Sức bật mới cho phát triển kinh tế khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ

|

Sức bật mới cho phát triển kinh tế khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ

Với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn, Trung du và miền núi Bắc bộ đang được xem là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững. Những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đã được ban hành nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Khơi dậy tiềm năng một vùng

Khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ bao gồm 14 tỉnh trực tiếp nằm trong vùng và 21 huyện, 1 thị xã phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, có đường biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Thượng Lào, phía Đông giáp Đồng bằng sông Hồng, phía Nam giáp Bắc Trung bộ với tổng diện tích toàn vùng khoảng 116.898 km², chiếm 35% diện tích tự nhiên của cả nước với nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm; toàn Vùng có hơn 30 dân tộc anh em đang sinh sống với dân số 14,7 triệu người, chiếm khoảng 15,2% dân số cả nước.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, ngày 01/7/2004, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW; và Bộ Chính trị khóa XI đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ban hành Kết luận số 26-KL/TW, ngày 02/8/2012 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 và thời kỳ 2011-2020. Chính phủ cũng đã ban hành hàng loạt các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng như: Quyết định 186/2001-QĐ-TTg về phát triển kinh tế - xã hội ở 6 tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc; Quyết định 120/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt - Trung đến 2010, Chương trình 134, 30a; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… các bộ, ngành cũng đã chủ động xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách giúp bổ sung, khơi thông các nguồn lực.

Đến nay, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI, nhiều địa phương đã tận dụng, phát huy tối đa cơ chế, chính sách và hỗ trợ của Trung ương qua việc triển khai Nghị quyết để phát huy lợi thế mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân năm trong giai đoạn 2011-2020 của vùng đạt 7,96%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp. Các hoạt động liên kết của vùng được coi trọng gắn với đầu tư phát triển, từng bước hình thành và phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, gắn kết các địa phương, phát triển khu kinh tế cửa khẩu và các hình thức hợp tác xuyên biên giới.

Nhiều địa phương đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai...

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng cũng từng bước được đầu tư mới và hình thành một số tuyến đường cao tốc kết nối với Thủ đô Hà Nội, cải thiện liên kết nội vùng, hệ thống cảng biển khu vực phía Bắc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đơn cử sau khi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi vào hoạt động, tỉnh Thái Nguyên ngày càng thu hút tập đoàn lớn trong và ngoài nước như: Tập đoàn Samsung, Sunny Optech... Riêng năm 2021, Thái Nguyên đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 27 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn hơn 1 tỷ USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực tại Thái Nguyên lên tới 170 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 9,67 tỷ USD. Tại Bắc Giang nhờ chủ trương đúng đắn, sự tập trung, kiên trì, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả rất tích cực về thu hút đầu tư, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, liên tục những năm gần đây Bắc Giang luôn ở trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Năm 2021 tốc độ tăng GRDP của tỉnh đạt 7,82%.

Về lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở đánh giá lợi thế và nhu cầu thị trường, trong giai đoạn 2017 - 2020, các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đã chuyển đổi khoảng 54 nghìn ha đất gieo trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây hàng năm cho giá trị kinh tế cao hơn từ 3 - 8 lần. Đến nay đã hình thành được một số vùng lúa đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, có thương hiệu sản phẩm, có thể kể đến như: nếp Tú Lệ, gạo Séng Cù, tẻ nương Mộc Châu, nếp Cẩm…

Giai đoạn 2016-2020, trong vùng ngoài việc chú trọng sản xuất, còn quan tâm đến đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm. Do đó diện tích cây ăn quả của vùng đã tăng từ 185 nghìn ha lên 250 nghìn ha và trở thành vùng cây ăn quả lớn thứ 2 trên cả nước. Một số loại cây ăn quả đã được xây dựng thành vùng hàng hóa tập trung quy mô lớn như: Vải thiều, nhãn, cam, bưởi, xoài....

