Khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị sẵn sàng thực hiện thành công Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

|

Khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị sẵn sàng thực hiện thành công Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là Tổng điều tra thống kê quốc gia có quy mô lớn được Tổng cục Thống thực hiện theo qui trình 10 năm một lần trên phạm vi toàn quốc, theo Quyết định số 772/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 26/6/2018 về tổ chức Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019 (Viết gọn là TĐT 2019). Đây là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 8 do Tổng cục Thống kê (TCTK) tiến hành (các cuộc Tổng điều tra trước diễn ra vào các năm 1960 và 1974 ở miền Bắc, 1976 ở miền Nam và 1979, 1989, 1999, 2009 trên toàn quốc).
 
 
Thông tin về dân số và nhà ở thu thập được từ TĐT 2019 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, làm căn cứ để xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Bên cạnh đó, thông tin thu thập từ cuộc Tổng điều tra này sẽ sử dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia về dân số và phục vụ cho các mục đích khác của công tác thống kê, hướng tới năm 2029 và về sau sẽ không tiến hành Tổng điều tra dân số.
 
Mặc dù Tổng cục Thống kê có nhiều kinh nghiệm trong triển khai các cuộc Tổng điều tra, song ở mỗi cuộc Tổng điều tra có những tính chất khác biệt về phạm vi, đối tượng, thời điểm, bối cảnh triển khai… TĐT 2019 thực hiện trong bối cảnh thế giới đang triển khai mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, TCTK lần đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các công đoạn của Tổng điều tra. Vì vậy, để có được nguồn thông tin chính xác, đầy đủ, tin cậy phục vụ công tác quản lý, điều hành, cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số thực sự là một thách thức lớn. Thách thức bởi quy mô của Tổng điều tra rất lớn, dự kiến lên tới trên 94 triệu dân với khoảng trên 26 triệu hộ, địa bàn trải rộng khắp cả nước, gồm cả những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bãi ngang ven biển và phải huy động lực lượng điều tra viên lên tới trên 100 nghìn người… làm thế nào để huy động lực lượng điều tra viên đủ về số lượng, có trình độ đáp ứng yêu cầu về sử dụng thiết bị thông minh (smartphone, máy tính bảng, máy tính) vào quá trình thu thập thông tin là thách thức không nhỏ. Không chỉ vậy, công tác điều tra thu thập thông tin cũng không hề đơn giản. Tổng điều tra năm 2019 thu thập thông tin trên 2 nhóm phiếu: Điều tra toàn bộ và điều tra mẫu. Nhóm phiếu điều tra toàn bộ gồm 22 câu hỏi, điều tra các thông tin về dân số cơ bản và thông tin về nhà ở của hộ. Nhóm phiếu điều tra chọn mẫu phức tạp hơn nhiều với quy mô mẫu chiếm khoảng 9% tổng số hộ trên cả nước, gồm 65 câu hỏi, ngoài các câu có trong phiếu điều tra toàn bộ, còn có thêm các nhóm thông tin khá nhạy cảm liên quan đến: Dân số (tình trạng di cư và lý do di cư, tình trạng khuyết tật, tuổi kết hôn lần đầu, tình trạng lao động việc làm); lịch sử sinh của nữ vị thành niên từ 10-14 tuổi và phụ nữ từ 15-49 tuổi; thông tin về người chết; thông tin về nhà ở… Câu chuyện đặt ra là công tác tập huấn các cấp từ Trung ương tới địa phương được thiết kế ra sao để giúp điều tra viên có thể tiếp cận người dân hiệu quả nhất, để có được thông tin đầy đủ, tin cậy nhất; Làm thế nào để người dân hợp tác và trả lời chính xác câu hỏi của điều tra viên?... Nhưng thách thức lớn nhất đó chính là trong TĐT 2019, Tổng cục Thống kê đưa vào ứng dụng công nghệ thông tin ở hầu hết các công đoạn, từ thu thập thông tin (bằng phiếu điện tử trên thiết bị điện tử di động - CAPI; phiếu trực tuyến (webform) sử dụng Internet) đến khâu tiếp nhận, xử lý, tổng hợp, phân tích thông tin điều tra. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các công đoạn của Tổng điều tra đưa đến nhiều lợi ích, đó là: Cập nhật, xử lý thông tin nhanh; kiểm soát, giám sát chặt chẽ lộ trình của điều tra viên; phát hiện lỗi logic kịp thời trong quá trình tác nghiệp; rút ngắn thời gian phân tích, xử lý dữ liệu… Nhưng bên cạnh đó là những thách thức không nhỏ: Hạ tầng công nghệ thông tin của ngành Thống kê chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận nhiều lượng truy cập, truyền gửi thông tin cùng một lúc, các bài toán công nghệ phức tạp yêu cầu nguồn nhân lực giỏi, tính ổn định của đường truyền, bảo mật thông tin, đầu tư thiết bị… Thực tế khó khăn hơn khi Tổng điều tra diễn ra trong bối cảnh Quốc hội, Chính phủ thắt chặt chi tiêu, cắt giảm đầu tư công, dẫn đến việc đáp ứng các nguồn lực để thực hiện Tổng điều tra thực sự là bài toán khó.
 
