Kết quả thực hiện chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030

|

Kết quả thực hiện chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (CLTK11-20), Thống kê Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao năng lực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê phục vụ Đảng, Nhà nước và các đối tượng sử dụng.

Ngày 18/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1803/QĐ-TTg phê duyệt CLTK11-20. Với sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn và tổ chức thực hiện kịp thời, bài bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện CLTK11-20 nghiêm túc và thống nhất trong toàn hệ thống. Sau 10 năm thực hiện, đã đạt 4/8 mục tiêu cụ thể của CLTK11-20, hoàn thành 100/119 (84%) số hoạt động trong chương trình hành động của CLTK11-20 đã đề ra.

CLTK11-20 đã đề ra mục tiêu tổng quát và 8 mục tiêu cụ thể. Đánh giá mức độ đạt được của các mục tiêu đến hết năm 2020 như sau:

Về mục tiêu tổng quát: Thống kê Việt Nam phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu đến năm 2020, Thống kê Việt Nam đạt trình độ khá và năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện CLTK11-20, Thống kê Việt Nam hiện đang ở mức trung bình khá trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù đã có những tiến bộ và phát triển hơn so với trước đây, năng lực của Thống kê Việt Nam đã được cải thiện nhưng chưa đạt được mục tiêu CLTK11-20 đặt ra. Trong đó, chỉ số năng lực thống kê của Việt Nam đạt 74,44 điểm (năm 2020), đứng thứ 5; Chỉ số dữ liệu mở của Việt Nam đạt 0,74 điểm (năm 2020), đứng thứ 6; Chỉ số dữ liệu mở (Open Data Inventory - ODIN) đạt 49,3 điểm (năm 2020), đứng thứ 6; Mức độ đáp ứng yêu cầu các chỉ tiêu về GDP đứng thứ 5 (số liệu năm), đứng thứ 3 (số liệu quý); Mức độ đáp ứng yêu cầu của về CPI, PPI đứng thứ 2 (số liệu năm), đứng thứ 3 (số liệu tháng); Mức độ đáp ứng yêu cầu các chỉ tiêu về SDG đứng thứ 4; Mức độ đáp ứng các chỉ tiêu xã hội (số liệu năm) thấp, chỉ đạt 42,7%, đứng thứ 6.

Về mục tiêu cụ thể:

Mục tiêu 1. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê của các bộ, ngành đồng bộ với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (ban hành theo Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ) và Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã (ban hành theo Thông tư số 02/2011/TT- BKHĐT ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Mục tiêu này đã đạt được. Theo đó, hầu hết các bộ, ngành đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê của bộ, ngành đồng bộ với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Đến hết năm 2015, 17 bộ, ngành đã xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê của bộ, ngành đồng bộ với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành theo Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2015, Luật Thống kê được ban hành và quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mới. Tính đến hết năm 2020, có 20 bộ, ngành đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê của bộ, ngành đồng bộ với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mới (tính đến hết năm 2020).

Mục tiêu 2. Bảo đảm từ năm 2015 tất cả các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Hệ thống chỉ tiêu thống kê các bộ, ngành và Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã đều được thu thập, tổng hợp và phổ biến theo nội dung và kỳ công bố quy định. Theo kết quả thực hiện, mục tiêu này không đạt được. So với trước đây, thông tin thống kê được thu thập, tổng hợp và phổ biến ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2020, các chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Hệ thống chỉ tiêu thống kê các bộ, ngành và Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã được thu thập, tổng hợp và phổ biến theo nội dung và kỳ công bố chưa đầy đủ theo quy định.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được quy định trong Luật Thống kê năm 2015 gồm 186 chỉ tiểu, trong đó: 106 chỉ tiêu đã thu thập, tổng hợp và công bố đầy đủ các phân tổ (56,99%), 70 chỉ tiêu đã thu thập, tổng hợp và công bố một số phân tổ (37,63%), 10 chỉ tiêu chưa thu thập, tổng hợp được (5,38%).

