Nghị quyết 02/2021: Tiếp nối ‘sức nóng’ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh

|

Nghị quyết 02/2021: Tiếp nối ‘sức nóng’ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh

Ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Theo các chuyên gia nhận định, Nghị quyết 02 năm 2021 dù ngắn gọn hơn nhiều so với các Nghị quyết 19 và 02 trước đây, nhưng vẫn giữ được“ngọn lửa” cải cách, thậm chí còn mạnh mẽ hơn.

Cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam: Những tiến bộ vượt bậc

Từ năm 2014, hàng năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (những năm đầu là Nghị quyết 19 và từ năm 2019 là Nghị quyết 02 với các mục tiêu, giải pháp ngày càng cụ thể. Các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 của Chính phủ đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương; sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, sự tham gia của toàn xã hội. Qua đó, đã góp phần cải thiện thêm một bước thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tháo gỡ được nhiều rào cản khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân.

 
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Với việc triển khai các nghị quyết này hàng năm, hàng nghìn rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh đã được dỡ bỏ; nhiều yếu tố, vấn đề về xã hội, quản lý, quản trị liên quan tới chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia được chú trọng chỉ đạo giải quyết. Thứ hạng của Việt Nam trong tất cả các bảng xếp hạng quan trọng của quốc tế đều được cải thiện. Phần lớn các chỉ số được đánh giá định kỳ từ một đến hai năm của các tổ chức quốc tế đều ghi nhận rõ sự tiến bộ về điểm số tuyệt đối và cải thiện thứ hạng của Việt Nam. Thứ hạng môi trường kinh doanh tại Việt Nam tăng mạnh qua các năm, từ thứ 90 năm 2015 lên thứ 70 năm 2019, tăng 20 bậc. Xếp hạng Năng lực cạnh tranh quốc gia cũng được tăng hạng hàng năm. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 55. Từ năm 2018, xếp hạng năng lực cạnh tranh được đổi thành Năng lực cạnh tranh 4.0, với các tiêu chí được điều chỉnh cho phù hợp với mức độ sẵn sàng của nền sản xuất mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam đứng thứ 77. Một năm sau, vị trí của Việt Nam đã tăng 10 bậc, lên thứ 67. Năng lực cạnh tranh du lịch tăng 12 bậc, từ thứ 75 năm 2015 lên thứ 63 năm 2019. Xếp hạng Hiệu quả logistics tăng 25 bậc, từ thứ 64 năm 2016 lên thứ 39. Xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 17 bậc, từ thứ 59 năm 2016 lên thứ 42 năm 2020.

Trong các bộ chỉ số, các bảng xếp hạng quốc tế, có không ít chỉ số, tiêu chí cụ thể của Việt Nam đã ghi nhận những tiến bộ vượt bậc như: Tiếp cận điện năng tăng 81 bậc, từ thứ 108 (năm 2015) lên thứ 27 (năm 2019), đạt mức xếp hạng cao nhất từ trước đến nay; Nộp thuế và BHXH tăng 59 bậc, từ thứ 168 (năm 2015) lên thứ 109 (năm 2019); Ứng dụng CNTT tăng 54 bậc, từ thứ 95 (năm 2015) lên thứ 41 (năm 2019)… Đặc biệt, xếp hạng về phát triển bền vững tăng 34 bậc, từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020. Đây là bộ chỉ số được Liên hợp quốc xây dựng, đánh giá dựa trên các tiêu chí bám sát 17 nhóm mục tiêu phát triển bền vững (với 169 mục tiêu cụ thể).

Năm 2020, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các nỗ lực thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP không hề giảm, thậm chí nhiều nhiệm vụ đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn (như dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...). Cộng đồng doanh nghiệp trong nước ghi nhận tích cực những kết quả, tiến bộ trong thực hiện nghị quyết này.

Kết quả điều tra 10.000 doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy: 81,3% doanh nghiệp cho biết “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” (tỷ lệ này năm 2016 là 67,4%); 73,6% doanh nghiệp nhận thấy“cán bộ nhà nước thân thiện” trong quá trình giải quyết thủ tục (năm 2016 chỉ là 59%); 57,5% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh thuận lợi (năm 2017 là 51,7%); 53,6% doanh nghiệp cho biết mức chi trả không chính thức giảm rõ rệt (năm 2016 là 59,3%)…

Bên cạnh những kết quả quan trọng đáng khích lệ, vẫn còn không ít những chỉ tiêu cụ thể mà điểm tuyệt đối và thứ hạng của Việt Nam còn thấp và hầu như không được cải thiện về thứ bậc như: Giải quyết phá sản doanh nghiệp đứng thứ 122; rào cản phi thuế quan 121; bảo vệ hệ sinh thái bền vững 110; đăng ký tài sản 106; bảo vệ sở hữu trí tuệ 105; kết nối hạ tầng đường bộ 104; đơn giản hóa và cắt giảm 50% ĐKKD nhưng trong đó phần lớn là đơn giản hóa, số cắt giảm chỉ 10%...

