Mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi nền văn hóa đều có những đặc trưng riêng, làm nên vẻ đẹp đa dạng và đặc sắc. Dù mừng năm mới theo lịch âm như: Trung Quốc, Việt Nam, đón năm mới theo lịch dương như Nhật Bản, hay đón Tết theo Phật lịch như: Lào, Thái Lan…, các quốc gia châu Á vẫn giữ được những phong tục, truyền thống đặc sắc của mình. Đó có thể là phong tục, tập quán, nghi thức truyền thống kỳ lạ, nhưng đối với người dân các quốc gia này, đây chính là cách để khởi đầu một năm mới đầy may mắn.
Tại Nhật Bản
Năm mới hay Oshogatsu là ngày lễ quan trọng nhất trong năm đối với người dân đất nước mặt trời mọc. Trước đây, người Nhật đón mừng năm mới dựa trên lịch âm, nhưng kể từ khi thông qua lịch dương năm 1873, người Nhật đã đón Tết như nhiều nước phương Tây vào ngày 1/1. Đón năm mới với người Nhật là một kỳ nghỉ gia đình. Đối với những người làm việc tại các thành phố thì đây có lẽ là một trong số ít dịp họ về thăm quê hương hoặc tận dụng chuỗi ngày nghỉ này để đi du lịch.
Tại Nhật Bản
Năm mới hay Oshogatsu là ngày lễ quan trọng nhất trong năm đối với người dân đất nước mặt trời mọc. Trước đây, người Nhật đón mừng năm mới dựa trên lịch âm, nhưng kể từ khi thông qua lịch dương năm 1873, người Nhật đã đón Tết như nhiều nước phương Tây vào ngày 1/1. Đón năm mới với người Nhật là một kỳ nghỉ gia đình. Đối với những người làm việc tại các thành phố thì đây có lẽ là một trong số ít dịp họ về thăm quê hương hoặc tận dụng chuỗi ngày nghỉ này để đi du lịch.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Dù đón năm mới theo cách nào, thì những bữa tiệc “Bonenkai” để “lãng quên năm cũ” vẫn luôn tồn tại trong nét văn hóa của người Nhật. Những bữa tiệc được tổ chức suốt tháng 12 là nơi để mọi người, đặc biệt là nhân viên công sở giải tỏa những căng thẳng trong suốt một năm qua.
Sau những bữa tiệc cuối năm, người Nhật tiến hành “Osouji” - nghi thức dọn dẹp nhà cửa và văn phòng đón Tết. “Osouji” không chỉ là chuẩn bị nhà cửa để mừng năm mới, mà nó còn là nghi thức tượng trưng cho một sự khởi đầu mới, tươi sáng.
Vào thời khắc giao thừa, người Nhật thường ăn món mì trường thọ “Toshikoshi soba”. Sợi mì soba càng dài càng khẳng định niềm tin về một cuộc sống hạnh phúc dài lâu. Vào thời khắc giao thừa, các ngôi chùa ở địa phương sẽ gióng lên 108 tiếng chuông - tượng trưng cho 108 ham muốn trần tục của con người theo quan điểm của Phật giáo.
Trong 3 ngày đầu năm, người Nhật thường ăn các món như: Trứng cá trích, rong biển, bánh cá, khoai lang nghiền, hạt dẻ, rễ cây ngưu báng. Màu sắc của mỗi món ăn, cách trang trí và trình bày món ăn cũng thể hiện các khía cạnh khác nhau của sự may mắn trong văn hóa Nhật Bản. Trong đó, không thể thiếu món súp bánh gạo, món ăn cầu mong sự tốt lành trong năm mới.
Phong tục trang trí nhà đón năm mới của người Nhật cũng thể hiện những nét văn hóa độc đáo. Cổng nhà có tên gọi“Kadomatsu” được đặt trước cửa từ ngày mùng 01 đến mùng 7 tháng Giêng. Cổng làm bằng 3 cọc tre được cắt vát với độ dài khác nhau và buộc bằng rơm cùng với một nhánh cây thông. Cây tre tượng trưng cho sự phát triển mạnh mẽ, trong khi lá thông là biểu tượng của sự trường thọ.
Những đồ trang trí được treo trên các lối vào nhà, cửa hàng trong những ngày đầu năm với mục đích xua đuổi tà ma. Mâm bánh dày “Kagami mocha” - một quả quýt đặt trên hai chiếc bánh dày thường được đặt trong các điện thờ tại các gia đình, công ty, thể hiện cho sự nối tiếp giữa năm cũ và năm mới và sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp giữa các thế hệ trong gia đình.
Vào ngày đầu năm mới, người Nhật sẽ mặc những bộ Kimono, cùng viếng thăm Thần điện để cầu mong sự bình an, hạnh phúc cả năm. Những Thần điện nổi tiếng ở Asakusa hay Kyoto thường có rất đông người đến dâng hương trong dịp này.
Tại Hàn Quốc
Người Hàn Quốc cũng đón năm mới theo âm lịch giống như người Việt Nam, truyền thống này đã có từ hàng ngàn năm nay. Năm mới là dịp hầu hết người dân Hàn Quốc quây quần bên gia đình, thờ cúng tổ tiên. Lễ mừng năm mới của người Hàn bắt đầu bằng việc mọi người mặc trang phục truyền thống Hanbok. Năm mới là dịp kết nối lại gia đình, nên nghi thức quan trọng nhất đối với người Hàn Quốc trong ngày đầu năm là “Charye” - nghi lễ cầu nguyện cho sự bình yên và sức khỏe của tổ tiên. Các món ăn truyền thống được đặt lên bàn thờ bao gồm: Canh bánh gạo, mì khoai lang với thịt và rau, sườn lợn sốt, bánh quy truyền thống, hoa quả… Người Hàn Quốc duy trì phong tục tốt đẹp đó là“Sebae”- nghi thức cúi đầu chào. Sau bữa ăn, con cháu sẽ cúi đầu kính cẩn và tặng quà cho ông bà, cha mẹ. Sau đó, những người lớn tuổi sẽ tặng lại con cháu bao lì xì may mắn.