Hệ thống chỉ tiêu thống kê của bộ, ngành: 71,05% số chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê của các bộ, ngành đã thu thập, tổng hợp và công bố đầy đủ các phân tổ, 26,11% số chỉ tiêu đã thu thập, tổng hợp và công bố một số phân tổ, 2,83% số chỉ tiêu chưa thu thập, tổng hợp được.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã ban hành theo Quyết định số 54/2016/QĐ-TTg ngày 19/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ: 89,66% số chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh đã được thu thập, tổng hợp và công bố đầy đủ các phân tổ; 93,16% số chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp huyện được thu thập, tổng hợp và công bố đầy đủ các phân tổ; 90,31% số chỉ tiêu thống kê cấp xã được thu thập, tổng hợp và công bố đầy đủ.

Mục tiêu 3. Các thông tin thống kê được sản xuất và phổ biến đáp ứng các tiêu thức chất lượng đang được hầu hết các cơ quan thống kê quốc gia và các tổ chức quốc tế áp dụng, bao gồm: Tính phù hợp, tính chính xác, tính kịp thời, khả năng tiếp cận, khả năng giải thích và tính chặt chẽ; đồng thời bảo đảm tính so sánh quốc tế. Theo kết quả thực hiện mục tiêu này đã hoàn thành, tuy nhiên, chất lượng số liệu thống kê chưa được đánh giá theo Bộ tiêu chí chất lượng thống kê do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg ngày 05/01/2019.

Mục tiêu 4. Hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, đồng bộ và thống nhất có sự phối hợp, trao đổi, chia sẻ và kết nối thông tin thường xuyên, chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức thống kê trong nước, thực hiện đầy đủ các cam kết về cung cấp và chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế, cơ quan thống kê các quốc gia theo quy định của pháp luật. Mục tiêu này đã đạt được. Hệ thống thông tin thống kê đã được tạo lập đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương với việc xây dựng, hoàn thiện và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp bộ, ngành và hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã.

Thông tin thống kê được thu thập, tổng hợp trên cơ sở thực hiện các chế độ báo cáo thống kê (cấp quốc gia và cấp bộ, ngành), chương trình điều tra thống kê và cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin thống kê giữa Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành ở Trung ương, giữa Cục Thống kê cấp tỉnh với các sở, ngành ở địa phương. Tổng cục Thống kê và 11 bộ, ngành, cơ quan đã ký kết cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin thống kê; trong đó có 04 bộ, ngành đã ký kết thỏa thuận về việc kết nối, chia sẻ, trao đổi và tích hợp Cơ sở dữ liệu hành chính tự động (sử dụng cơ sở dữ liệu vi mô) với Tổng cục Thống kê.

Thống kê Việt Nam thường xuyên cung cấp và chia sẻ thông tin thống kê cho các tổ chức quốc tế và các cơ quan thống kê quốc gia khác theo các cam kết mà Việt Nam tham gia trên cơ sở các quy định của pháp luật và năng lực của Thống kê Việt Nam. Việc cung cấp và chia sẻ thông tin thống kê cho các tổ chức quốc tế cơ bản đã đáp ứng được về số lần yêu cầu (giai đoạn 2011-2020, Tổng cục Thống kê đã 140 lần cung cấp số liệu cho 12 tổ chức quốc tế, 59 lần cung cấp số liệu cho 18 đại sứ quán các nước).

Mục tiêu 5. Hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu thống kê vi mô; cơ sở dữ liệu thống kê vĩ mô; cơ sở dữ liệu thống kê về hệ thống các bảng phân loại, danh mục và hệ thống khái niệm, nguồn thông tin, phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê; tiến tới hoàn thành việc xây dựng kho dữ liệu thống kê kinh tế - xã hội vào năm 2020 để các đối tượng dùng tin đều có thể khai thác, sử dụng.

