Xúc tiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Australia

|

Xúc tiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Australia

Với những cam kết trong 2 Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand được ký năm 2009 và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực trong năm 2019, thủy sản của Việt Nam được kỳ vọng có những bước tăng trưởng cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu vào thị trường Australia.

 Tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Australia

Với dân số trên 24 triệu người (dự kiến tăng lên 40 triệu người vào năm 2050), Australia là một trong những quốc gia có tiêu chuẩn sống cao nhất trên thế giới. Ý thức về sức khỏe đã hỗ trợ tích cực cho việc tiêu thụ thủy sản tại Australia, nhu cầu tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của Australia đã tăng từ 10 kg/năm giai đoạn 2000-2001 lên khoảng 15 kg giai đoạn 2012-2013 và vẫn đang tiếp tục tăng mạnh trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, mức tiêu thụ bình quân này vẫn còn thiếu khoảng 40% so với khuyến cáo của các tổ chức nghiên cứu về sức khỏe của quốc gia này, do vậy, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Australia sẽ tiếp tục tăng cao và trở thành thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

 


Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Australia, mỗi năm quốc gia này tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn hải sản. Tuy nhiên, ngành hải sản với giá trị khoảng 2 tỷ AUD/năm của Australia chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của nước này, còn lại phải nhập khẩu khoảng 70%. Các mặt hàng thủy sản chủ yếu được Australia nhập khẩu gồm các loại như: Cá hộp (28%), phi lê cá (21,1%), tôm (13,6%), mực - bạch tuộc (8,7%), các loại khác (7,3%) từ các nguồn nhập khẩu chính là: New Zealand (cá, trai), Trung Quốc (tôm, mực), Thái Lan (các ngừ), Việt Nam (cá basa, cá chẽm, tôm).

Việt Nam với lợi thế về nuôi trồng và xuất thủy sản đã nắm thời cơ phát triển tại thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng này và trở thành một trong bốn nhà cung cấp thủy sản lớn nhất tại Australia cùng với Thái Lan, Trung Quốc, New Zealand. Giai đoạn 2011-2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Australia có mức tăng rất mạnh, từ 15,6 triệu USD (chiếm 1,8% thị phần nhập khẩu thủy sản của Australia) năm 2011 lên đến 225,3 triệu USD (tăng 15 lần) trong năm 2014 trước khi giảm xuống còn 177,6 triệu USD (tăng 11,5 lần so với năm 2011 và chiếm 11,2% thị phần) năm 2015.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2016 đến nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Australia không có mức tăng trưởng đột biến, dù đã trải qua khó khăn và biến cố nhưng vẫn giữ được giá trị xuất khẩu trên 185 triệu USD. Năm 2016, giá trị xuất khẩu thủy sản tại Australia đạt 186,4 triệu USD (tăng 4,9% so với năm 2015). Năm 2017, do dịch đốm trắng ở tôm bùng phát tại bang Queensland, Bộ Nông nghiệp Australia đã ra quyết định cấm nhập khẩu tôm trong vòng 6 tháng kể từ tháng 1/2017 khiến cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam phải gánh chịu nhiều thiệt hại, trong đó, lượng tôm chưa nấu chín xuất khẩu sang Australia khoảng 55 triệu AUD. Sau nhiều nỗ lực đàm phán từ phía Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước của Australia đã chấp nhận các đơn xin phép nhập khẩu đối với mặt hàng tôm chưa nấu chín được đánh bắt tự nhiên ở nước này, sau đó xuất khẩu sang Việt Nam để chế biến rồi tái xuất khẩu về Australia từ ngày 15/6/2017. Khó khăn là vậy, song giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia năm đó vẫn đạt 185,06 triệu USD (chỉ giảm 0,7%). Năm 2018, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng lên đến 197,5 triệu USD (tăng 6,7% so với năm 2017).

Ngay từ đầu năm 2019, Việt Nam và Australia đạt được đồng thuận trong vấn đề gia tăng thương mại song phương từ gần 7,8 tỷ USD năm 2018 lên 10 tỷ USD. Qua đó, Chính phủ Australia đã đồng ý tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các sản phẩm thủy sản và nông nghiệp của Việt Nam, trong đó có xem xét đến việc nhập khẩu tôm sống từ Việt Nam. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến hết quý III năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào thị trường Australia đạt 150,3 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng khá trong vài năm trở lại đây.

Trong số các mặt hàng thủy sản thì tôm là mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất tại Australia với lượng tiêu thụ hàng năm lên tới 50-60 nghìn tấn. Mặc dù, tôm nuôi tại Australia được ưa chuộng nhưng càng ngày càng có nhiều người tiêu dùng chọn tôm đông lạnh nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam. Việt Nam có nhiều lợi thế cho phát triển nghề nuôi tôm với sản lượng 600-650 nghìn tấn/năm, dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú với sản lượng khoảng 300 nghìn tấn/năm. Bên cạnh đó, tôm sú to của Việt Nam lại rất được người tiêu dùng Australia ưa chuộng, vì vậy, hiện Việt Nam là nguồn cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường Australia. Các sản phẩm từ tôm của Việt Nam hiện chiếm lĩnh trên 30% thị phần nhập khẩu của Australia, một số sản phẩm tôm chế biến chiếm đến 50% thị phần và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng. Bên cạnh đó, fillet cá tra là mặt hàng thủy sản Australia nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam so với các nước khác với tỷ trọng trên 90%. Ngoài ra, Australia còn nhập khẩu các sản phẩm có giá trị khác, như: Cua, ghẹ, cá ngừ.

