Chuỗi tăng 5 ngày đưa chỉ số hàng hóa MXV-Index lên mức cao nhất 7 tuần

|

NDO - Dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa hôm qua ngày 14/9, trong tổng số 31 có đến 26 mặt hàng tăng giá, lực mua áp đảo trên cả 4 nhóm hàng hóa nguyên liệu đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV, hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,85% lên 2.332 điểm.

Như vậy, sau chuỗi tăng 5 ngày liên tục, chỉ số hàng hóa này đã lên mức cao nhất trong vòng 7 tuần trở lại đây. Dòng tiền đầu tư cũng tích cực trở lại thị trường. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng gần 17%, đạt gần 3.400 tỷ đồng.

Nhóm năng lượng tiếp tục là động lực mạnh nhất cho đà phục hồi chung của toàn thị trường. Đáng chú ý, dầu thô là tâm điểm thu hút sự quan tâm của giới phân tích và đầu tư bởi mức bật tăng mạnh trong ngày hôm qua, thiết lập mức đỉnh 10 tháng.

Giá dầu WTI vượt mốc 90 USD/thùng, cao nhất trong hơn 10 tháng

MXV cho biết, lo ngại nguồn cung thiếu hụt vẫn bao trùm lên tâm lý chung của thị trường thúc đẩy giá dầu WTI tạo cột mốc mới khi vượt lên vùng 90 USD/thùng sau khi tăng 1,85%. Giá dầu Brent tăng gần 2%, chốt phiên với mức giá 93,7 USD/thùng.

Khả năng sụt giảm nguồn cung toàn cầu trong phần còn lại của năm khi các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga duy trì mạnh việc cắt giảm sản lượng vẫn là yếu tố chính hỗ trợ giá dầu trong hôm qua.

Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo, các động thái từ hai nước tiên phong OPEC+ trên có thể tạo ra “sự thiếu hụt nguồn cung đáng kể" và đe dọa biến động giá hơn nữa. Báo cáo của IEA được đưa ra một ngày sau khi OPEC cho biết thị trường đang phải đối mặt với mức thâm hụt hơn 3 triệu thùng mỗi ngày trong quý tới, có khả năng là lớn nhất trong hơn một thập kỷ.

Trên thực tế, giá dầu Arab Light, loại dầu hàng đầu của Saudi Arabia đã tăng lên gần 100 USD/thùng ở châu Âu do mức phí bảo hiểm tăng cao, theo dữ liệu của Bloomberg. Trong 40 năm qua, Arab Light chỉ giao dịch trên 100 USD/thùng một vài lần, vào năm 2008, từ năm 2012 đến năm 2014 và năm 2022.

Trên khắp thế giới, lợi nhuận lọc dầu, tức là chênh lệch giữa chi phí dầu thô và giá trị của xăng, dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác đã tăng lên mức kỷ lục do nhu cầu tăng vọt và công suất lọc dầu giảm. Điều này cho thấy thắt chặt nguồn cung trên thị trường đã đẩy giá dầu tiếp tục đi lên.

Về yếu tố vĩ mô, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 8/2023 tăng 0,6% so với tháng trước, cao hơn mức tăng 0,2% theo dự báo của các chuyên gia kinh tế. Con số trên cho thấy các tín hiệu tích cực về tăng trưởng kinh tế Mỹ và giảm bớt tâm lý lo lắng suy thoái đang đến gần. Điều này cũng góp phần thúc đẩy lực mua dầu.

Tuy nhiên, giá bán của các nhà sản xuất tại Mỹ trong tháng 8/2023 cao hơn so với dự báo vì giá năng lượng tăng đang đặt ra thách thức cho kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 8 của Mỹ được điều chỉnh theo mùa, tăng 0,7% so với tháng trước, mạnh hơn so với mức dự báo tăng 0,4% của các chuyên gia kinh tế và mức tăng 0,4% của tháng trước đó.

Cũng trong ngày hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản lên mức kỷ lục 4%, cao nhất kể từ năm 1999 khi đồng euro ra mắt. Tuy nhiên, ECB cũng đã phát đi những thông điệp về việc sẽ chấm dứt chuỗi tăng lãi suất trong thời gian tới.

Giá cà-phê tăng bất chấp nguồn cung dồi dào

Kết thúc ngày giao dịch 14/9, sắc xanh hoàn toàn bao phủ lên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Giá hai mặt hàng đường hồi phục trở lại với mức tăng lần lượt 1,66% với đường 11 và 1,08% với đường trắng. Thị trường lo lắng về sản lượng thấp tại Ấn Độ sẽ khiến thâm hụt cán cân cung-cầu đường toàn cầu và quốc gia nào có thể cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023/24.

Bang Maharashtra chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng đường của Ấn Độ dự kiến sản xuất 9 triệu tấn đường, giảm 14% so với mức 10,5 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, theo chủ tịch Hiệp hội các nhà máy đường Tây Ấn Độ. Lượng mưa thấp hơn 59% so với bình thường trong tháng 8 khiến cho cây mía đường không đạt năng suất tối đa. Đây là nguyên nhân chính làm sản lượng đường thấp.

Tương tự như các mặt hàng khác trong nhóm, giá bông kết thúc phiên hôm qua với mức tăng 1,05% so với tham chiếu. Giá dầu lên mức cao nhất trong 10 tháng cũng kéo theo giá bông bất chấp việc đồng USD vẫn mạnh làm hạn chế sức mua.

Giá dầu tăng thêm gần 2% trong phiên hôm qua, lên giao dịch tại mức cao nhất kể từ ngày 7/11, khiến Polyester, chất thay thế chính của bông trở nên đắt đỏ hơn. Điều này khiến cho lực mua và giá bông tự nhiên tăng.

Bất chấp dữ liệu xuất khẩu cà-phê tăng cao trong tháng 8 tại Brazil và tồn kho cà-phê trên Sở ICE đang có tín hiệu tích cực, giá hai mặt hàng cà-phê vẫn ghi nhận mức tăng lần lượt 1,35% với Arabica và 0,65% với Robusta.

Brazil đã xuất khẩu 3,67 triệu bao cà-phê loại 60kg trong tháng 8, trong đó có 3,35 triệu bao cà-phê nhân, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước, theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu cà-phê Brazil (CECAFE).

Hơn nữa, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sởi ICE-US giữ nguyên tại mức khoảng 442.550 bao loại 60kg và đi kèm với 19.820 bao đang chờ phân loại khi kết phiên 13/9, trong khi, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU tăng thêm 680 tấn, lên mức 36.450 tấn.

Trên thị trường nội địa, sáng nay, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục điều chỉnh tăng từ 300-400 đồng/kg, đưa giá thu mua trong nước lên mức 65.900-66.900 đồng/kg, cao nhất ghi nhận kể từ đầu tháng 9.