Vào cuối tháng 8/2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên tại Việt Nam. Giới quan sát nhận xét, chuyến thăm của bà Harris cùng với hàng loạt động thái mới của Mỹ cho thấy mối quan hệ hai nước đang đứng trước rất nhiều triển vọng, hứa hẹn hợp tác song phương sẽ đi vào chiều sâu và thực chất hơn nữa, nâng lên tầm cao mới.
Những bước tiến đáng kể trong quan hệ Việt - Mỹ
Theo thông báo của Nhà Trắng, chuyến công du châu Á của Phó Tổng thống Harris vào cuối tháng 8/2021 góp phần tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác kinh tế giữa Washington và các đối tác quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Những bước tiến đáng kể trong quan hệ Việt - Mỹ
Theo thông báo của Nhà Trắng, chuyến công du châu Á của Phó Tổng thống Harris vào cuối tháng 8/2021 góp phần tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác kinh tế giữa Washington và các đối tác quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Với Việt Nam, một trong hai quốc gia Đông Nam Á được nhắc đến trong Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, càng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Mỹ trong tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Joe Biden, tạo cơ hội thuận lợi cho Việt Nam nâng cao thế và lực trên trường quốc tế.
Nhà Trắng cũng cho biết, trong vài thập niên qua, mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể. Hai bên đang hợp tác trong nhiều vấn đề, từ quan hệ kinh tế đến đối phó với đại dịch Covid-19 và chuẩn bị cho các mối đe dọa an ninh y tế trong tương lai, chống biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả chiến tranh…
Về thương mại, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa hai nước được nhận xét là “củng cố cho nhau”, trong đó “nền kinh tế sôi động của Việt Nam là rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng mà các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào”. Sự tương hỗ này càng được thể hiện rõ nét khi nền kinh tế thế giới đối mặt với thách thức do COVID-19 gây ra.
Về an ninh, mối quan hệ giữa hai nước “đã mở rộng đáng kể” với việc Washington ủng hộ độc lập và chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải.
Về y tế, Mỹ và Việt Nam đã nâng cao năng lực phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm thông qua quan hệ đối tác trong Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu”.
Về giáo dục, gần 30.000 người Việt Nam đang học tập tại Mỹ, đóng góp gần 1 tỉ USD (khoảng 22.800 tỉ đồng) cho nền kinh tế nước sở tại.
Về hoạt động nhân đạo, Mỹ đã mở văn phòng của Phái đoàn Hòa bình - sáng kiến hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội quốc tế do cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy sáng lập chỉ hơn 1 tháng sau khi nhậm chức năm 1961 - tại Hà Nội.
Nhà Trắng nhấn mạnh rằng chuyến công du của bà Harris“thể hiện cam kết sâu sắc của Mỹ, không chỉ đối với khu vực, mà cả với quan hệ Mỹ-Việt”. Khi gặp gỡ các lãnh đạo Việt Nam, bà Harris luôn tái khẳng định cam kết của Mỹ về “một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập”, cũng như về “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, lành mạnh và kiên cường”.
Tăng cường quan hệ đối tác toàn diện
Trong khuôn khổ chuyến thăm của bà Harris, Nhà Trắng đã phát đi thông điệp tăng cường Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ. Washington cũng nêu rõ những lĩnh vực mà hai nước có thể tăng cường hợp tác nhằm xây dựng mối quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn.
Trước hết, Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam và khu vực chống dịch COVID-19. Hợp tác chống dịch COVID-19 và các vấn đề an ninh y tế được nêu lên đầu tiên. Trong chuyến thăm, Phó Tổng thống Harris đã củng cố cam kết của Mỹ về việc dẫn dắt cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu, thông báo các khoản ủng hộ vaccine mới cho Việt Nam, hỗ trợ phân phối vaccine.
Theo đó, Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer - loại vaccine duy nhất đã được cấp phép đầy đủ tại Mỹ, nâng tổng số liều vaccine Mỹ tài trợ cho Việt Nam kể từ đầu dịch lên 6 triệu liều. Các chương trình hỗ trợ phát triển của Mỹ sẽ hỗ trợ thêm 23 triệu USD cho Việt Nam cho công tác tiêm chủng và phòng chống COVID-19. Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam 77 tủ cấp đông lạnh sâu để tăng cường năng lực bảo quản vaccine trong cả nước. Mỹ cũng hỗ trợ hai Trung tâm Điều hình tình trạng khẩn cấp y tế công cộng khu vực hoạt động 24/7 để hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam thu thập và chia sẻ dữ liệu giám sát dịch bệnh.
Bà Harris đã cùng lãnh đạo Việt Nam và quan chức y tế các nước trong khu vực tham dự lễ khai trương văn phòng khu vực của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Hà Nội. Văn phòng “sẽ thúc đẩy an ninh y tế toàn cầu bằng cách duy trì sự hiện diện bền vững trong khu vực, cho phép ứng phó nhanh và hiệu quả trước các mối đe dọa về y tế và củng cố sứ mệnh cốt lõi của CDC là bảo vệ con người”.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Mỹ cam kết tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế và ngoại giao song phương giữa hai nước.
Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, Phó Tổng thống Harris nhấn mạnh các nỗ lực của Chính quyền Biden-Harris nhằm thúc đẩy tăng trưởng và cơ hội kinh tế. Mỹ đã làm sâu sắc thêm các mối quan hệ kinh tế của mình với tư cách là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và thị trường xuất khẩu hàng đầu trên toàn thế giới.
