Nhìn lại 45 năm mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Liên hợp quốc

|

Nhìn lại 45 năm mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Liên hợp quốc

Ngày 20/9/1977, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc. Trải qua 45 năm quan hệ hợp tác, Việt Nam đã trở thành đối tác tin cậy, vững chắc, là thành viên tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng vào thực hiện các sứ mệnh của Liên hợp quốc.

Liên hợp quốc (LHQ) là tổ chức đa phương lớn nhất thế giới với sứ mệnh duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác hữu nghị và phát triển của các quốc gia trên thế giới. Ngày 20/9/1977, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), lễ thượng cờ Việt Nam được chính thức tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc, ghi dấu ấn Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức lớn nhất hành tinh.

Nhìn lại chặng đường 45 năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và LHQ đã chứng kiến nhiều dấu mốc quan trọng. Ngay sau khi tham gia LHQ, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên để Đại hội đồng LHQ khóa 32 (1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), Cao Ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh, tập trung vào các hạng mục phát triển xã hội, các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dân số và kế hoạch hóa gia đình. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tranh thủ sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của LHQ để nâng cao trình độ công nghệ và thúc đẩy tiến bộ về khoa học - kỹ, phục hồi và xây dựng mới một số cơ sở sản xuất, tăng cường năng lực phát triển trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới với nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tiến hành đổi mới chính sách kinh tế, chính sách xã hội, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc phát triển mạnh mẽ, sâu rộng hơn. Việt Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các tổ chức phát triển trong việc xây dựng chính sách phát triển, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan và trình độ cán bộ trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới; nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, phát triển nguồn nhân lực khoa học - kỹ thuật và giải quyết các vấn đề xã hội như phòng chống HIV/AIDS và các bệnh hiểm nghèo, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ, xóa đói giảm nghèo… Các chương trình, dự án của Liên hợp quốc đã đóng góp quan trọng vào quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhất là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, chia sẻ kinh nghiệm phát triển trong nhiều lĩnh vực, giới thiệu Việt Nam những kinh nghiệm chuyên môn đảm bảo hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng xanh, bền vững, cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội...

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường đi đôi với sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển quan trọng. Là một thành viên LHQ, Việt Nam đã đạt và vượt trước thời hạn 5/8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG). Triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động”, Việt Nam và LHQ đã tích cực phối hợp triển khai Kế hoạch chung của LHQ giai đoạn 2012-2016, ưu tiên 3 lĩnh vực trọng tâm chính là chất lượng tăng trưởng, bảo trợ xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội; tăng cường tiếng nói và nâng cao quản trị công. Cụ thể hóa Sáng kiến, Ngôi nhà Xanh chung LHQ thân thiện với môi trường đầu tiên đã được xây dựng tại Hà Nội, khánh thành năm 2015. Việc triển khai sáng kiến“Thống nhất hành động” đã đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết hệ thống của các tổ chức LHQ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ sáng kiến “Một Liên hợp quốc” được ký vào tháng 7/2017, Việt Nam đã cùng LHQ tích cực triển khai Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021, tập trung vào mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2016-2020 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

Thông qua phối hợp với Văn phòng Điều Phối viên, các quỹ, chương trình LHQ, hiện Việt Nam đã thông qua các Chương trình quốc gia hợp tác giữa Việt Nam và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) giai đoạn 2022-2026 và Khung hợp tác phát triển bền vững Việt Nam - LHQ giai đoạn 2022-2026, nhằm thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 và các Mục tiêu SDGs, ưu tiên vào bốn lĩnh vực: Phát triển xã hội bao trùm; Chống chịu với biến đổi khí hậu, thiên tai và bền vững môi trường; Chia sẻ thịnh vượng thông qua chuyển đổi nền kinh tế; Quản trị và tiếp cận công lý. Việt Nam cũng đang nỗ lực hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của LHQ, thể hiện qua việc cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu (COP26), tham gia Cam kết toàn cầu giảm phát thải mê-tan, Tuyên bố Glasgow các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, Tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch và Liên minh Hành động Thích ứng toàn cầu.

