Với việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ - tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile Money) hứa hẹn sẽ đem lại công nghệ thanh toán vượt xa những cách thức hiện tại, tạo ra bước ngoặt cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Thị trường nhiều tiềm năng
Bước sang thế kỷ XXI, thế giới đã chứng kiến sự phát triển, đổi mới không ngừng của công nghệ thông tin và viễn thông, đặc biệt là sự bùng nổ về thông tin di động với độ phổ biến của điện thoại di động. Khi điện thoại di động ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn, nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng thiết bị này để thực hiện các giao dịch tiền tệ. Hình thức thanh toán qua điện thoại di động (Mobile Money) được ra đời nhằm lấp đầy những khoảng trống cho hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán những giao dịch có giá trị nhỏ của người dân.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Theo Hiệp hội thông tin di động thế giới (GSMA), Mobile Money được định nghĩa là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. Mobile Money bao gồm các dịch vụ chi trả di động, chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua điện thoại di động… và những dịch vụ tương tự. Về bản chất Mobile Money tương tự như Ví điện tử (cũng là một dạng tiền điện tử e–money), nhưng khác so với Mobile Banking (dịch vụ ngân hàng qua di động) ở chỗ Mobile Banking là công cụ của ngân hàng, kết nối với tài khoản khách hàng để thực hiện các dịch vụ truyền thống như gửi tiền, cho vay, thanh toán... Trong khi, Mobile Money có thể không kết nối với tài khoản ngân hàng, chủ yếu để thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền với giá trị giao dịch nhỏ. Đây là dịch vụ dành cho những người nghèo không có tài khoản ngân hàng để giúp họ có thể tiếp cận với những dịch vụ tài chính cơ bản, góp phần xóa đói giảm nghèo. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, dịch vụ Mobile Money được triển khai sẽ giúp nhà mạng có thể đưa dịch vụ thanh toán điện tử mau chóng đến với 100% người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tới 0,5%.
Hiện nay, Mobile Money đã có mặt và phát triển tại 95 quốc gia trên thế giới, với hơn 1 tỷ tài khoản được đăng ký, chiếm 1/7 dân số thế giới. Tổng giá trị giao dịch mỗi ngày thông qua Mobile Money khoảng 1,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm, riêng châu Á tăng trưởng 31%. Thậm chí, tại một số nước, tỷ lệ người dân sử dụng Mobile Money đã đạt trên 50%. Theo dự báo của các tổ chức nghiên cứu thị trường tiền tệ trên thế giới, quy mô thị trường Mobile Money toàn cầu dự kiến đạt 12 tỷ USD vào năm 2024, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 28,7% trong giai đoạn này. Số lượng thuê bao di động ngày càng tăng đang thúc đẩy sự tăng trưởng vững chắc của thị trường Mobile Money.
Trên thế giới, chính phủ các nước đang thúc đẩy phát triển nền kinh tế không tiền mặt để gây dựng thị trường Mobile Money. Hai ứng dụng Mobile Money mà khách hàng sử dụng nhiều nhất theo thứ tự là: chuyển tiền và thanh toán. Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương là hai khu vực có mức tăng trưởng Mobile Money cao nhất thế giới, nhờ dân số đông, sự tăng trưởng vượt bậc số lượng người dùng smart phone và chủ động trong việc ứng dụng các giải pháp triển khai Mobile Money. Theo GSMA, năm 2019, Mobile Money tại hai khu vực này đạt 158 triệu tài khoản, tăng gần 24%, trong đó, có 60 triệu tài khoản dùng duy trì thường xuyên, tăng 29% so với năm trước. Số lượng và giá trị giao dịch qua phương thức này tăng lần lượt 53% và 41,5% so với năm 2018.
