Vấn nạn cháy rừng ở Việt Nam

|

Vấn nạn cháy rừng ở Việt Nam

Thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến diễn biến thời tiết thất thường khiến nhiều diện tích rừng Việt Nam bị thiêu rụi và đe dọa nghiêm trọng đến thảm thực vật rừng, cũng như ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, khí hậu… Do đó, cháy rừng đang trở thành vấn đề nghiêm trọng của quốc gia cần có sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của toàn bộ hệ thống chính trị và ý thức của người dân trong bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam.
 
Hiện trạng rừng và cháy rừng ở Việt Nam
 
Hệ sinh thái rừng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại những hiện tượng thiên tai cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra như: Lũ lụt, sạt lở, hiệu ứng khí nhà kính…; đồng thời là nơi cư trú của các hệ động thực vật và tàng trữ các nguồn gen quý hiếm. Bên cạnh đó, rừng còn là một trong những nguồn tài nguyên có thể tái tạo, đóng góp giá trị to lớn vào nền kinh tế quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

 


Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Trong hơn 7 thập kỷ kể từ năm 1945 đến nay, diện tích rừng trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã có nhiều biến động. Theo nghiên cứu của Viện điều tra và quy hoạch rừng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 1945, tổng diện tích rừng trên toàn lãnh thổ Việt Nam đạt 14,3 triệu ha, với tỷ lệ che phủ lên tới 43,8%, sau khi đất nước được giải phóng, thống kê năm 1976, diện tích rừng chỉ còn 11,6 triệu ha, tỷ lệ che phủ là 33,8%. Trong 20 năm của giai đoạn 1976-1995, thời kỳ xây dựng và phục hồi kinh tế sau chiến tranh, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và khai thác lâm sản quá mức đã khiến cho diện tích rừng tiếp tục suy giảm đến mức thấp nhất, còn 9,3 triệu ha, tỷ lệ che phủ chỉ đạt 28,2%. Trước thực trạng diện tích rừng Việt Nam suy giảm đến mức lo ngại, Chính phủ đã tuyên bố đóng của rừng tự nhiên, đồng thời yêu cầu các địa phương tăng cường trồng rừng bổ sung; mục tiêu đến năm 2015 tăng độ che phủ rừng lên 42-43%. Tuy nhiên theo Công bố hiện trạng rừng quốc gia từng năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016, diện tích rừng Việt Nam mới phục hồi được bằng diện tích năm 1945 là 14,3 triệu ha, nhưng tỷ lệ che phủ mới chỉ đạt 41,19%. Đến năm 2018, tổng diện tích rừng trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã đạt gần 14,5 triệu ha, với tỷ lệ che phủ đạt 41,65%.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, giai đoạn 2014-2018, mỗi năm Việt Nam đều trồng thêm được hơn 220 ha rừng; cao nhất là năm 2017, do thời tiết trong năm tương đối thuận lợi cho hoạt động trồng và chăm sóc rừng nên diện tích rừng trồng tập trung trên cả nước đạt 241,3 nghìn ha, tăng 1,2% so với năm 2016. Mặc dù tăng đáng kể, song tốc độ che phủ rừng chưa đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra cho năm 2015 và được cho là khá chậm so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, mà một trong những nguyên nhân chính là do nạn cháy rừng đang diễn ra ngày càng phức tạp.

Các số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 10 năm của giai đoạn 2009-2018, nạn cháy rừng đã thiêu hủy gần 22 nghìn ha rừng của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đất nước. Đỉnh điểm của giai đoạn này là vào năm 2010, khoảng 6.723 ha rừng đã bị lửa lớn thiêu rụi do nắng hạn kéo dài; năm 2007 xảy ra 749 vụ cháy rừng gây thiệt hại 4.188 ha. Vài năm trở lại đây, diện tích rừng bị cháy tuy có giảm mạnh, nhưng vẫn tồn tại những diễn biến bất ngờ và phức tạp khó lường. Năm 2017, lượng mưa tăng mạnh làm thời tiết bớt khô hạn và hanh nóng góp phần giảm diện tích rừng bị cháy đến mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ qua, mức độ thiệt hại chỉ còn 471,7 ha, giảm khoảng trên 80% so với năm 2016 (3.320 ha). Đến năm 2018, thiệt hại do cháy rừng tuy có tăng so với năm 2017 (739,1 ha) nhưng nhìn chung, thiệt hại vẫn ở mức thấp so với các năm khác. Tuy nhiên, trong 10 tháng năm 2019, diện tích rừng bị cháy lại tăng lên đến 2,7 nghìn ha, gấp 3,6 lần năm 2018. Đặc biệt, vào những tháng cao điểm của mùa khô hạn, nắng nóng, nhiều khu rừng của Việt Nam nằm trong tình trạng cảnh báo có nguy cơ cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao khiến Chính phủ và các bộ, ngành thường xuyên phải ra công điện khẩn trương chỉ đạo phòng chống cháy rừng.

