Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang bị ảnh hưởng những trở lực nhất định của bảo hộ mậu dịch, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) với mục tiêu tự do hóa thương mại đầu tư và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam sẽ góp phần tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại. Dự kiến hiệp định sẽ được ký kết trong năm nay và được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều cơ hội cho Việt Nam.
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP)
Hiệp định RCEP được khởi động vào năm 2012 theo sáng kiến của ASEAN nhằm khuyến khích thương mại giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác ban đầu là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Tuy nhiên, đến tháng 11/2019, Ấn Độ tạm đứng ngoài Hiệp định, đã làm giảm số lượng các quốc gia đàm phán RCEP từ 16 xuống còn 15 quốc gia. Đến nay, Hiệp định RCEP đã trải qua nhiều vòng đàm phán và đang bước vào giai đoạn cuối với dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay.
Mục tiêu của Hiệp định RCEP là sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Các nội dung đàm phán của Hiệp định RCEP bao gồm: Thương mại hàng hóa; thương mại dịch vụ; đầu tư; hợp tác kinh tế - kỹ thuật; sở hữu trí tuệ; giải quyết tranh chấp; thương mại điện tử; doanh nghiệp vừa và nhỏ và một số vấn đề khác.
Những điểm thuận lợi trong Hiệp định RCEP có thể kể đến như: Các chương dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp khi đưa ra các quy trình rộng rãi cho hợp tác kinh tế và kỹ thuật giữa các nước vì sự thịnh vượng chung. RCEP có tiềm năng đóng vai trò là hiệp định thiết lập tiêu chuẩn thương mại khu vực, khi các quy tắc mà hiệp định giải quyết có thể sẽ trở thành ngưỡng chuẩn và tiền lệ pháp lý cho các thỏa thuận thương mại trong tương lai ở châu Á và hơn thế nữa. Ngoài ra, RCEP có thể tạo điều kiện cho các quốc gia có nền kinh tế nhỏ hơn so với nền kinh tế của các quốc gia khác trong khu vực ASEAN tăng cường hơn nữa vào FTA và giảm khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN
Hiệp định RCEP được ký kết và đi vào thực thi sẽ là FTA lớn nhất thế giới khi bao trùm một thị trường khổng lồ với 15 quốc gia chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỷ USD, tăng trưởng GDP của 15 nước thành viên RCEP ước tính sẽ đạt 137 tỷ USD. Theo các chuyên gia, với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác
Cơ hội cho Việt Nam
Hiệp định RCEP được xác định là nội dung ưu tiên trong chiến lược hội nhập của Việt Nam. Hiện, Việt Nam đã có một số ký kết riêng trong từng nước là thành viên của Hiệp định RCEP như: Hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, Hàn Quốc... Sau khi Hiệp định RCEP được ký kết và đi vào thực thi, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về tham gia vào hội nhập sâu, rộng vào cả 3 hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP).
Tham gia hiệp định RCEP giao thương của Việt Nam với các đối tác trong hiệp định RCEP sẽ ngày càng rộng mở. Nhiều cơ hội mới dự kiến sẽ mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặt biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ tiếp cận thuận lợi hơn nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu. Đơn cử, Việt Nam có thể nhập khẩu chip điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc; nhập nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc để sản xuất trong nước và xuất khẩu đi nước khác, đồng thời thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan.
Theo các chuyên gia, RCEP là khu vực tạo điều kiện lớn nhất cho Việt Nam tận dụng các ưu đãi thuế quan nội khối, do đó doanh nghiệp Việt Nam có thể kỳ vọng Hiệp định sẽ giúp ưu đãi thuế quan được cải thiện hơn nữa, quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn. Các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng kỳ vọng một số thị trường dịch vụ sẽ mở hơn, đặc biệt là dịch vụ logistics, viễn thông...; nền tảng thương mại điện tử tốt hơn, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, cạnh tranh hơn…
RCEP cũng đem lại cho Việt Nam một thị trường có mức sống, kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với nhu cầu tiêu dùng rất lớn mà đòi hỏi không quá cao về chất lượng sản phẩm như khi tham gia vào CPTPP hay EVFTA... Hiện, các thị trường trong khối RCEP đang bao trùm gần như toàn bộ chuỗi sản xuất của nhiều loại hàng Việt Nam có thế mạnh như: Sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến… Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng hơn nữa thị trường, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp tới thị trường các nước thành viên RCEP.