 
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc ngày càng bền chặt

Vào thời điểm phải đối mặt với những khó khăn của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ to lớn về vaccine và thiết bị y tế của LHQ, trực tiếp thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chương trình COVAX, góp phần quan trọng kiểm soát hiệu quả, thích ứng an toàn, tiến tới đẩy lùi đại dịch Covid-19. Tính đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận viện trợ hơn 61,7 triệu liều vắc-xin thông qua Chương trình COVAX (vượt con số cam kết ban đầu của COVAX là 38,9 triệu liều) và vật tư y tế trị giá 45 triệu USD từ các tổ chức LHQ. Các tổ chức LHQ tại Việt Nam, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã và đang hỗ trợ Việt Nam trên 5 lĩnh vực gồm: Chuẩn bị khẩn cấp y tế cộng đồng; Giám sát, đánh giá rủi ro, điều tra và phản ứng với dịch bệnh; Phòng thí nghiệm; Kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm và quản lý lâm sàng; Truyền thông rủi ro. Tháng 2/2022, Tổng Giám đốc WHO tuyên bố Việt Nam là một trong những nước đang phát triển được nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin mRNA. Ngược lại, Việt Nam cũng đã phối hợp tốt với LHQ trong công cuộc chống đại dịch Covid-19, trong đó Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hàng năm là ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh và đã được Đại hội đồng LHQ thông qua với 112 quốc gia đồng thuận. Việt Nam cũng đã đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó Covid-19 của LHQ và 1 triệu USD cho COVAX...

Là quốc gia trân trọng giá trị của hòa bình, Việt Nam luôn đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, nỗ lực thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp lâu dài, toàn diện cho các xung đột; củng cố vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quản trị toàn cầu, cùng phấn đấu vì hòa bình bền vững, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội. Tại LHQ, đặc biệt là trong các nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (2008-2009 và 2020-2021), Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp cho các vấn đề toàn cầu như sáng kiến Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12, thành lập Nhóm bạn bè của Công ước Luật biển, giải quyết hậu quả bom mìn, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột, thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh khu vực,... Đến nay, Việt Nam đã cử 512 lượt sĩ quan quân đội và 4 lượt sĩ quan công an tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại châu Phi và tại trụ sở Liên hợp quốc. Thông qua đó, Việt Nam khẳng định trách nhiệm của mình đối với an ninh quốc tế thực hiện nhiệm vụ “sứ giả của hòa bình, hữu nghị”.

Trong lĩnh vực quyền con người, Việt Nam đề cao đối thoại và hợp tác, thúc đẩy tinh thần nhân văn, nhân ái, đặt con người vào trung tâm của phát triển, chia sẻ thành tựu, kinh nghiệm về bảo vệ các quyền cơ bản của con người, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016) và đang ứng cử nhiệm kỳ 2023-2025 để tiếp tục đóng góp vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới.

Với thành tựu của công cuộc đổi mới và những đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, vai trò của Việt Nam đã được khẳng định và thể hiện ngày một rõ hơn. Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều tổ chức quan trọng của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2008-2009, 2020-2021), Hội đồng Kinh tế- Xã hội - ECOSOC (1998-2000, 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), Ủy ban Luật pháp Quốc tế - ILC (2017-2021, 2023-2027), Hội đồng Chấp hành Chương trình Phát triển Liên hợp quốc - UNDP và Quỹ Dân số Liên hợp quốc - UNFPA (2000-2002), Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc - UNESCO (1978-1983, 2001-2005, 2009-2013, 2015-2019, 2021-2025),... Gần đây nhất, Việt Nam là thành viên sáng lập Nhóm bạn bè Công ước luật biển, Ngày Quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh và năm nay là vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ với nhiều thách thức ở phía trước. Hiện Việt Nam còn đang đẩy mạnh vận động ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, một số cơ chế của LHQ như Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) nhiệm kỳ 2023-2028, Ủy ban pháp lý và kỹ thuật của Cơ quan quyền lực đáy đại dương (LTC) nhiệm kỳ 2023-2027. Với tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp thực chất vào công việc chung của LHQ, Việt Nam đã thực sự thể hiện rõ tâm thế, bản sắc và bản lĩnh của ngoại giao của mình, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về một quốc gia độc lập, tự chủ, đổi mới, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tin cậy, chân thành và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Có thể thấy, 45 năm là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác thực chất, bền chặt giữa Việt Nam và LHQ, góp phần quan trọng tăng cường vai trò, tiếng nói và “dấu ấn” đóng góp của Việt Nam tại LHQ, đồng thời củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, hình ảnh và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Với những đóng góp trên, Việt Nam được đánh giá luôn là một đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng vào thực hiện các sứ mệnh của LHQ, là cầu nối và là một ví dụ điển hình để nhiều quốc gia có thể soi chiếu.

Thực hiện chủ trương tại Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam tiếp tục coi trọng và tăng cường hợp tác với LHQ; kiên định độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; nỗ lực phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải trong các vấn đề quốc tế trong điều kiện cho phép; tiếp tục thúc đẩy hợp tác đa phương, hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, để cùng tìm giải pháp lâu dài cho xử lý các thách thức an ninh và phát triển trên thế giới.

Với sự chủ động, tích cực của mình, chắc chắn rằng Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp hiệu quả tại các diễn đàn, hoạt động của LHQ và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa LHQ và Việt Nam./.
 
B.N