Nâng cao giá trị và vị thế của ngành gia vị và hương liệu Việt Nam

|

Nâng cao giá trị và vị thế của ngành gia vị và hương liệu Việt Nam

Hiện, hồ tiêu Việt Nam đã rất nổi tiếng trên thị trường thế giới và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Tuy nhiên, ngành hàng gia vị và hương liệu Việt Nam mới chủ yếu xuất khẩu thô, nguyên hạt nên giá trị thu về chưa cao so với giá trị thực của sản phẩm. Để tiếp tục nâng cao giá trị và vị thế của ngành gia vị và hương liệu, thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục có nhiều giải pháp phù hợp hơn nữa nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu mặt hàng và xây dựng thương hiệu cho ngành hàng gia vị và hương liệu Việt Nam.

 

Đa dạng hóa ngành hàng gia vị và hương liệu Việt Nam

Việt Nam có vị trí địa lý trải dài trên nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên có sự đa dạng sinh học tạo ra cho Việt Nam nhiều lợi thế khi có được những sản phẩm gia vị đa dạng trong đó có những gia vị rất đặc trưng, khác biệt với những sản phẩm gia vị cùng loại trên thế giới. Tính đa dạng trong sản phẩm gia vị mở ra cho Việt Nam nhiều tiềm năng trong sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gia vị và hương liệu.

Trong nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam, gia vị được xem là một trong những thế mạnh có nhiều tiềm năng mở rộng thị trường với nhiều loại sản phẩm gia vị khá phong phú và đa dạng. Việt Nam hiện có các loại gia vị như: Quế, hồi, thảo quả, thanh trà, nước mắm, muối, dấm, mẻ, thính gạo... Để nâng cao giá trị sản phẩm gia vị, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã dựa vào công nghệ để đầu tư, nghiên cứu đổi mới sản phẩm đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm mới và được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận như: Sản phẩm gia vị nấu phở, gia vị nấu bún bò… Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt Nam còn phát triển thêm những sản phẩm gia vị bằng việc phối trộn kết hợp từ nhiều loại gia vị khác nhau để cho ra những loại gia vị mới với hương vị đặc trưng, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng.

Sức hấp dẫn của thị trường gia vị đã thu hút hàng loạt tập đoàn quốc tế vào Việt Nam như: Unilever, (Anh), Ajinomoto (Nhật Bản), Miwon (Đài Loan), Nestlé (Thụy Sĩ)... Thậm chí, các nhà bán lẻ như: Co.opmart, Big C cũng có những dòng sản phẩm riêng. Điều này đang tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia và các sản phẩm ngoại nhập. Chỉ riêng sản phẩm nước mắm đã có sự tham gia của hàng loạt thương hiệu như: Thuận Phát, Nam Ngư, Chinsu, Liên Thành, Hạnh Phúc, 584 Nha Trang, Hồng Hạnh...

Không chỉ khẳng định vị thế ở thị trường nội địa, nhiều thương hiệu gia vị của Việt Nam đã vươn ra thế giới. Đặc biệt, nhiều sản phẩm gia vị của Việt Nam đã xuất khẩu vào các thị trường lớn, nhiều tiềm năng như: Liên minh châu Âu (EU) và khá tự tin khi đi vào những thị trường mới với tiêu chuẩn đặc biệt của tôn giáo, của địa phương như Arab Saudi. Việt Nam hiện được xem là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhiều loại gia vị phổ biến như: Hạt tiêu, quế, hoa hồi… Gia vị của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng, trong đó có cả những thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức...

Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xuất khẩu gia vị và hương liệu của Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe, có khả năng cung ứng sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và các kênh phân phối cao cấp tại nhiều khu vực trên thế giới. Đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thành công đưa gia vị Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, trong đó phải kể đến doanh nghiệp Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ và sản xuất Trí Việt Phát với sản phẩm gói gia vị phở được người Nhật Bản rất yêu thích. Ngoài ra, mỗi tháng công ty xuất khẩu 1 container sốt ớt sang Mỹ được sản xuất từ các giống ớt của Việt Nam bán cho người tiêu dùng Mỹ. Tương tự, Công ty Phúc Sinh mỗi năm xuất khẩu 6.000 container tiêu và các loại gia vị tiêu (tiêu tiệt trùng, sốt tiêu…) sang nhiều nước, trong đó có Mỹ và châu Âu.