Mặc dù vậy, được sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành có liên quan, sự phối hợp nhịp nhàng của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp từ Trung ương tới địa phương, sự nỗ lực của các cá nhân có liên quan thực hiện Tổng điều tra, ngành Thống kê từng bước tập trung tháo gỡ từng trở ngại. Cụ thể: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 772/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, ngày 15/8/2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐTW) đã ký Quyết định số 01/QĐ-BCĐTW về việc ban hành Phương án Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019. Nhằm xây dựng phương án hoàn chỉnh, các đơn vị có liên quan trong ngành Thống kê đã chuẩn bị khá kỹ từ việc xây dựng khung phương án, lấy ý kiến góp ý từ các địa phương, các Bộ, ngành có liên quan, các tổ chức, các chuyên gia trong và ngoài nước. Để có bộ máy hiệu quả chỉ đạo công tác Tổng điều tra, BCĐTW đã được thành lập gồm 15 thành viên do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo các cấp cũng được nhanh chóng thành lập gồm 63/63 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, 712/713 Ban Chỉ đạo cấp huyện và 11.165/11.166 Ban Chỉ đạo cấp xã.
 
Để rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thu thập thông tin tại hộ, BCĐTW đã chỉ đạo triển khai 4 cuộc điều tra thí điểm tại một số tỉnh mang tính đại diện cao và tiến hành điều tra tổng duyệt tại 48 địa bàn mẫu thuộc 4 tỉnh, thành phố bao gồm: Quảng Ninh, Quảng Nam, Đắk Lắk và Cần Thơ vào tháng 9/2018 (với sự tham gia, quan sát của thành viên BCĐ 63 tỉnh, thành phố). Kết quả của các cuộc điều tra này là cơ sở quan trọng để Tổng cục Thống kê tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn thành phần mềm điều tra và các phương án đảm bảo đường truyền và an toàn an ninh mạng, đồng thời Ban Chỉ đạo các cấp thu được những kinh nghiệm quí báu cho công tác quản lý, tổ chức, tập huấn, tuyên truyền cho TĐT 2019… Tiếp sau đó, tháng 12/2018, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp đã triển khai lập bảng kê hộ. Đây là khâu quan trọng nhằm rà soát địa bàn và nhân khẩu thực tế thường trú, mục đích tránh trùng, sót khi triển khai điều tra thực tế.
 
Việc triển khai Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã nhận được sự phối hợp rất chặt chẽ của các Bộ, ngành có liên quan. Theo phương án, Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an triển khai điều tra theo kế hoạch riêng. Công tác phối, kết hợp giữa Tổng cục Thống kê và 3 Bộ trong công tác rà soát bảng kê, tập huấn, công tác hậu cần… rất nhịp nhàng; Tổ thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo Trung ương luôn sẵn sàng phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ cho Ban chỉ đạo các Bộ. Đến nay, công tác chuẩn bị cho Tổng điều tra tại các Bộ này đều triển khai theo đúng phương án đã được phê duyệt và cũng đang dần hoàn tất.
 
Công tác tuyên truyền cho Tổng điều tra được đặc biệt quan tâm, với việc xây dựng kế hoạch chi tiết cho công tác tuyên truyền và được thể hiện xuyên suốt trong chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương. Tại phiên họp thứ nhất về công tác chuẩn bị thực hiện Tổng điều tra tháng 11/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, đã chỉ rõ tính chất quan trọng của công tác tuyên truyền và chỉ đạo các Bộ có liên quan thực hiện tốt công tác này. Theo đó, ngày 04/1/2019, BCĐTW và Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cuộc họp về công tác phối hợp tuyên truyền, thực hiện giải pháp đảm bảo đường truyền và an toàn an ninh mạng cho Tổng điều tra. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo trực tiếp đến các tập đoàn truyền thông có số lượng thuê bao lớn hỗ trợ tin nhắn miễn phí tuyên truyền cho Tổng điều tra, tạo kênh thông tin giúp cộng đồng xã hội biết đến cuộc Tổng điều tra, sẵn sàng hợp tác, cung cấp thông tin cho điều tra viên.
 
Theo dự kiến, khoảng trung tuần tháng 3/2019, BCĐTW sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 ban chỉ đạo địa phương nhằm đánh giá lần cuối công tác chuẩn bị và chỉ đạo tiến hành Tổng điều tra.
 
Hiện, thời điểm thu thập thông tin Tổng điều tra đang tới gần, các công tác liên quan đến Tổng điều tra như: Hoàn thiện thiết kế Tổng điều tra (xác định nội dung, phiếu, mẫu điều tra, soạn thảo, in ấn các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ…); tập huấn; dự trù, phân bổ kinh phí; tuyên truyền; hậu cần… đã và đang được tích cực triển khai, nhiều phần việc quan trọng (vẽ sơ đồ nền, lập bảng kê hộ) đã được hoàn tất, trang Web điều hành Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã vận hành…. Tất cả đã sẵn sàng cho thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019: Cả nước ra quân tiến hành Tổng điều tra. Theo phương án, thời gian thu thập thông tin tại địa bàn trong 25 ngày, bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 01/4/2019, kết thúc chậm nhất vào ngày 25/4/2019.
 
Theo kế hoạch, kết quả sơ bộ của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ được công bố vào tháng 7/2019; kết quả điều tra mẫu vào quý IV/2019; kết quả điều tra toàn bộ vào quý II/2020; các báo cáo phân tích chuyên đề vào quý IV/2020.
 
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, công tác kiểm tra, giám sát khâu thu thập thông tin được tăng cường, tin tưởng rằng, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ thành công tốt đẹp./.
 
 
TS. Nguyễn Bích Lâm
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống  - Phó trưởng BCĐ TĐT dân số và nhà ở Trung ương