Theo các nhà khoa học, dưới tác động của vi sinh vật và môi trường, vật liệu mới này phân hủy hoàn toàn, biến đổi thành nước, các-bon đi-ô-xít (CO2), phân mùn hữu cơ, không gây hại cho môi trường. Ở các nước phát triển, nhựa phân hủy sinh học đã được sử dụng phổ biến cho các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Trên thị trường, các sản phẩm làm từ nhựa phân hủy sinh học còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế thúc đẩy phát triển. Các doanh nghiệp tung ra sản phẩm hợp thị hiếu như túi đựng thực phẩm, cốc, bát, thìa, găng tay, ống hút nước… nhưng chưa khuyến khích được đông đảo người tiêu dùng sử dụng do giá thành còn cao so với sản phẩm làm từ nhựa thông thường. Chưa kể, tiêu chuẩn đối với các sản phẩm làm từ nhựa phân hủy sinh học cũng chưa được ban hành đầy đủ để làm căn cứ cho doanh nghiệp đăng ký và được cấp chứng nhận sản phẩm phân hủy sinh học. Việc thiếu các quy định, khiến doanh nghiệp chịu sự cạnh tranh không lành mạnh của các sản phẩm không phân hủy sinh học, đồng thời chưa bảo vệ được người tiêu dùng.
Ảnh minh họa: Túi đựng thực phẩm phân hủy sinh học 100%.
Ở Việt Nam, chưa có phòng thử nghiệm đánh giá khả năng phân hủy của các sản phẩm làm từ nhựa phân hủy sinh học. Các doanh nghiệp phải gửi mẫu đến các phòng thử nghiệm ở nước ngoài để có kết quả làm căn cứ xuất trình cho cơ quan quản lý trong nước. Tuy nhiên, chi phí thử nghiệm rất cao, thời gian chờ lấy kết quả mất cả năm trời. Cũng do không có phòng thử nghiệm trong nước, cho nên Việt Nam chưa hậu kiểm được các sản phẩm trên thị trường được dán mác thân thiện môi trường.
Từ thực tế nêu trên, cần có cơ chế để thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng nhựa phân hủy sinh học hoặc các vật liệu mới thay thế nhựa truyền thống. Nhiều nhà khoa học cho rằng, hiện nay trong nước đã có các nghiên cứu thành công về nhựa phân hủy sinh học, nếu được tạo điều kiện thuận lợi sẽ có thể nhanh chóng chuyển giao cho doanh nghiệp thương mại hóa. Với các đơn vị sản xuất, cần có chính sách hỗ trợ để sản phẩm mới này có giá phù hợp hơn với người tiêu dùng.
Theo các nhà khoa học, với đội ngũ chuyên gia lĩnh vực vật liệu mới ở các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước hiện nay, Việt Nam có đủ năng lực để đánh giá khả năng nhựa phân hủy sinh học như chứng nhận của nước ngoài. Do đó, cần sớm xây dựng tiêu chuẩn chung cho dòng sản phẩm này cũng như có chính sách đầu tư phòng thử nghiệm đủ tiêu chuẩn để đánh giá, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và phục vụ công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước. Các giải pháp nêu trên sẽ góp phần tích cực giảm rác thải nhựa, giảm tác động xấu đến môi trường sống một cách hiệu quả, bền vững.