Đầu năm, người dân xứ sở kim chi có thói quen ăn canh bánh gạo “Teokguk” để cầu mong cho sự trường thọ. Thanh bánh gạo được cắt thành từng miếng tròn hình đồng xu, đồng thời mang ý nghĩa cầu mong cho sự tái sinh, dư dôi của cải.
Sau bữa ăn là thời gian dành cho gia đình cùng chơi các trò chơi truyền thống ngoài trời như: Thả diều, đá cầu, bắn cung hay trò thả que gỗ. Các thế hệ trẻ quây quần xem phim, chơi trò chơi trên máy tính. Nếu các thành viên trong gia đình không tập trung ở một nơi đón Tết, thì các thế hệ trẻ thường đến thăm và chúc Tết họ hàng. Đây là phong tục truyền thống tốt đẹp của người dân Hàn Quốc, cũng như nhiều quốc gia châu Á khác.
Tại Trung Quốc
Hàng ngàn năm qua, người dân Trung Quốc đã duy trì truyền thống đón năm mới theo âm lịch với nhiều phong tục độc đáo. Những ngày cuối năm, người Trung Quốc cùng nhau dọn dẹp nhà cửa. Trong tiếng Trung, bụi bẩn đồng âm với từ“Chen” nghĩa là cũ. Vì vậy, việc dọn dẹp cuối năm nhằm xua đuổi những thứ đã cũ, xui xẻo ra khỏi nhà để sẵn sàng cho một khởi đầu mới. Ngoài việc dọn dẹp đón Tết, người Trung Quốc còn mua sắm từ một số món đồ nột thất đến bát đĩa mới. Những mặt hàng này tượng trưng cho việc chào đón những điều tốt đẹp sắp đến. Các loại thực phẩm, bánh, trái cũng nằm trong danh sách mua sắm của mọi gia đình.
Người Trung Quốc có phong tục treo câu đối Tết để bày tỏ những hy vọng tốt đẹp. Bắt đầu từ thời nhà Tống (960-1279), câu đối Tết ban đầu được viết trên gỗ, hiện nay người Trung Quốc đã thay thế gỗ đào bằng giấy đỏ.
Để trang trí nhà mừng năm mới, người Trung Quốc thường dán chữ “Phúc” trên cổng hoặc trên một số đồ nội thất trong nhà để cầu mong may mắn, hạnh phúc. Ngoài ra, người Trung Quốc đặc biệt yêu thích dán những bức tranh các vị Thần ở cửa, nhằm mục đích xua đuổi tà ma, thu hút vận may, giữ cho ngôi nhà êm ấm. Những bức tranh đi thành cặp, thường là hình ảnh các vị tướng được phong Thần của nhà Đường. Người Trung Quốc còn trang trí nhà bằng nghệ thuật nút dây, đây là loại hình nghệ thuật thủ công truyền thống xuất hiện từ thời Đường và thời Tống và được phổ biến rộng rãi ở thời nhà Minh.
Bữa tối đoàn viên với nhiều món ăn thơm ngon được nấu nướng cầu kỳ chính là dịp tất cả các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau. Ăn bánh bao là một phong tục trong đêm giao thừa. Hình dạng tròn của chiếc bánh bao giống hình ảnh đồng tiền xu, tượng trưng cho sự giàu có trong năm mới. Ngoài bánh bao, người Trung Quốc còn ăn kẹo tượng trưng cho cuộc sống ngọt ngào, ăn đậu phộng tương trưng cho sức khỏe và tuổi thọ.
Phong tục đốt pháo vào thời điểm giao thừa hoặc sáng đầu năm của người Trung Quốc được bắt nguồn từ truyền thuyết về quái vật Nian vào 2000 năm trước. Người ta ném tre vào lửa để xua đuổi quái vật. Sau khi thuốc súng được phát minh, người Trung Quốc đã thay tre bằng pháo.
Người Trung Quốc gửi đến nhau những lời chúc năm mới tốt đẹp thông qua những chiếc thiệp giấy hay thiệp kỹ thuật số, những tin nhắn văn bản, tin nhắn thoại, video, biểu tượng cảm xúc. Ngày nay, ngoài chiếc phong bì đỏ đựng tiền may mắn được người già chuẩn bị cho trẻ em, còn những chiếc phong bì đỏ kỹ thuật số được gửi đến nhau qua mạng.
Một phong tục truyền thống của người Trung Quốc, đặc biệt ở Bắc Kinh là đi thăm đền, chùa ngày đầu năm và đi thăm người thân, bạn bè. Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống sinh động vẫn được người dân Trung Quốc gìn giữ như: Xem múa rồng, múa sư tử, múa yangko. Lễ hội đèn lồng tổ chức vào tối ngày 15 tháng Giêng âm lịch, đánh dấu sự kết thúc của lễ hội đón năm mới. Ở nhiều thành phố, lễ hội đèn lồng được tổ chức ở một số di tích lịch sử, các tòa nhà nổi tiếng, nơi mà du khách có thể thưởng thức vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống Trung Quốc./.
P.V (Sưu tầm)