Trong hơn 30 năm đổi mới phát triển đất nước, công tác bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng, thực hiện với nhiều thành tựu quan trọng được Liên hợp quốc công nhận là một trong những quốc gia đi đầu trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ, nổi bật là về giảm nghèo, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn... Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đã đặt ra những vấn đề cần được giải quyết trong bảo đảm ASXH hướng tới phát triển bền vững.
Bảo đảm an sinh xã hội thời gian qua
Trong những năm qua, tuy nguồn lực đầu tư cho phát triển đất nước còn hạn hẹp nhưng công tác bảo đảm ASXH luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện. Đến nay, diện thụ hưởng chính sách ASXH ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện. Cụ thể, trong 25 năm, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã giải quyết cho hơn 112,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, trong đó có gần 2,5 triệu người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng; gần 10 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH một lần và hơn 100 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn. Gần 10 năm thực hiện chế độ bảo hiểm (BH) thất nghiệp, có gần 5 triệu lượt người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trên 180 nghìn người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, hơn 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm. Từ năm 2003-2018, ngành BHXH phối hợp với ngành Y tế đã đảm bảo quyền lợi cho trên 1.748,5 triệu lượt người tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), bình quân mỗi năm có trên 109 triệu lượt người thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Công tác xóa đói giảm nghèo với việc đa dạng các chương trình, dự án và huy động nguồn lực của toàn xã hội đã trợ giúp tích cực làm tăng khả năng thoát nghèo của hộ nghèo, giảm khoảng cách nghèo giữa các vùng, miền, nhóm dân tộc và giúp đời sống của người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế được cải thiện và nâng cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), trong giai đoạn 2016- 2018, tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm nhanh với mức giảm trung bình 1,1% mỗi năm. Năm 2019, tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 5,7%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2018.
Chính sách việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu thông qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động người dân tộc thiểu số cũng đang mang lại hiệu quả tích cực. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, sau gần 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956), trung bình mỗi năm có 1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề và hiện đã có trên 9,2 triệu lao động nông thôn được học nghề, trong đó 80% lao động nông thôn có việc làm sau học nghề, 350 nghìn hộ nghèo tham gia học nghề đã có việc làm và thoát nghèo.
Cải thiện điều kiện sống, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng được cải thiện. Năm 2019, cả nước có 4.806 xã (đạt 53,92%) và 111 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống dân cư cả nước tiếp tục được cải thiện. Ước tính thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2019 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, cao hơn mức 3,9 triệu đồng của năm 2018. Thiếu đói trong nông dân giảm mạnh, năm 2019, cả nước có 68,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019 cũng cho thấy, tỷ lệ hộ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố chiếm tới 93,1% tổng số hộ có nhà ở (năm 1999 là 63,2%, năm 2009 là 84,9%); diện tích nhà ở bình quân đầu người là 23,2m2/người, tăng 6,5m2/người so với năm 2009. Cùng với sự phát triển về nhà ở thì điều kiện ở và sinh hoạt của hộ dân cư cũng được cải thiện rõ rệt. Có 99,4% hộ sử dụng điện lưới thắp sáng; 95,8% dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ; 97,4% hộ dân cư sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; 91,9% hộ có sử dụng ti vi; 91,7% hộ có sử dụng điện thoại cố định, di động, máy tính bảng; 30,7%, hộ sử dụng máy vi tính (máy bàn, laptop); 88,9% hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh…
Ngoài các hoạt động của hệ thống ASXH, các phong trào “Tương thân tương ái”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” do MTTQ tỉnh, các cấp và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các đơn vị và cá nhân chủ động thực hiện và hưởng ứng tham gia trong những năm qua cũng đã phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đóng góp đáng kể vào nâng cao ASXH cho nhân dân, nhất là người nghèo, vùng khó khăn. Trong năm 2019, tổng các suất quà trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội là hơn 5,5 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, gần 24 triệu thẻ BHYT, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những vẫn đề đặt ra trong phát triển ASXH bền vững như: Chính sách BHXH còn hạn chế, thiếu đồng bộ và chưa bắt kịp những xu hướng phát triển mới và yêu cầu của cuộc sống; phạm vi bao phủ của ASXH còn hẹp; số người nhận BHXH một lần vẫn gia tăng hàng năm (giai đoạn 2012-2017, bình quân mỗi năm số người hưởng BHXH một lần là 628 nghìn người; cứ hai người mới tham gia BHXH thì có một người rời khỏi hệ thống BHXH, dẫn tới tốc độ mở rộng bao phủ BHXH còn chậm, mục tiêu bảo đảm ASXH cho mọi người lao động bị ảnh hưởng...).
