Sáng ngày 19/11/2021, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại dành cho cơ quan báo chí.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, thực hiện chủ trương đổi mới, mở cửa từ năm 1986, Việt Nam đã từng bước hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế này đã góp phần thay đổi căn bản thể chế kinh tế nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, thể hiện rõ nhất qua hoạt động ngoại thương. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2001 mới chỉ đạt 30 tỷ USD thì 6 năm sau (năm 2007) khi Việt Nam gia nhập WTO, con số này đã là 100 tỷ USD; 4 năm sau đó (2011) đạt 200 tỷ USD và năm 2019 con số này là 517 tỷ USD. Trong cùng giai đoạn, xuất khẩu đã tăng từ mức 15 tỷ USD năm 2001 lên đến gần 50 tỷ USD năm 2007, gần 100 tỷ USD năm 2011 và đạt hơn 280 tỷ USD vào năm 2021. Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.
Quy mô xuất nhập khẩu tăng nhiều lần cho thấy năng lực của nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu đã cao hơn, hàng hoá thâm nhập và cạnh tranh sòng phẳng trên nhiều thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, cùng với đó hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam cũng nhiều hơn và cạnh tranh với hàng Việt nhiều hơn. Đó là hệ quả tất yếu của việc mở cửa nền kinh tế và hội nhập với thế giới bên ngoài.
Để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế và đưa ra các cam kết về xóa bỏ hàng rào thuế, hàng rào phi thuế, các nhà đàm phán của các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trước đây, hay các hiệp định FTA hiện nay đã thiết kế một công cụ là phòng vệ thương mại (PVTM). Theo thống kê của WTO, hơn 20 năm qua kể từ khi WTO ra đời, các nước đã khởi xướng điều tra tổng cộng 6300 vụ chống bán phá giá, 623 vụ chống trợ cấp và 400 vụ việc tự vệ, trung bình mỗi năm hơn 290 vụ.
Tại Việt Nam, số lượng các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên vật liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM như thép, nhôm, tôm… Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.
Mặc dù PVTM còn tương đối mới mẻ, nhưng Việt Nam cũng đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ PVTM để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước. Tính đến tháng 11/2021, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 23 vụ PVTM gồm 13 vụ việc chống bán phá giá; 01 vụ việc chống trợ cấp; 6 vụ việc tự vệ và 01 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ. Các biện pháp này đã góp phần thiết lập lại môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ được lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới…
Cũng tại Hội nghị, đại diện Bộ Công Thương và Trung tâm WTO và hội nhập, phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đã trình bày các nội dung: Tổng quan về các hiệp định thương mại tự do và tác động đối với kinh tế Việt Nam; Hoạt động của Cục Phòng vệ thương mại trong công tác hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó và sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; Thực tiễn ứng phó và sử dụng công cụ phòng vệ thương mại từ góc độ doanh nghiệp và các lưu ý với cơ quan báo chí trong truyền thông về các vụ việc PVTM.
Thu Hường