Tại Việt Nam, Mobile Money là dịch vụ tương đối mới, tuy nhiên, có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai xét về cả phía cung và cầu. Theo đó, về phía cung, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến cuối năm 2019, Việt Nam có 125 triệu thuê bao đi động, trong đó số điện thoại di động băng rộng 3G và 4G là hơn 61,3 triệu thuê bao. Mạng điện thoại di động đã được phủ kín tới hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Với 43,7 triệu người dùng điện thoại thông minh, chiếm 45% dân số năm 2019, Việt Nam đang ở mức trung bình trong khu vực, cao hơn so với Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Thái Lan. Mặt khác, Việt Nam cũng thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người dùng mạng internet cao với 70,3%, tương ứng 68,5 triệu người dùng năm 2019. Đây là tiềm năng lớn để phát triển Mobile Money cũng như thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Về phía cầu, còn rất nhiều dư địa để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2019, mới có khoảng 63,7% người lớn (trên 15 tuổi) có tài khoản ngân hàng. Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam năm 2019 là 11,33% (giảm 0,45% so năm 2018), phải phấn đấu quyết liệt mới có thể đạt mục tiêu khoảng 10% cuối năm 2020 theo định hướng Chính phủ. Tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông/GDP của Việt Nam năm 2019 là 20,2%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Với 2 đặc điểm chính là tính phổ cập và thanh toán giá trị nhỏ, Mobile Money tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần cùng hệ thống ngân hàng và các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt khác cung ứng đầy đủ các phương tiện thanh toán cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện (Financial Inclusion). Đây cũng là một trong các mục tiêu trọng tâm của Chính phủ tại Chiến lược phát triển tài chính toàn diện đã được ban hành tháng 1/2020.
Cơ hội cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt
Hiện nay, tại Việt Nam, Chính phủ đã cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Theo đó, đối tượng tham gia cung ứng dịch vụ này là các doanh nghiệp viễn thông đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử, gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone)… Đối tượng khách hàng là cá nhân có thông tin chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký SIM thuê bao di động và SIM thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt, sử dụng liên tục từ 6 tháng trở lên.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Mobile Money được triển khai sẽ là một cú hích với thanh toán không tiền mặt. Mục tiêu chính của Mobile Money là tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính toàn diện không sử dụng tiền mặt cho các đối tượng là người dân nghèo, người yếu thế ít có khả năng sử dụng các phương tiện tài chính hiện đại (như thẻ ngân hàng, ứng dụng mobile banking). Các đối tượng này có cả ở khu vực nông thôn lẫn thành thị. Thực tế ở Việt Nam, mặc dù số lượng người có tài khoản ngân hàng là khá lớn (chiếm 63,7% người trưởng thành, phân bổ cả ở thành thị và nông thôn), tuy nhiên, rất nhiều người chỉ sử dụng được tính năng cơ bản như rút tiền (công nhân tại các khu công nghiệp) mà không sử dụng được các tiện ích khác như thanh toán, chuyển tiền do không có phương tiện và kỹ năng ứng dụng (không có điện thoại thông minh để sử dụng ứng dụng mobile banking, không biết sử dụng app...). Chính vì vậy, Mobile Money là một phương tiện thanh toán khả thi nhất cho những đối tượng này. Mobile Money sẽ góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng, đây là một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện, thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch. Theo đó, khách hàng chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các đại lý, điểm giao dịch gần nhất và không bị giới hạn về thời gian, địa điểm giao dịch. Dịch vụ Mobile Money khi được cung cấp sẽ góp phần thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến hiện nay. Điều này góp phần làm tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng chủ trương của Chính phủ, đồng thời mang lại lợi ích rất lớn cho người dân.
Cục Viễn thông - Bộ TT&TT đánh giá, Mobile Money sẽ giúp thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tài chính toàn diện đến những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những khu vực mà hệ thống tài chính, ngân hàng chưa phát triển, nơi mà người dân chưa hoặc không có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Do đó, việc tận dụng hạ tầng viễn thông được kỳ vọng sẽ giúp giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Qua đó, góp phần nâng mức sống người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Viện Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cũng cho rằng việc thí điểm Mobile Money là cách để giúp Việt Nam phát triển nền kinh tế số, các dịch vụ thương mại điện tử và tài chính công nghệ (Fintech). Đồng thời, triển khai Mobile Money hỗ trợ phát triển mục tiêu tài chính toàn diện của Chính phủ bởi tất cả những người dân ở nông thôn hay các địa bàn vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận Mobile Money qua mạng viễn thông.