Mặc dù, Việt Nam là một trong bốn nước cung cấp thủy sản cho Australia nhiều nhất thế giới, đứng ở vị trí thứ 4 song thị phần chỉ chiếm 11,2%, như vậy, ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội cạnh tranh với các quốc gia khác để mở rộng thị phần của mình. Bên cạnh đó, nền kinh tế Australia tuy không phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài nhưng vẫn ít nhiều phụ thuộc vào một số đối tác kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… Vài năm trở lại đây, xung đột thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa đạt được thỏa thuận khiến cho nền kinh tế của 2 cường quốc rơi vào tình trạng suy giảm, để tránh nền kinh tế bị ảnh hưởng xấu từ các đối tác thương mại trên, Chính phủ Australia đang chủ trương ưu tiên mở rộng thị trường sang Ấn Độ, các nước ASEAN… Do vậy, Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh giao thương hàng hóa nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng vừa lâu dài, vừa bền vững vào thị trường Australia.


Giải pháp thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu thủy sản vào thị trường Australia
 
Mặt hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường Australia thường phải vượt qua các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cũng như vấn đề kiểm dịch khá khắt khe so với những thị trường khác, bởi người tiêu dùng Australia đặt ra tiêu chuẩn rất cao và các tiêu chuẩn này được hỗ trợ bởi một loạt các quy định bảo vệ người tiêu dùng ở tất cả các bang trên đất nước. Do đó, để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường thế giới nói chung và thị trường Australia nói riêng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả Chính phủ và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Về phía Nhà nước

Chính phủ Việt Nam cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh quan hệ ngoại giao, hợp tác thương mại song phương với Chính phủ Australia nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại giữa hai nước. Cùng với đó, Việt Nam cần phối hợp với các nước thành viên ASEAN có chung lợi ích, lựa chọn một số ngành hàng, trong đó có thủy sản mà Australia đặt ra nhiều rào cản để thực hiện khảo sát các biện pháp phi thuế trong khuôn khổ New Zealand, nhằm đấu tranh đề nghị Australia gỡ bỏ trong khuôn khổ đa phương và khu vực. Ngoài ra, các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh các tiến trình đàm phán với Australia để thúc đẩy việc thành lập cơ quan kiểm dịch thủy sản trước xuất khẩu được Australia công nhận kết quả tại Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời đàm phán với Chính phủ Australia để công nhận Việt Nam là vùng sạch bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh đầu vàng (YHV), hội chứng Taura (TSV), bệnh hoại tử gan tụy do vi khuẩn (NHPB). Thêm vào đó, cần thực hiện nghiêm túc, khắt khe công tác cấp phép kiểm dịch, nâng cao năng lực kiểm dịch lên ngang tầm tiêu chuẩn quốc tế, giúp doanh nghiệp đỡ tốn chi phí cho việc thuê kiểm dịch từ ngoài nước.

Ngoài các quy định chặt chẽ về kiểm dịch nêu trên, Chính phủ Australia gần đây đã và đang chuẩn bị ban hành một số luật/quy định có khả năng phân biệt đối xử với hàng nhập khẩu. Điều đó có thể ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu thủy sản vào Australia, đặc biệt từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, các cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán, Thương vụ cần theo dõi sát sao, nắm bắt thông tin và đề xuất Chính phủ Việt Nam có những hành động kịp thời. Song song với việc phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội có liên quan tại Australia để phản đối việc ban hành các văn bản đi ngược lại với nguyên tắc Đối xử quốc gia (NT) trong WTO, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp

Hệ thống nhãn mác mới sẽ giúp tăng doanh thu các sản phẩm nội địa của Australia, nhưng đồng thời sẽ là một thách thức mới đối với hàng thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam nếu doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản không xây dựng được hình ảnh sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để giữ vững và tăng được thị phần xuất khẩu thủy sản tại Australia, các doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm:

Thứ nhất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá về tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, xây dựng hình ảnh tích cực và thân thiện hơn, truyền tải thông điệp về những lợi thế nổi bật của thủy sản Việt Nam nhằm tăng cường sự hiểu biết và lòng tin của người tiêu dùng Australia, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần nâng cao nhận thức, xây dựng uy tín và bền vững; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và trình độ khoa học công nghệ để đảm bảo sản phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe của Australia.

Thứ hai, xây dựng chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra, tạo tiềm lực để đầu tư đổi mới công nghệ và chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe, môi trường. Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa và nâng cao hơn nữa chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật; tuân thủ quy định kiểm dịch của Australia về vùng nuôi, cơ sở đóng gói, chiếu xạ, bao bì, nhãn mác, kiểm tra dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc diệt nấm ngay từ Việt Nam.

Thứ ba, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn; lựa chọn chiến lược phát triển sản phẩm và chiến lược thâm nhập thị trường Australia phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế của thị trường và khả năng của doanh nghiệp. Các chiến lược thâm nhập thị trường cần có quá trình lâu dài, từng bước từ giới thiệu sản phẩm, tạo lòng tin, thiết lập quan hệ đến thực hiện giao dịch kinh doanh; nghiên cứu đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như tránh

các hàng rào kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm đã có và sẽ có trong tương lai.

Thứ tư, cung cấp các sản phẩm đổi mới có giá trị gia tăng cao, có xuất xứ rõ ràng. Chú trọng xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam xuất khẩu, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt Nam theo hướng cao cấp hơn để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng hàng chất lượng cao của người tiêu dùng Australia./.
 
ThS. Đặng Thị Thư
Đại học Thương mại