Đo lường sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

|

Đo lường sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Việc phát triển kinh tế nhưng phải đi đôi với bảo vệ môi trường và hài hoà lợi ích của các bên liên quan là vấn đề đang được cả thế giới quan tâm. Trong đó doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, bởi đây là lực lượng chủ yếu trong phát triển kinh tế, xã hội đồng thời cũng là tác nhân chính gây tác động tới môi trường.
 
Ô nhiễm môi trường - mặt trái của phát triển “nóng”

Từ khi đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có những phát triển mạnh mẽ, đưa nước ta từ một nước có thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng thấp nhất thế giới trở thành nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, quá trình phát triển đó được đánh giá chủ yếu dựa trên việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, sử dụng công nghệ lạc hậu dễ gây ô nhiễm môi trường, hàm lượng công nghệ thấp, giá trị gia tăng không cao. Trong giai đoạn phát triển vừa qua đã có nhiều sự cố môi trường gây tác động lớn đến hệ sinh thái và gây bức xúc trong xã hội.

Điều đó đòi hỏi đi đôi với phát triển kinh tế nhưng phải bảo vệ được môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên, phải đảm bảo sự hài hoà lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đó chính là sự phát triển bền vững, là mục tiêu và sự quan tâm của các quốc gia hiện nay.

Yếu tố tác động đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Khái niệm phát triển bền vững xuất hiện từ những năm 1970 khi thế giới nỗ lực đối phó với các nguy cơ như tốc độ tăng dân số nhanh, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên lần đầu tiên khái niệm “Phát triển bền vững” được Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) của Liên hợp quốc định nghĩa rõ ràng trong báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” năm 1987. Theo đó phát triển bền vững là: "Là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, mà không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau".

Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp Quốc xác định Phát triển bền vững là sự kết hợp chặt chẽ và hài hoà giữa 3 yếu tố cơ bản, đó là: Phát triển kinh tế; An sinh xã hội; Bảo vệ môi trường. Những yếu tố này kết nối với nhau và đều rất quan trọng cho hạnh phúc của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Mỗi quốc gia, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân đều cần phải nhận thức tích cực và có những hành động cụ thể hướng tới sự phát triển bền vững. Trong đó vai trò của doanh nghiệp được xem là rất quan trọng.

Mô hình sau đây thể hiện các yếu tố tác động đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp:

 

Để phát triển bền vững, trước tiên doanh nghiệp cần tiết kiệm các nguồn lực đầu vào (nguyên liệu, năng lượng) và hạn chế tối đa các thoại chất thải. Muốn vậy doanh nghiệp cần sản xuất, phân phối, xử lý, tái chế sản phẩm theo hướng giảm thiểu việc tiêu thụ các nguồn lực và hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Việc này đòi hỏi ngay từ khi thiết kế, doanh nghiệp phải xem xét tất cả các khâu liên quan đến vòng đời sản phẩm, áp dụng công nghệ sản xuất sạch nhằm hạn chế tối đa những tác động đến môi trường.
 
Về cơ bản có ba chiến lược cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp (Hart, 1997), đó là:
  • Ngăn ngừa ô nhiễm: Doanh nghiệp chuyển từ kiểm soát ô nhiễm sang phòng ngừa ô nhiễm. Theo đó, thay vì xử lý chất thải sau khi chúng được tạo ra, cần tập trung giảm thiểu hoặc loại bỏ chất thải trước khi chúng được tạo ra. Chiến lược này được thực hiện thông qua việc cải tiến liên tục để giảm chất thải cũng như giảm tiêu thụ năng lượng;
  • Quản lý vòng đời sản phẩm: Không chỉ tập trong vào giảm thiểu ô nhiễm không chỉ trong sản xuất mà trong suốt vòng đời sản phẩm;
  • Công nghệ sạch: Tập trung vào việc phát triển và sử dụng những công nghệ xanh, công nghệ thân thiện với môi trường.
Đo lường sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, rất cần công cụ định lượng được mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp, đây cũng là mối quan tâm của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Theo đó, đến nay có nhiều bộ tiêu chí về phát triển bền vững của doanh nghiệp đã được xây dựng.

Veleva & Ellenbecker (2001) đề xuất bộ tiêu chí đo lường sự phát triển bền vững của doanh nghiệp gồm 22 tiêu chí theo 6 khía cạnh: Sử dụng năng lượng, nhiên liệu; Mức độ phát thải ra môi trường; Hiệu quả kinh tế; Đóng góp cho phát triển cộng đồng và xã hội; Quyền lợi của người lao động; Sản phẩm (được thiết kế và sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường). Doanh nghiệp tùy theo mức độ phát triển có thể áp dụng các tiêu chí này theo 5 cấp độ: Cấp độ 1 - Thể hiện việc tuân thủ các quy định; Cấp độ 2 - Thể hiện việc áp dụng hiệu quả các chương trình phát triển bền vững; Cấp độ 3 - Thể hiện tác động của các chương trình phát triển bền vững đối với kinh tế, xã hội, môi trường; Cấp độ 4 - Thể hiện tác động của doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững trong cả chuỗi cung ứng và xuyên suốt vòng đời sản phẩm; Cấp độ 5 - Thể hiện vai trò của doanh nghiệp trong sự phát triển bền vững chung của xã hội.

Tương tự như vậy Krajnc & Glavic (2003) đề xuất bộ tiêu chí bao gồm các nhóm tiêu chí liên quan đến kinh tế, xã hội, môi trường phản ánh các khía cạnh như: Tiêu thụ tài nguyên; Sản phẩm; Môi trường; Kinh tế; Chất lượng; Xã hội của doanh nghiệp.