Cùng với việc mở ra một thị trường tiêu dùng rộng lớn, Hiệp định RCEP sẽ giúp Việt Nam giảm chi phí giao dịch, tạo dựng môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành, áp dụng các quy định trong khuôn khổ các FTA khác nhau của ASEAN. Đồng thời, góp phần tăng cường hợp tác kỹ thuật và vị thế của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp về thương mại và đầu tư.
Tham gia hiệp định RCEP là phù hợp với chủ trương của Việt Nam về tăng cường hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, gắn liền với những cải cách trong nước mạnh mẽ và toàn diện hơn. RCEP được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội mới cho Việt Nam để tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị và sản xuất của khu vực.
Tham gia RCEP đi kèm với cơ hội là những thách thức mà Việt Nam cần chuẩn bị để vượt qua. Cụ thể, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đối với một số sản phẩm nông thủy sản và công nghiệp, tuy nhiên chủ yếu là sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp, chất lượng chưa cao. Bên cạnh đó, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam khá tương đồng với một số đối tác lớn tham gia RCEP sẽ là một bất lợi. Việc xuất khẩu sang các nước đối tác cũng ngày một khó khăn hơn, khi các nước đặt những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ cạnh tranh với Việt Nam trong cung cấp hàng dệt, thực phẩm chế biến và thức ăn gia súc sang Hàn Quốc, gạo và hàng may mặc sang Nhật Bản.
Thách thức nữa của Việt Nam là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ chuyên nghiệp sang các nước RCEP khá hạn chế, do chênh lệch về nguồn nhân lực giữa Việt Nam với các nước trong Hiệp định RCEP; dịch vụ ngân hàng sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ các nước RCEP, điểm yếu chính của dịch vụ tài chính Việt Nam là chất lượng dịch vụ, thương hiệu và uy tín, kinh nghiệm và trình độ quản lý, áp dụng công nghệ tại các tổ chức tài chính đều còn hạn chế.
Ngoài ra, việc tận dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Lo ngại từ nguy cơ xáo trộn, chuyển hướng thương mại, đặc biệt ở các thị trường mà các đối tác chưa có FTA cũng đặt ra cho Việt Nam.
Giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng những lợi ích khi hiệp định RCEP được ký kết
Tham gia vào RCEP, Việt Nam đã tham gia vào sân chơi thương mại toàn cầu luôn đan xen cả cơ hội và thách thức, chỉ những doanh nghiệp với sự chuẩn bị tốt mới có cơ hội thành công. Để có thể tận dụng những lợi ích mà RCEP đem lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp như
Một là, sự phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước và doanh nghiệp là điều kiện then chốt để tận dụng tối đa những lợi ích của RCEP phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới.
Hai là, các doanh nghiệp cần tập trung tăng cường năng lực cạnh tranh, khắc phục những điểm yếu về tính không chuyên nghiệp, không đồng đều về mặt chất lượng, quy trình sản xuất... Trong đó, tập trung đầu tư vào công nghệ, phát triển các sản phẩm chiến lược phù hợp, đồng thời tận dụng hợp tác phát triển với các nước thành viên trong RCEP.
Ba là, chú trọng tận dụng hiệu quả những lợi ích của Chứng nhận xuất xứ (C/O) trong xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Trung Quốc. Bốn là, cần tìm hiểu thông tin về những lợi ích và thách thức doanh nghiệp có thể gặp phải khi tham gia vào Hiệp định. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra được các sản phẩm có chất lượng cao với chi phí hợp lý có thể cạnh tranh với các mặt hàng tương đồng của các nước trong RCEP./.
ThS. Trần Thị Anh
Đại học Công nghiệp Hà Nội