Giá dầu giảm ngày thứ 3 do lo ngại về “sức khỏe” kinh tế châu Âu

|

NDO - Kết thúc ngày giao dịch 24/10, giá dầu ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp, về mức thấp nhất trong gần 2 tuần qua. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 2,05% xuống 83,74 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên ngày hôm qua ở mức 88,07 USD/thùng, giảm 1,96%.

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa hôm qua 24/10, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới. Tuy nhiên, lực bán vẫn cho thấy sự áp đảo, kéo Chỉ số MXV-Index giảm 0,55% xuống 2.229 điểm, nối dài đà suy yếu sang ngày thứ 3 liên tiếp. Mặc dù vậy, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đạt 4.100 tỷ đồng, tăng hơn 3% so ngày trước đó.

MXV cho biết, dữ liệu kinh tế kém sắc tại các quốc gia phát triển hàng đầu châu Âu làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng khu vực làm triển vọng tiêu thụ dầu trở nên kém tích cực, từ đó gây áp lực lên giá. Cùng với đó, việc tăng cường nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột giữa Israel và Hamas cũng góp phần xoa dịu mối lo nguồn cung dầu gián đoạn.

Hoạt động kinh doanh tại khu vực châu Âu (EU) duy trì đà thu hẹp trong tháng đầu tiên của quý IV/2023. Theo S&P Global, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) đạt mức 46,5 điểm, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 47,4 điểm và mức 47,2 điểm trong tháng 9/2023. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số nằm dưới ngưỡng 50 điểm, biểu thị hoạt động kinh doanh sản xuất của khu vực bị thu hẹp.

PMI tổng hợp của Đức trong tháng 10/2023 cũng đạt mức 45,8 điểm, thấp hơn dự báo ở mức 46,7 điểm. Trong đó, chỉ số PMI sản xuất chỉ đạt mức 40,7 điểm, liên tục dưới ngưỡng 50 kể từ tháng 6/2022.

Các dữ liệu kinh tế kém tích cực của EU phản ánh sức ép tăng trưởng, từ đó tăng lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu thô và gây sức ép tới giá dầu trong phiên.

Ngược lại với châu Âu, dữ liệu của Mỹ cho thấy hoạt động kinh doanh tăng cao hơn trong tháng 10 khi ngành sản xuất thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài 5 tháng. Điều này đã củng cố cho đà tăng mạnh của đồng USD và khiến dầu được định giá bằng đồng Dollar Mỹ đắt đỏ hơn, thúc đẩy lực bán trên thị trường. Chốt hôm qua 24/10, chỉ số Dollar Index đã tăng tới 0,7% so ngày đầu tuần.

Về yếu tố cung cầu, Bloomberg ước tính có khoảng 3,53 triệu thùng dầu thô/ngày được vận chuyển từ các cảng của Nga trong tuần tính đến ngày 22/10, tăng 20.000 thùng/ngày so với 7 ngày trước đó. Điều này đã nâng mức xuất khẩu trung bình 4 tuần của Nga lên hơn lên 3,5 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 6 và tăng khoảng 610.000 thùng/ngày trong hai tháng qua.

Xuất khẩu dầu của Nga tăng bất chấp tuyên bố cắt giảm nguồn cung, khiến thị trường hoài nghi về mức độ cam kết. Điều này đã kéo giá dầu tiếp tục suy yếu. Trước đó, Nga tuyên bố duy trì cắt giảm 300.000 thùng/ngày lượng dầu xuất khẩu kể từ tháng 7 cho đến cuối năm nay.

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu Mỹ giảm 2,7 triệu thùng so mức dự đoán tăng 200.000 thùng của giới phân tích trong tuần kết thúc ngày 20/10. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng giảm lần lượt 4,2 triệu và 2,3 triệu thùng, cho thấy nhiều khả năng nhu cầu đang cải thiện. Điều này đã hạn chế đà giảm của giá dầu vào cuối phiên.