Trong lĩnh vực thương mại, chính quyền Biden xem Việt Nam là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Đó là một lĩnh vực trọng tâm của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết, với mong muốn xây dựng mối quan hệ kinh tế bền vững có chiều sâu, tin cậy lẫn nhau, Mỹ sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận công nghệ mới, mở rộng thị trường và hội nhập tốt hơn với các nước khu vực và thế giới.
Hiện nay, Mỹ đang hỗ trợ Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy vai trò của phụ nữ và người dân tộc thiểu số, hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế số.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang thuyết phục Việt Nam giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ, nhất là hàng nông sản khi Việt Nam là nước nhập khẩu nông sản Mỹ nhiều thứ 7 thế giới.
Mỹ cam kết“đầu tư vào quan hệ song phương” với Việt Nam trên cơ sở mối quan hệ đối tác toàn diện hiện có giữa hai nước. Trong chuyến thăm của bà Harris, Mỹ đã thành lập Phái đoàn Hòa bình tại Việt Nam - kết thúc 17 năm đàm phán. Chương trình đầu tiên của Phái đoàn Hòa bình Việt Nam sẽ bắt đầu từ năm 2022.
Đặc biệt, Phó Tổng thống Harris đã tham dự lễ ký kết thỏa thuận thuê đất xây dựng Khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ mới ở Hà Nội. Với cảm hứng từ Vịnh Hạ Long, thắng cảnh danh tiếng của Việt Nam, Khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ mới sẽ là biểu tượng cho tương lai của mối quan hệ đối tác giữa hai nước. Nhà Trắng nhấn mạnh rằng, bước tiến này sẽ giúp Washington tiếp tục phát triển quan hệ với Việt Nam trong tầm nhìn 25 năm, hoặc hơn.
Quan hệ Mỹ-Việt tiếp tục được khẳng định bằng việc vượt qua trở ngại trong quá khứ, củng cố hợp tác an ninh. Nhà Trắng nhấn mạnh rằng, Việt Nam và Mỹ “đã vượt qua một quá khứ đầy khó khăn để trở thành đối tác đáng tin cậy”, biểu hiện rõ nét qua các hợp tác giải quyết các vấn đề do chiến tranh.
Mỹ cam kết cung cấp thêm 17,5 triệu USD cho công tác rà phá bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh cũng như các dự án hỗ trợ người khuyết tật do hậu quả của chiến tranh giúp người khuyết tật cải thiện cuộc sống và hòa nhập với xã hội với tổng kinh phí 4 triệu USD.
Về hợp tác an ninh, Mỹ nhấn mạnh sự ủng hộ Việt Nam tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển và đảm bảo an ninh hàng hải. Hai nước đã “khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác an ninh cấp cao”, thúc đẩy các hoạt động nhân đạo trên biển và các chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ, kể cả tàu sân bay, tới Việt Nam.
Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ phát triển lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Trong đó, Mỹ sẽ xem xét khả năng cung cấp cho Việt Nam chiếc tàu tuần duyên thứ ba. Trước đó, Mỹ đã chuyển giao hai tàu tuần duyên lớp Hamilton cho Việt Nam. Bên cạnh đó, hai nước cũng đã cam kết thiết lập cơ chế trao đổi về chấn thương y tế giữa lực lượng vũ trang hai nước nhằm mở rộng năng lực ứng phó thảm họa và vấn đề nhân đạo, đồng thời hợp tác thúc đẩy chăm sóc cho binh lính, cựu chiến binh và người dân của Việt Nam.
Mỹ và Việt Nam cũng không ngừng tăng cường hợp tác trong vấn đề chống biến đổi khí hậu. Phó Tổng thống Harris và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã “nhất trí về tầm quan trọng của việc chống khủng hoảng khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu và hợp tác hướng tới một tương lai năng lượng sạch”. Các trọng tâm hợp tác trong lĩnh vực này là tăng cường vai trò của khu vực tư nhân, mở rộng sử dụng năng lượng sạch và xe điện, đẩy mạnh nông nghiệp thông minh và phù hợp với khí hậu.
Đặc biệt, Washington sẽ hợp tác với các đối tác, khởi động một chương trình bảo tồn ở sông Mekong. Thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Washington đã khởi động dự án Bảo tồn Biển đồng bằng sông Cửu Long với ngân sách 2,9 triệu USD kéo dài 3 năm. Mục tiêu của dự án là bảo vệ sinh cảnh ven biển trọng điểm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới đánh bắt thủy hải sản bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai nước sẽ đẩy nhanh phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu.
Ngoài ra, Mỹ và Việt Nam còn cam kết hợp tác đảm bảo các hoạt động không gian“có trách nhiệm và bền vững”.
Cùng với đó, USAID cũng công bố chương trình Đối tác về Cải cách giáo dục đại học - dự án kéo dài 5 năm, tổng kinh phí 14,2 triệu USD, nhằm tăng cường giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới và quản trị trong ba trường đại học quốc gia lớn nhất Việt Nam, cũng như cung cấp các cơ hội được hỗ trợ tài chính cho sinh viên Việt Nam.
Có thể thấy, trong 26 năm qua, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã ghi nhận những thành quả ấn tượng, góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc, thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới. Mối quan hệ Việt - Mỹ không chỉ ngày càng trở nên nồng ấm, có chiều sâu mà còn ngày càng mang tính chiến lược./.
Thu Hường