Sự phát triển đúng hướng trong sản xuất nông nghiệp tạo nhiều bứt phá, tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhân dân trong vùng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2004-2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng đạt bình quân 4,8%, trong khi cả nước đạt 4,5%/năm, bảo đảm vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, tạo tiền đề phát triển công nghiệp, dịch vụ. Một bức tranh rõ nét về phát huy các thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc thù có thể kể tới những đổi thay của huyện vùng cao, biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Nếu trước năm 2004, Mường Khương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 65%. Là huyện nông-lâm nghiệp, với đặc điểm hơn 80% diện tích đồi núi, chủ yếu đá vôi, quanh năm thiếu nước nên việc phát triển mô hình cánh đồng sản xuất lớn về lương thực hay mở rộng diện tích trồng rừng lấy gỗ gặp nhiều khó khăn, nhưng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Mường Khương rất phù hợp với một số loại cây trồng đặc sản như: Dứa, quýt, chè, nhân sa, hồi... Từ đánh giá này khi triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn và tiến hành quy hoạch theo hướng mở rộng diện tích canh tác, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng để các loại cây đặc sản trở thành hàng hóa. Sau cây chuối của huyện được cấp giấy chứng nhận sản phẩm chung trong thương hiệu "Chuối Lào Cai" vào cuối năm 2019 thì sang năm 2020, nhãn hiệu sản phẩm cho cây "Dứa Mường Khương". Sản phẩm chế biến từ "Dứa Mường Khương" đã có mặt tại các thị trường khó tính như: Châu Âu, Nga, Mỹ… Sản xuất nông nghiệp hàng hóa giúp thu nhập bình quân đầu người trong huyện đạt hơn 34 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện mỗi năm giảm bình quân 9%.

Tại Yên Bái, cây quế cũng từ một cây trồng ít giá trị, sau khi tiếp cận công nghệ chế biến, chưng cất bán ra thị trường thì đã trở thành "cây thoát nghèo" và mở ra hướng làm giàu bền vững cho người dân. Mỗi năm tổng giá trị thu lợi từ cây quế toàn tỉnh đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Đến nay, cây quế cùng gần mười cây chủ lực khác của Yên Bái được phát triển theo hướng hàng hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 32,21% thì đến nay giảm còn 7,04%, đứng thứ 13 toàn quốc.

Không chỉ thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, phát huy các thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc thù mà nhiều tiềm năng của các địa phương trong vùng cũng đã được "đánh thức", khơi thông từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/T góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân như: Kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai đang trở thành điểm xuất nhập hàng hóa lớn của cả nước; Du lịch sinh thái được hình thành và phát triển mạnh mẽ tại Sơn La, Điện Biên, Lai Châu…

Sức bật mới cho phát triển kinh tế khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ

Để tiếp tục đưa các tỉnh trong vùng phát triển nhanh, bền vững, ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhiều nội dung thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm rất cao của Đảng ta, quyết tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Theo đó, Nghị quyết đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2030, vùng trung du và miền núi Bắc bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước.

Đến năm 2045, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước...

Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và bối cảnh tình hình mới.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hôm 15/4 do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh vấn đề quan trọng và có ý nghĩa mang tính quyết định tổ chức thực hiện thật tốt có kết quả thiết thực Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước để đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó:

Một là, quán triệt đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đổi mới tư duy phát triển nhất là về liên kết vùng, tiều vùng, cơ chế chính sách đặc thù, phân bổ nguồn lực, nguồn nhân lực và các tiềm năng lợi thế. Nhận thức và giải quyết thật đúng, thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nướcvới khẩu hiệu “cả nước vì vùng, vùng vì cả nước”.

Hai là, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên. Đồng thời tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác giúp đỡ của các ngành, địa phương trong cả nước.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách phát triển vùng. Các cơ quan Trung ương tăng cường phối hợp với Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên có tính đặc thù cho phát triển vùng; xây dựng và thực hiện tốt Quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 theo hướng xanh, bền vững, toàn diện phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Bốn là, đẩy mạnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW; phấn đấu để các thôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số đều có đảng viên, chi bộ đảng.

Năm là, khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh./.

Trang Nguyễn