Không chỉ những thương hiệu lớn, ngay cả các cơ sở sản xuất nhỏ cũng được lợi trong thị trường đầy tiềm năng. Cơ sở muối sấy Ngọc Yến tại Đồng Tháp từ chỗ chỉ bán 5 - 10 kg muối sấy mỗi ngày, sau 16 năm sản lượng muối sấy đã tăng lên 6 tấn/ngày và không chỉ bán trong nước đã hướng tới xuất khẩu chinh phục người tiêu dùng Hàn Quốc và Mỹ.

Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới. Hiện, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu; đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và số 1 thế giới về xuất khẩu quế; đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi... Ngoài ra, các mặt hàng gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng như: Ớt, đinh hương, gừng, bạch đậu khấu, nhục đậu khấu... Năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu của hồ tiêu và gia vị Việt Nam đạt hơn 1,4 tỷ USD; tăng 0,02% so với năm trước. Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam còn nhiều dư địa cho phát triển các sản phẩm gia vị. Nền kinh tế đang hồi phục cùng với đó là các ngành chế biến thực phẩm, nhà hàng, khách sạn khôi phục và phát triển trở lại sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 chính là những thay đổi đem lại những tín hiệu tốt cho sản phẩm gia vị của Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Nâng cao giá trị và vị thế của ngành gia vị và hương liệu Việt Nam

Hiện, các doanh nghiệp trong ngành gia vị và hương liệu Việt Nam đã đi qua thời kỳ khó khăn và phát triển bền vững theo hướng giảm dần các sản phẩm thô, chú trọng nhiều hơn tới các sản phẩm chế biến chuyên sâu mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia để nâng cao hơn nữa giá trị và vị thế của ngành gia vị và hương liệu Việt Nam vẫn cần sự chung tay của doanh nghiệp và các bên liên quan cùng tham gia.

Cụ thể, sau khi Việt Nam kiểm soát tình hình dịch Covid-19, các địa phương và doanh nghiệp cần có kế hoạch khôi phục sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến để chế biến, đa dạng loại hình sản phẩm. Tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để tham gia vào các thị trường trên thế giới. Bên cạnh đó, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư dây chuyền, nhà xưởng đạt tiêu chuẩn quốc tế để cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn. Tiếp tục đẩy mạnh, chú trọng xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm giúp doanh nghiệp tăng vị thế và uy tín. Đồng thời, doanh nghiệp tìm hiểu nắm bắt những thay đổi thị hiếu tiêu dùng ở từng thị trường trong đó cần đặc biệt lưu ý về văn hoá, tín ngưỡng địa phương.

Ngoài ra, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp tiếp tục có sự đồng hành với người nông dân, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ từ đầu vào cho tới đầu ra của sản phẩm, liên kết sản xuất, xây dựng vùng trồng để đảm bảo chất lượng và nâng cao giá trị xuất khẩu cho các loại cây gia vị của Việt Nam.

Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm gia vị, hương liệu Việt Nam tiếp tục trao đổi, tìm hiểu sâu hơn về tình hình thị trường, nhu cầu, khả năng hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực rất tiềm năng và nhiều thế mạnh của Việt Nam với các nước xuất khẩu để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành gia vị, hương liệu của Việt Nam trong thời gian tới.

Mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam. Việc đổi tên không chỉ ngành hồ tiêu được hưởng lợi, mà cả ngành gia vị Việt Nam nói chung cũng sẽ được thúc đẩy phát triển. Theo đó, Hiệp hội sẽ giúp giải quyết có tiếng nói chung và có một hiệp hội ngành hàng, đồng thời sẽ giúp quy tụ thêm rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành gia vị. Sự thay đổi này đánh dấu bước chuyển mình trong chiến lược phát triển sản xuất và xuất khẩu các loại gia vị của Việt Nam. Trên cơ sở nền móng của Hiệp hội Hồ tiêu, sẽ làm thành bệ đỡ cho các cây gia vị Viêt Nam tăng tốc phát triển. Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu các loại mặt hàng gia vị Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt trên 2 tỷ USD./.

Trang Nguyễn