Lực mua áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới

|

NDO - Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy lực mua áp đảo trên thị trường hàng hoá nguyên liệu trong ngày 28/11. Chốt ngày, chỉ số MXV-Index của cả 4 nhóm mặt hàng đều lên điểm, kéo chỉ số MXV-Index tăng 1,07% lên 2.198 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở ở mức 4.712 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trị giao dịch của nhóm hàng nông sản tăng đáng kể, gần 87% so với hôm qua, chiếm khoảng 52% tổng giá trị giao dịch của toàn sở.

Sau 3 phiên liên tiếp giá dầu đi xuống, hôm qua, giá mặt hàng bật tăng trở lại hơn 2% do nguồn cung tại Kazakhstan bị ảnh hưởng vì bão đổ bộ vào biển Đen. Tại thị trường nông sản, giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2024 cũng phục hồi, giá dầu đậu tương cũng nhảy vọt 3,68% trong phiên nhờ được hỗ trợ gián tiếp từ diễn biến hồi phục của giá dầu.

Nguồn cung gián đoạn do bão tại biển Đen, giá dầu tăng trở lại

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch 28/11, giá dầu chấm dứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp khi nguồn cung tại Kazakhstan bị ảnh hưởng nặng nề do bão đổ bộ vào biển Đen, khu vực quá cảnh cho việc xuất khẩu dầu thô của nước này. Ngoài ra, tâm lý lo ngại về kế hoạch thay đổi hạn ngạch sản xuất trước thềm cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+) cũng hỗ trợ cho giá.

Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 2,1%, đạt mức 76,41 USD. Dầu Brent cũng tăng 2,1% lên mức 81,68 USD/thùng.

Việc vận chuyển dầu thô tại các cảng biển Đen đã bị tạm dừng do một cơn bão mạnh đổ bộ khu vực, ảnh hưởng đến kho cảng dầu Caspian Pipeline Consortium (CPC) của Nga và hoạt động bốc dỡ hàng tại cảng lớn Novorossiysk. Kazakhstan, quốc gia sử dụng CPC cho hầu hết hoạt động xuất khẩu dầu thô bằng đường biển, đã buộc phải cắt giảm sản lượng.

Kazakhstan là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 9 trên toàn cầu. Các mỏ dầu lớn nhất của quốc gia này đang cắt giảm 56% tổng sản lượng hàng ngày kể từ ngày 29/11, dự kiến đến hết ngày 3/12. Bộ năng lượng Kazakhstan dự đoán sản lượng dầu trong tháng 11, không bao gồm khí ngưng tụ, ở mức 1,59 triệu thùng/ngày và sản lượng tháng 12 ở mức 1,67 triệu thùng/ngày, giảm so với kế hoạch trước đó lần lượt là 1,61 triệu và 1,6 triệu thùng/ngày, nhưng vẫn cao hơn hạn ngạch.

Giá đậu tương kỳ hạn tháng 1 hồi phục 1,26%

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá đậu tương kỳ hạn tháng 1 đóng cửa hồi phục 1,26%, qua đó chấm dứt chuỗi 3 phiên suy yếu liên tiếp. Triển vọng nhu cầu tích cực đối với đậu tương Mỹ là thông tin chính đã hỗ trợ giá.

Trong báo cáo Bán hàng hàng ngày (Daily Export Sales) tối qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo nước này đã bán được đơn hàng 123.300 tấn đậu tương niên vụ 2023/24 cho một nước giấu tên. Mặc dù, khối lượng đơn hàng không quá ấn tượng, nhưng thông tin này phản ánh nhu cầu trên thế giới về mặt hàng này vẫn đang tương đối tốt.

Ở một diễn biến khác, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) tiếp tục hạ dự báo xuất khẩu đậu tương tháng 11 của nước này xuống còn 4,8 triệu tấn. Giai đoạn này xuất khẩu của Mỹ đang được đẩy mạnh, vị thế cạnh tranh gia tăng cũng góp phần tác động đến giá trong phiên hôm qua.

Bên cạnh đó, những lo ngại gia tăng về triển vọng mùa vụ ở quốc gia Nam Mỹ này tiếp tục là động lực hỗ trợ cho giá đậu tương trong phiên vừa rồi. Hãng tư vấn MB Agro dự báo, sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil sẽ đạt khoảng 155 triệu tấn, giảm 10 triệu tấn so với dự kiến ban đầu do hạn hán, đặc biệt là ở Mato Grosso. Hãng cũng cho biết trong kịch bản xấu nhất, con số này có thể chỉ đạt 138 triệu tấn, thấp hơn đáng kể so với niên vụ 2022/23 do tình trạng nắng nóng gay gắt ở miền Trung Tây Brazil. Với nguồn cung được dự báo thắt chặt hơn, MB Agro cho rằng Brazil có thể xuất khẩu 96 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 23/24, thấp hơn mức 100 triệu tấn dự kiến trước.

Trong khi đó, giá dầu đậu tương cũng nhảy vọt 3,68% trong phiên vừa rồi, nhờ hỗ trợ gián tiếp từ diễn biến hồi phục của giá dầu thô. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất của dầu đậu kể từ đầu tháng 7. Đối với khô đậu tương, trong bối cảnh thiếu vắng những thông tin cơ bản mới, mặt hàng này chịu áp lực trái chiều từ đà tăng của dầu đậu tương. Giá khô đậu kỳ hạn tháng 3 đóng cửa suy yếu hơn 1%.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận ngày 28/11, giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam được điều chỉnh tăng nhẹ. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân lên mức 15.200 - 15.250 đồng/kg đối với kỳ hạn giao tháng cuối năm. Đối với kỳ hạn giao quý I năm sau, giá khô đậu tương dao động quanh mức 14.000-14.200 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 200 đồng so với cảng Cái Lân.