 150 đại diện các Quỹ, Ngân hàng đầu tư toàn cầu HSBC, Tập đoàn Citigroup, Blackstone, Warburg Pincus, Manulife Global, Capital Groups Companies Inc… là các tập đoàn tài chính lớn, với tổng tài sản quản lý hàng ngàn tỷ USD đã và đang quan tâm đầu tư tại thị trường Việt Nam.
20 năm qua, quan hệ hợp tác về kinh tế - đầu tư - tài chính - thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không ngừng được xây dựng và phát triển trên nền tảng 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác kinh tế - thương mại – đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Tính đến tháng 2-2015, Hoa Kỳ có 729 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng nguồn vốn khoảng 11 tỷ USD, đứng thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Quy mô vốn bình quân một dự án của Hoa Kỳ khoảng 15,35 triệu USD; cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 14,3 triệu USD/dự án.
Quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ cũng không ngừng phát triển, quy mô xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ năm 2014 đã đạt gần 29 tỷ USD, tăng gấp 36 lần so với năm 2000, trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất của khu vực ASEAN vào thị trường Hoa Kỳ và dự báo còn tăng mạnh trong các năm tới với chất lượng hàng hóa, giá trị gia tăng ngày càng cao.
Năm 2015 là cột mốc kỷ niệm quan trọng, đánh dấu chặng đường 20 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Hội nghị xúc tiến đầu tư với thông điệp “Việt Nam của tôi - Điểm đến đầu tư của Bạn” là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam được gặp gỡ trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng từ Hoa Kỳ, đồng thời sẽ là kênh đối thoại trực tiếp, lâu dài trong tương lai với mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đầu tư thương mại của hai nước, xây dựng quan hệ đối tác toàn diện và sâu rộng trong lĩnh vực tài chính, cũng như đưa sự hợp tác giữa hai Chính phủ lên một tầm quan hệ mới, vì lợi ích chung của hai bên.