Thực tế những năm qua cho thấy, Bộ, ngành nào chủ động, quyết tâm thì các chỉ số được cải thiện rõ ràng hơn (điển hình là điện lực, bảo hiểm xã hội, xây dựng). Thời gian tới, việc cải thiện vị trí ngày càng khó và đòi hỏi nỗ lực cao hơn vì các quốc gia, nền kinh tế khác cũng rất chú trọng công tác này. Mặt khác, nhiều tiêu chí, chỉ số không chỉ đơn thuần liên quan tới quy định, thủ tục hành chính có thể nhận diện, sửa đổi hoặc bãi bỏ ngay mà còn phải sửa luật và ngày càng có nhiều chỉ số phải nỗ lực liên tục trong một số năm mới có thể cải thiện được, nhất là liên quan tới hạ tầng, nhân lực và các yếu tố xã hội.

Tập trung cao độ 7 nhóm chỉ tiêu, 4 nội dung trọng tâm, ưu tiên thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia

Nghị quyết 02 năm 2021 đề ra thông điệp của Chính phủ là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục bởi đứng yên hoặc cải cách chậm hơn sẽ bị bỏ lại phía sau.


So với các Nghị quyết trước đây, Nghị quyết 02/2021 được xây dựng ngắn gọn hơn rất nhiều, khẳng định tiếp tục thực hiện đồng bộ tất cả các mục tiêu giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 02/CP năm 2019 và năm 2020; đồng thời đặt trọng tâm vào một số nhóm chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể cần tập trung cao độ để chỉ đạo thực hiện nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh tới các tiêu chí khác. Đó là 7 nhóm chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, bao gồm: Cấp phép xây dựng, Đăng ký tài sản, Giải quyết tranh chấp hợp đồng, Giải quyết phá sản doanh nghiệp, Chất lượng quản lý hành chính đất đai, Ứng dụng công nghệ thông tin, Chất lượng đào tạo nghề.

Cùng với đó là 10 chỉ tiêu cụ thể về năng lực cạnh tranh 4.0 và đổi mới sáng tạo, bao gồm: Chất lượng hành chính đất đai, Chất lượng đào tạo nghề, Kỹ năng của sinh viên, Rào cản phi thuế quan, Đăng ký phát minh sáng chế, Kiểm soát tham nhũng, Mức độ tiếp cận CNTT, Mức độ tham gia giao dịch trực tuyến, Cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức, Môi trường trong bền vững sinh thái.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh 4 bốn nội dung trọng tâm trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. Thứ nhất, tập trung khắc phục bằng được những yếu kém, hạn chế trong việc kết nối, phối hợp giữa các cơ quan; làm rõ hơn vai trò cơ quan đầu mối cho từng nhóm chỉ tiêu, từng chỉ tiêu; phân định và quy trách nhiệm rõ ràng hơn cho từng cơ quan.

Thứ hai, tập trung chỉ đạo chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt“Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; đảm bảo thiết thực, hiệu quả gắn với các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng với nền sản xuất mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là một trong những điểm mới của Nghị quyết 02 năm nay. Trong đó, tập trung thực hiện: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân (như các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội); đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước; xây dựng và triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Đây là một trong những điểm mới của Nghị quyết 02 năm nay. Các chuyên gia nhận định, điều này rất phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra đã làm tăng sức ép cũng như tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, số hoá của cả Chính phủ và doanh nghiệp.

Thứ ba, có chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, bước đi cụ thể, kiên trì để tạo chuyển biến vững chắc đối với các tiêu chí có tính chất nền tảng, nhưng rất khó cải thiện trong thời gian ngắn như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều, phát triển kinh tế-xã hội, văn hoá vùng núi, vùng sâu, vùng xa…; phấn đấu giữ vững và cải thiện thứ hạng phát triển bền vững đồng thời phát triển nhanh cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.

Thứ tư, tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng đối với cải cách và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam; là năm đầu thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025; là năm đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Thành công của năm 2021 về cải cách và phát triển kinh tế - xã hội sẽ tạo tiền đề và khích lệ mạnh mẽ cho các năm tiếp theo./.


 
TS. Đỗ Ngọc Trâm
Học viện Ngân hàng