Theo kết quả thực hiện, mục tiêu này chưa đạt được. Tất cả các cuộc Tổng điều tra, điều tra thống kê hàng năm do Tổng cục Thống kê thực hiện đều có cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, dữ liệu điều tra của các cuộc tổng điều tra, điều tra thống kê hàng năm chưa được xây dựng thành cơ sở dữ liệu nhiều năm (do dữ liệu chưa được chuẩn hóa, các phần mềm cơ sở dữ liệu được phát triển trên nhiều nền tảng và ngôn ngữ lập trình khác nhau dẫn đến việc kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu khó khăn). Tổng cục Thống kê đã xây dựng được một số kho dữ liệu thống kê: Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2006, kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011, kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, kết quả Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007, kết quả Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012, điều tra doanh nghiệp hàng năm, điều tra khảo sát mức sống hộ gia đình (năm 2004, 2006, 2008); điều tra lao động việc làm (năm 2007-2010); điều tra biến động dân số.

Tổng cục Thống kê đã xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống các bảng phân loại, danh mục thống kê, cơ sở dữ liệu hệ thống khái niệm, nguồn thông tin, phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã, cơ sở dữ liệu số liệu thống kê, cơ sở dữ liệu báo cáo tình hình kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chưa xây dựng được kho dữ liệu thống kê kinh tế - xã hội.

Mục tiêu 6. Nâng Chỉ số chung về năng lực thống kê theo các tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới đối với thống kê nước ta từ 61 điểm (thang điểm 100) năm 2010 lên 70 điểm vào năm 2015; 80 điểm vào năm 2020 và 95 điểm vào năm 2030, trong đó Chỉ số phương pháp luận thống kê từ 30 điểm lên 55 điểm; 75 điểm và 90 điểm vào các năm tương ứng. Đã đạt được mục tiêu. Năm 2020 chỉ số năng lực thống kê của Việt Nam đạt 74,44 điểm (thang điểm 100), tăng 10 điểm so với năm 2010, xếp thứ 5 trong số 9 nước Đông Nam Á, tương đương với Mi-an-ma (tăng 2 bậc so với năm 2010). Trong đó, chỉ số phương pháp luận thống kê của Việt Nam đạt 50 điểm, tăng 20 điểm so với năm 2010.

Mục tiêu 7. Nâng mức độ thực hiện Hệ thống tài khoản quốc gia của thống kê nước ta theo Khung đánh giá của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc từ mức 2/6 năm 2008 lên mức 3/6 năm 2015; 4/6 năm 2020 và phấn đấu đạt mức 6/6 vào năm 2030. Theo đánh giá mục tiêu này không đạt được. Thống kê tài khoản quốc gia của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với trước đây. Mặc dù vậy, Việt Nam đang thực hiện được ở mức 3 so với 6 mức của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc, chưa đạt mục tiêu thực hiện ở mức 4 như CLTK11-20 đặt ra (năm 2008, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID đánh giá thống kê tài khoản quốc gia của Việt Nam thực hiện ở mức 2, tức là có các chỉ số cơ bản của GDP và GNI).

Mục tiêu 8. Năm 2020 tuân thủ đầy đủ Tiêu chuẩn phổ biến dữ liệu riêng (SDDS) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Mục tiêu này chưa đạt được. Theo đó, những năm qua, Việt Nam đã thực hiện Hệ thống phổ biến dữ liệu chung (GDDS) và đang thực hiện Hệ thống phổ biến dữ liệu chung tăng cường (e-GDDS). Hằng năm, Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành duy trì và cập nhật bộ dữ liệu chú giải (metadata) mới và chính xác trên Bảng tin Phổ biến số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (DSBB), đồng thời phổ biến trên website của cơ quan Thống kê quốc gia. Tính đến hết năm 2020, Việt Nam chưa đăng ký thực hiện SDDS (các số liệu thống kê của Việt Nam đáp ứng được 47,06% hạng mục số liệu của SDDS khi tính chung cho cả 3 yêu cầu về phạm vi, tính định kỳ và tính kịp thời)./.
 
Thu Hòa