Tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây: Ngày 1-8 có hết kẹt xe?

|

Tình trạng kẹt xe trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây những ngày đầu triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) đang gây bức xúc trong dư luận. \r\n

Nhiều tài xế phải dừng xe trên đường cao tốc để dán thẻ thu phí tự động. Ảnh: HOÀNG BẮC

Kẹt xe kéo dài

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, trong ngày thứ 4 triển khai ETC, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn kẹt xe do trở ngại từ việc thu phí. Ngay từ sáng sớm 29-7, tại các nút giao thuộc địa bàn An Phú, quốc lộ 51 và khu vực Trạm thu phí Long Phước (TP Thủ Đức), nút giao 319 giữa quốc lộ 51 vào tuyến cao tốc này, hàng ngàn ô tô ùn ứ. Đa số tài xế vẫn dùng tiền mặt mua vé giấy qua trạm, chỉ số ít xe đã dán thẻ di chuyển qua làn ETC.   

Anh Nguyên Dũng (36 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) bức xúc: “Kẹt xe kéo dài từ ngày 26-7 đến nay. Trước đây chỉ mất khoảng 30 phút để từ TPHCM đến nút giao quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai) nhưng nay phải mất gấp đôi, thậm chí gấp ba thời gian”. Anh Đoàn Xuân Hoàng (47 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) có việc gấp về TPHCM và đã chủ động đi sớm nhưng do xe chưa dán thẻ nên khi qua trạm phải dừng lại thực hiện các công đoạn dán thẻ rất mất thời gian. Nhiều tài xế khác lại bực bội vì phần mềm nhận diện mã thu phí tự động bị lỗi nên tình trạng kẹt xe vẫn tiếp diễn, không biết khi nào chấm dứt, trong khi việc thu phí sẽ đồng bộ trên toàn quốc từ ngày 1-8. 

Theo đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), những ngày qua trên tuyến cao tốc này, đơn vị VEC luôn bố trí cán bộ trực 24/24 giờ và phối hợp với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC thực hiện dán thẻ ETC. Tuyến cao tốc này có lưu lượng xe lớn, mỗi ngày trên 55.000 lượt trong khi tỷ lệ ô tô dán thẻ rất thấp, chỉ đạt 50% số lượng xe nên khó tránh khỏi chuyện ách tắc. VEC và VETC đang bố trí nhân viên trên các đầu tuyến cao tốc, tích cực dán thẻ ETC. VEC cũng đang phối hợp với nhà thầu và các đơn vị liên quan bố trí làn đường dành riêng để xử lý những xe còn chưa kịp dán thẻ ETC và hy vọng đến ngày 1-8 sẽ không còn kẹt xe trên tuyến cao tốc này nữa.

Nỗ lực xử lý bất cập

Tại cuộc họp giao ban của Bộ GTVT ngày 29-7, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư, cho biết, tính đến thời điểm này có 113 trạm đã đủ điều kiện triển khai hệ thống thu phí ETC. Trong đó, có 69 trạm do Bộ GTVT quản lý và 44 trạm do địa phương quản lý. Riêng 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý, ngoài 2 tuyến đã hoàn thành, hệ thống thu phí ETC trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng được đưa vào khai thác từ ngày 30-7, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai khai thác từ ngày 1-8, đúng cam kết với Bộ GTVT. 

Lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận, do hệ thống lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam, việc quản lý vận hành có sự tham gia của nhiều bên: ngân hàng, nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động… cộng với trước đó, các trạm BOT đã lắp đặt hệ thống thu phí một dừng nên quá trình chuyển đổi còn nhiều lúng túng. Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện cũng khiến việc triển khai xảy ra nhiều vướng mắc. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các bên khắc phục triệt để các lỗi kỹ thuật; đẩy mạnh tuyên truyền tăng tỷ lệ dán thẻ ETC. Bộ GTVT cũng đề nghị các đơn vị quản lý và vận hành các tuyến quốc lộ duy trì một làn hỗn hợp/chiều xe chạy. Ở đường cao tốc, mặc dù việc thu phí ETC được triển khai 100%, song vẫn được bố trí làn hỗn hợp để phục vụ tình huống khẩn cấp.