Nguồn: Krajnc & Glavic (2003)
 
Bên cạnh công trình của những tác giả trên, các tổ chức quốc tế cũng ban hành các bộ tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp…

Tại Việt Nam năm 2016, VCCI đã xây dựng bộ chỉ số bền vững doanh nghiệp (CSI) với 3 tiêu chí về kinh tế, 9 tiêu chí về môi trường và 11 tiêu chí về xã hội. Theo đó hàng năm, VCCI tiến hành thu thập thông tin, đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp bền vững.

Các bộ tiêu chí trên tuy khác nhau về hình thức, và một số nội dung, tuy nhiên có những điểm chung, đó là: Đều đánh giá hoạt động của doanh nghiệp dựa trên 3 khía cạnh: Kinh tế, xã hội, môi trường; Bên cạnh các chỉ số mang tính định lượng như doanh thu, tiền lương, giờ công lao động, đa số các tiêu chí còn lại là định tính; Doanh nghiệp có thể áp dụng một phần hay toàn bộ những tiêu chí này để đánh giá mức độ phát triển bền vững của mình.

Đề xuất triển khai mô hình phát triển bền vững trong doanh nghiệp

Để triển khai phát triển bền vững, doanh nghiệp trước hết cần xem phát triển bền vững là mục tiêu chiến lược. Trên cơ sở đó xác định các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể cho phát triển bền vững, triển khai thực hiện và đánh giá kết quả. Veleva & Ellenbecker (2001) đề xuất mô hình gồm 8 bước để triển khai phát triển bền vững, bao gồm:
  • Xác định mục tiêu, tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp về phát triển bền vững;
  • Nhận biết các tiêu chí phát triển bền vững phù hợp với thực tế và mục tiêu của doanh nghiệp;
  • Lựa chọn các tiêu chí để thực hiện trong khoảng thời gian nhất định;
  • Thiết lập các chỉ tiêu cụ thể;
  • Thực hiện tiêu chí: Bao gồm các hoạt động như thu thập dữ liệu, tính toán, đánh giá, phân tích kết quả;
  • Giám sát và thông tin về kết quả thực hiện với các bên liên quan;
  • Thực hiện hành động khắc phục, điều chỉnh kịp thời dựa trên kết quả thực hiện;
  • Xem xét lại các tiêu chí, chính sách và mục tiêu. Thiết lập tiêu chí, chính sách, mục tiêu cho giai đoạn kế tiếp.
 
 
Tuy nhiên, doanh nghiệp không nhất thiết phải lựa chọn tất cả các tiêu chí theo bộ tiêu chí để áp dụng, mà có thể bắt đầu bằng cách lựa chọn những tiêu chí thiết yếu, có tính khả thi, sát với thực tế của doanh nghiệp để thực hiện. Ví dụ: Từ các tiêu chí phản ánh sự tuân thủ quy định đến các tiêu chí phản ánh sự phát triển bền vững trong nhà máy đến các tiêu chí phản ánh sự phát triển bền vững trong vòng đời sản phẩm (Veleva & Ellenbecker, 2001). Doanh nghiệp cũng có thể bắt đầu bằng cách lựa chọn chiến lược “Ngăn ngừa ô nhiễm”. Sau khi ngăn ngừa ô nhiễm trong nhà máy có hiệu quả, doanh nghiệp có thể lựa chọn chiến lược có tầm ảnh hưởng rộng hơn như “Quản lý vòng đời sản phẩm”, “Phát triển công nghệ sạch” (Hart, 1997).

Để phát triển bền vững, doanh nghiệp phải hướng đến sự kết hợp hài hoà giữa 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là sự phát triển sản xuất, kinh doanh với mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận nhưng hạn chế tiêu thụ tài nguyên, giảm phát thải đồng thời chia sẻ lợi ích với các bên liên quan như nhà nước, cổ đông, nhân viên, khách hàng, cộng đồng.

Mô hình phát triển này giúp doanh nghiệp không chỉ phát triển kinh tế mà còn tiết kiệm được các nguồn lực, bảo vệ được tài nguyên, môi trường.../.

 
Giang Minh Đức
Văn phòng Công nhận Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ
 
Tham khảo
  1. GRI standards (2016), https://www.globalreporting.org/standards/
  2. Hart, S. L. (1997). Beyond greening: strategies for a sustainable world. Harvard business review, 75(1), 66-77
  3. Krajnc, D., & Glavic, P. (2003), Indicators of sustainable production. Clean Technologies and Environmental Policy, 5(3-4), 279-288. doi:http://dx.doi.org/10.1007/s10098-003-0221-z
  4. Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiên chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững
  5. Quyết định số 1362/QĐ-TTg, ngày 11/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
  6. RobecoSAM (2016), CSA Guide - RobecoSAM’s Corporate Sustainability Assessment Methodology, version 4, 2016
  1. United nation (2015), the 2030 Agenda for Sustainable Development, http://www.un.org
  2. VCCI (2016), Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững,    http://vbcsd.vn/detail.asp?id=697
  3. Veleva, V., & Ellenbecker, M. (2001). Indicators of sustainable production: framework and methodology. Journal of Cleaner Production, 9(6), 519-549
  4. World Commission on Environment and Development (1987), Our Common Future, Oxford University Press
  5. Zutshi, A., & Sohal, A. S. (2004). Adoption and maintenance of  environmental  management systems: Critical success factors. Management of Environmental Quality, 15(4), 399-419.