Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam - Thành tựu năm 2022 và thách thức năm 2023

|

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam - Thành tựu năm 2022 và thách thức năm 2023

Con số 11,2 tỷ USD xuất siêu hàng hóa của Việt Nam được coi là điểm sáng của năm 2022. Tuy nhiên, với thực trạng xuất khẩu và nhập khẩu sụt giảm trong quý IV năm 2022 đã cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu hiện đang thiếu hụt đơn hàng mới, dẫn tới không nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất, từ đó sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của năm 2023
 
Xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam năm 2022 nhiều tín hiệu tích cực

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so năm 2021. Trong đó: Xuất khẩu đạt 371,9 tỷ USD, tăng 10,6% và nhập khẩu đạt 360,7 tỷ USD, tăng 8,4%. Cán cân thương mại đạt xuất siêu 11,2 tỷ USD, đóng góp vào trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, kết quả này được đánh giá là rất khả quan và là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế.

Về xuất khẩu hàng hóa, trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm nhưng cả năm 2022, ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2021 là kết quả rất khả quan. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,09 tỷ USD, tăng 6,5%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 276,76 tỷ USD, tăng 12,1%, chiếm 74,4%.

Có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 08 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%, bao gồm: Điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; phương tiện vận tải và phụ tùng.

 Biểu 1. Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu năm 2022

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 89%, giảm 0,1 điểm phần trăm so năm 2021; nhóm hàng nông, lâm sản chiếm 6,7%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,9%, tăng 0,3 điểm phần trăm; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm.

Về nhập khẩu hàng hóa, tính chung cả năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 125,79 tỷ USD, tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 234,86 tỷ USD, tăng 7,5%.
 
Trong năm 2022 có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, có 06 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%, bao gồm: Điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện thoại và linh kiện; vải; chất dẻo; sắt thép.
 
Biểu 2. Trị giá một số mặt hàng nhập khẩu năm 2022
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%, tỷ trọng bằng năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,7%, giảm 1,8 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,8%, tăng 1,8 điểm phần trăm; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,5%, tỷ trọng bằng năm trước.
 
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD.
 

Hình 1. Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hoá chủ yếu năm 2022

Hoạt động xuất, nhập khẩu dịch vụ năm 2022 tăng mạnh, tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 145,2% so với năm 2021, trong đó dịch vụ du lịch đạt 3,8 tỷ USD (chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ), tăng gần 25 lần so với năm trước; dịch vụ vận tải đạt 5,6 tỷ USD (chiếm 43,4%), tăng 165,4%.

Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm 2022 ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 23,6% so với năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 12,4 tỷ USD (chiếm 48,7% tổng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ), tăng 18,3%; dịch vụ du lịch đạt 6,5 tỷ USD (chiếm 25,6%), tăng 70,8%. Nhập siêu dịch vụ năm 2022 là 12,6 tỷ USD (trong đó đã tính trong phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 9 tỷ USD).
 
Thách thức hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023
 
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 có nhiều tín hiệu vui với cán cân thương mại đạt xuất siêu 11,2 tỷ USD, đóng góp vào trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, bức tranh xuất nhập khẩu Việt Nam đạt nhiều kết quả ấn tượng trong 3 quý đầu năm, nhưng bước sang quý IV, hoạt động xuất nhập khẩu có dấu hiệu suy giảm rõ rệt; và hiện tượng suy giảm này được dự báo tiếp tục diễn biến trong những tháng của năm 2023.
 
Cụ thể, quý IV năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giảm 6,1%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm tới 14,8%; Khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài giảm 2,7%. Một số mặt hàng XK chủ lực, chiếm giá trị lớn của Việt Nam của quý IV năm 2022 cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021: Điện thoại các loại và linh kiện đạt kim ngạch xuất khẩu 14,2 tỷ USD, giảm 14%; Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,4 tỷ USD, giảm 5,3%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 11,5 tỷ USD, giảm 4,6%; Hàng dệt may đạt 8,5 tỷ USD, giảm 8,9%. Bốn nhóm hàng này (chiếm tới 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu) giảm mạnh, đã có tác động tiêu cực tới tăng trưởng xuất khẩu của quý IV năm 2022.
 
Mức sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của quý IV năm 2022 còn được thể hiện rõ theo xu hướng của các tháng liên tiếp và theo khu vực kinh tế. Khu vực kinh tế trong nước: Tháng Mười giảm 7,8%; tháng Mười một giảm 14,1%; và tháng Mười hai giảm tới 22,4%. Khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài có sự sụt giảm nhẹ hơn: Tháng Mười tăng 9,7%; tháng Mười một giảm 7,0%; và tháng Mười hai giảm 11,1%.
 
Một số sản phẩm xuất khẩu như nông sản, thủy sản, thức ăn gia súc và nguyên liệu có giá trị xuất khẩu cao với tốc độ tăng trưởng khá, được đánh giá là điểm sáng trong 9 tháng đầu năm 2022, tuy nhiên trong quý IV năm 2022 đã có sự sụt giảm mạnh như: Thủy sản, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, thức ăn gia súc và nguyên liệu…

Hoạt động nhập khẩu năm 2022 cũng có xu hướng sụt giảm theo quý: Quý I tăng 15,2%; quý II tăng 15,8%; quý III tăng 7,6%; quý IV giảm 3,9%.

Một số mặt hàng nhập khẩu của quý IV năm 2022 chiếm giá trị lớn của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ: Điện tử, máy tính và linh kiện kim ngạch nhập khẩu đạt 18,1 tỷ USD, giảm 16,2%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 10,9 tỷ USD, giảm 4,8%; Điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,4 tỷ USD, giảm 18,1%. Ba nhóm hàng này chiếm tới 40,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, tác động chính vào sự sụt giảm của quý IV năm 2022.
 
Con số 11,2 tỷ USD xuất siêu hàng hóa của Việt Nam được coi là điểm sáng của năm 2022, tuy nhiên với thực trạng xuất khẩu và nhập khẩu sụt giảm trong quý IV năm 2022 đã cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu thiếu hụt đơn hàng mới, dẫn tới không nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất, từ đó sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của năm 2023. Theo đó, các chuyên gia dự báo năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Điều này đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ban, ngành; các doanh nghiệp phải cực kỳ nỗ lực tìm giải pháp khắc phục khó khăn mới mong giữ ổn định đà tăng trưởng trong năm tới./.

 
Nguyễn Việt Phong
Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ - TCTK