Giảm nghèo nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn chậm, nguy cơ tái nghèo cao; các chương trình giảm nghèo còn chồng chéo trong thực hiện dẫn đến một hộ gia đình, một địa bàn có thể được hưởng nhiều chương trình khác nhau, nhưng cũng có những địa bàn lại không được hưởng chương trình nào.
Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp, hệ thống bảo hiểm thất nghiệp nói riêng và hệ thống ASXH nói chung vẫn chưa hoàn thiện để phục vụ tốt người lao động. Do vậy, đa số người dân phải làm mọi công việc để tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019 của TCTK cho thấy, tỷ lệ người trên độ tuổi lao động đang tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ tương đối cao (chiếm 42,2% dân số trên độ tuổi lao động). Như vậy, gần một nửa số người trên độ tuổi lao động Việt Nam vẫn đang phải tiếp tục làm việc để tạo thu nhập.
Ngoài ra, hệ thống và các chính sách ASXH Việt Nam đang đứng trước những thách thức mới như: Chuẩn bị ứng phó với xu thế già hóa dân số nhanh trong bối cảnh nước ta vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Kết quả TĐT Dân số và nhà ở năm 2019 của TCTK cho biết, trong hai thập kỷ qua chỉ số già hóa dân số Việt Nam tăng khá nhanh. Cụ thể, năm 2019, chỉ số già hóa dân số là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn hai lần so với năm 1999. Chỉ số già hóa có xu hướng tiếp tục tăng lên trong những năm sắp tới. Còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang bắt đầu trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Nếu năm 2010, cứ 11 người Việt Nam mới có 1 người cao tuổi, thì đến năm 2030 cứ 6 người dân sẽ có 1 người cao tuổi. Vì vậy, Việt Nam cần có những chính sách để đảm bảo thích ứng với già hóa dân số.
Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) cũng đặt ra cho Việt Nam những vấn đề mới trong thực hiện ASXH như: Tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn nghề nghiệp…
Giải pháp phát triển và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội thời gian tới
Để đảm bảo phát triển và hoàn thiện hệ thống ASXH, theo các chuyên gia, thời gian tới cần tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp sau:
Một là, đổi mới quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực ưu đãi người có công và ASXH. Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ, đơn giản và hiệu quả, vừa hỗ trợ, vừa khuyến khích nỗ lực vươn lên của các đối tượng thụ hưởng, khắc phục sự ỷ lại vào Nhà nước.
Hai là, hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý Quỹ BHXH bảo đảm yêu cầu cân đối và tăng trưởng của Quỹ; nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện; rà soát, bổ sung quy định buộc người sử dụng lao động phải đóng BHXH cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Ba là, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, trong đó chú trọng các chính sách giảm nghèo đối với các huyện nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, thu hẹp chênh lệch về mức sống và an sinh xã hội so với bình quân cả nước; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, học nghề, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, ưu tiên người nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn.
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách Nhà nước; xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội; tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội; củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão.
Sáu là, Nhà nước bảo đảm đủ nguồn lực thực hiện chính sách người có công, đồng thời quan tâm bố trí ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực cho việc thực hiện chính sách ASXH; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách ASXH.
Bảy là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân; xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về chính sách ưu đãi người có công và chính sách ASXH tại mỗi địa phương; tiếp tục phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái, chăm sóc, giúp đỡ người có công, người nghèo./.
Minh Thư
62.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người dân
bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19
Nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký nghị quyết về gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng.
Theo đó, người lao động nghỉ không lương và người bị tạm hoãn hợp đồng từ một tháng trở lên sẽ được nhận hỗ trợ 1,8 triệu đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp khó khăn về tài chính sẽ được vay không cần tài sản thế chấp và hưởng chính sách 0% từ Ngân hàng chính sách để trả thêm một nửa tháng lương nữa cho những người lao động này.
Các hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng một năm, tạm ngừng kinh doanh từ 1-4 năm nay sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng tùy theo diễn biến của dịch bệnh nhưng không quá 3 tháng.
Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động hay có hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm được hưởng hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay.
Những người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, người được hưởng trợ cấp xã hội được nhận 500.000 đồng mỗi tháng. Còn hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 250.000 đồng mỗi người mỗi tháng và nhận trong một lần cho cả 3 tháng. (Theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19) |