Bên cạnh việc đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, Mobile Money cũng giúp các doanh nghiệp viễn thông tận dụng được mạng lưới viễn thông, các điểm giao dịch rộng khắp cả nước để phát triển và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng. Do vậy, doanh nghiệp viễn thông có thể mở rộng dư địa để tăng doanh thu và nâng cao khả năng cạnh tranh. Theo ước tính, Mobile Money là cơ hội mang lại cho các nhà mạng doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm. Tính toán cho thấy, cả nước có trên 125 triệu thuê bao di động, nếu 30% số thuê bao này sử dụng dịch vụ Mobile Money và chi tiêu 10 triệu đồng/tháng, thì dòng tiền chảy qua Mobile Money có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng/tháng. Còn nếu mỗi chủ tài khoản chỉ chi tiêu 100.000 đồng/tháng, con số này cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện, cả ba nhà mạng lớn là VNPT, MobiFone và Viettel đều đã sẵn sàng cho việc cung cấp dịch vụ Mobile Money. Theo đó, VNPT đã hoàn thiện toàn bộ giải pháp công nghệ, kỹ thuật với hệ sinh thái dịch vụ VNPT, sẵn sàng cung cấp Mobile Money ngay khi được cấp phép với nhiều tiện ích, từ giải ngân các khoản vay, tài trợ cho người dân cho đến thanh toán các dịch vụ thiết yếu, vận chuyển, dịch vụ công... Hiện VNPT có hơn 100.000 điểm bán trên toàn quốc có thể cung cấp ngay dịch vụ này. Khách hàng có thể thực hiện mọi giao dịch thanh toán ngay trên di động một cách đơn giản, tiện lợi và hiệu quả nhất cho các dịch vụ thường xuyên giá trị thấp. Ðiều này đồng nghĩa với việc người dùng sẽ tiết kiệm được thời gian, mang lại các giá trị thiết thực cho cả doanh nghiệp và người dân. Không những vậy, người dùng còn tận hưởng được nhiều ưu đãi hấp dẫn khác trong hệ sinh thái tài chính số mà VNPT xây dựng và cung cấp. Với những nỗ lực trên, VNPT hy vọng các giải pháp thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt này sẽ góp phần thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử và phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam.
Nhà mạng MobiFone cũng đã đầu tư, chuẩn bị mọi phương diện để sớm có thể cung cấp dịch vụ mobile money tới người dùng. Với việc sở hữu hàng chục nghìn điểm giao dịch rộng khắp cả nước, MobiFone có thể phát triển và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, dịch vụ, đối tượng khách hàng, nhất là các khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng để tiếp cận với một dịch vụ thanh toán hiện đại như Mobile Money. Mobile Money sẽ là một phần quan trọng trong tổng thể chiến lược của MobiFone nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng lĩnh vực kinh doanh ngoài viễn thông, phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử, thanh toán, tài chính…
Tập đoàn Viettel cũng cho biết đã chuẩn bị mọi nguồn lực như hạ tầng công nghệ, mạng lưới kênh, nguồn nhân lực… để sẵn sàng triển khai Mobile Money ngay khi được cấp phép. 70 triệu khách hàng viễn thông của Viettel, tương đương gần 70% dân số Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng ngay những tính năng, tiện ích của dịch vụ này. Hơn 200 nghìn điểm giao dịch và chấp nhận thanh toán từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Viettel có thể đảm bảo ở đâu có sóng viễn thông, người dùng ở đó có thể sử dụng Moblie Money.
Ngân hàng nhà nước đánh giá, mạng lưới của các công ty viễn thông sẽ hỗ trợ việc cung cấp giải pháp tài chính toàn diện đến người dân, phổ cập nhanh hiệu quả với chi phí thấp hơn. Đồng thời, ứng dụng này sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận khách hàng mà không phải mở rộng mạng lưới, chính nhánh/phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Có thể nói, cơ hội mang lại từ Mobile Money là rất lớn, song cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo an toàn giao dịch, bảo mật thông tin, tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là việc quản lý dòng tiền khi triển khai dịch vụ này. Theo các chuyên gia kinh tế, để triển khai Mobile Money có hiệu quả, cũng như phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra phải có biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao cập nhật thường xuyên. Theo đó, các nhà mạng và các doanh nghiệp triển khai Mobile Money cần đầu tư hạ tầng công nghệ; đặc biệt lưu ý đến các công nghệ về xác thực và bảo mật thông tin khách hàng.
Song song với đó, các cơ quan quản lý cần có biện pháp chặt chẽ để kiểm soát lượng tiền di động tương ứng đúng với số tiền khách hàng đã nộp vào, tránh để xảy ra hiện tượng các nhà mạng có thể tạo ra cung tiền mới, cũng như các biện pháp nhằm quản lý, kiểm soát không để các nhà mạng có thể sử dụng lượng tiền nộp vào của khách hàng để đầu tư vào những mục đích khác…
Thu Hường