Theo Tổng cục Thống kê, nạn cháy rừng thường xảy ra ở các địa phương tập trung nhiều rừng và rừng trồng các loại cây dễ cháy như: Rừng thông, rừng tre nứa, rừng bạch đàn, rừng khộp, rừng tràm, rừng phi lao… Trong đó, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Quảng Trị, Bình Định, Bình Thuận… là những địa phương thường xuyên xảy ra cháy rừng với thiệt hại lớn. Chỉ riêng thiệt hại do cháy rừng của tỉnh Sơn La trong năm 2016 đã lên đến 919 ha, chiếm 27,68% tổng diện tích rừng thiệt hại trong năm của cả nước, gấp gần 2 lần tổng diện tích rừng thiệt hại của cả năm 2017.

Ảnh hưởng của cháy rừng không chỉ gói gọn trong những diện tích rừng bị cháy mà nó còn tác động đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế - xã hội. Đặc biệt, khi cháy lớn xảy ra ở những cánh rừng nguyên sinh, chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày xảy ra đám cháy, Việt Nam có thể mất đi hàng trăm ha diện tích rừng có tuổi đời chục năm, thậm chí hàng trăm năm, khiến cho tài nguyên của đất nước bị cạn kiệt. để tái sinh những cánh rừng đó, ngoài công sức, tiền bạc, Việt Nam còn cần số thời gian tương ứng với tuổi đời của rừng để tái tạo, phát triển rừng như trước. Hậu quả thứ hai những đám cháy rừng để lại đó là làm giảm hoặc mất đi khả năng hấp thụ khí cacbon (CO2), lọc không khí của rừng; thêm vào đó, khói bụi, khí carbon dioxit, sức nóng của các đám cháy rừng thải vào bầu khí quyển góp phần làm cho trái đất nóng lên, gây ra biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống gần khu vực cháy. Đối với các cánh rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, do không còn rừng để giữa đất, hệ lụy về sau sẽ dẫn đến lũ lụt, xói mòn, sạt lở đất, lũ quét… Ngoài ra, các vụ cháy đã thiêu rụi cả thảm thực vật, động vật sống trong rừng, trong đó có những loài cây quý, những loài động vật cần được bảo tồn khiến cho số lượng của chúng ngày càng ít đi, đẩy nhiều sinh vật vào danh sách nguy cơ tuyệt chủng, gây mất đa dạng sinh học và mất cân bằng sinh thái. Mặt khác, thiệt hại về kinh tế - xã hội do cháy rừng gây ra là điều không thể tránh khỏi; trong đó Việt Nam cũng như nhiều quốc gia gặp phải vấn nạn cháy rừng đều phải chịu tổn thất kinh tế trong nỗ lực chữa cháy, khắc phục hậu quả. Đồng thời, thiệt hại do cháy rừng cũng khiến cho nhiều gia đình sống nhờ vào lâm nghiệp phải rơi vào tình trạng nghèo đói, tái nghèo.

Nguyên nhân và biện pháp khắc phục

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những đám cháy rừng tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung hầu như đều đến từ hai phía tác động, do điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người.

Về yếu tố tự nhiên, Việt Nam nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vốn là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng khô hạn và thời tiết ấm dần lên do tác động của hiện tượng El Nino gây ra. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có lượng bức xạ mặt trời rất lớn với số giờ nắng từ 1.400-3000 giờ/năm, nhiệt bức xạ trung bình năm tới 100 kcal/cm2. Mặt khác, nền nhiệt trung bình ở hầu hết các vùng khí hậu Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây đều cao hơn trung bình các năm trước đó, cứ năm sau nắng nóng lại gay gắt hơn năm trước, trong khi lượng mưa lại ngày càng thiếu hụt khiến cho thời tiết trở nên nắng nóng, khô hạn kéo dài. Trong khi đó, do mục đích phát triển kinh tế, rừng trồng ở Việt Nam thường là các loại bạch đàn, thông, tràm, khộp… là những loại cây thường có tinh dầu hoặc nhựa rất dễ bắt lửa và cháy đượm. Bên cạnh đó, nguyên nhân cháy tự nhiên còn có sự tác động từ cành lá khô, quả khô, thân cây chết khô, tầng thảm 
mục dày, các vật liệu cháy tinh (nhỏ, dễ bắt lửa), nhiệt độ quá cao rút ngắn quá trình khô của vật liệu cháy, làm nóng và khô nhanh mặt đất kéo theo lớp không khí sát mặt đất nóng lên bằng các phương thức truyền nhiệt khác nhau, kết hợp với gió làm cho ngọn lửa bùng phát và lan nhanh. Ngoài ra, các yếu tố do địa hình tạo ra cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện bốc hơi nước và độ ẩm của vật liệu cháy hoặc chi phối quy mô, tốc độ lan tràn của các đám cháy rừng.
 
Hoạt động của con người, các hoạt động sản xuất và hoạt động xã hội của con người được coi là nguyên nhân chính gây ra phần lớn các vụ cháy rừng tại Việt Nam. Cháy rừng do con người gây ra thường do nhận thức, ý thức và sự bất cẩn. Tại một số địa phương đặc biệt là tại các khu vực miền núi, nơi đồng bào có dân trí thấp, người dân vẫn còn giữ thói quen đốt nương làm rẫy, thậm chí đốt rừng làm nương rẫy; đốt quang thực bì để nhặt kim loại, đốt cỏ khô, rơm rạ, chai lọ… gần rừng; đốt lửa sưởi ấm, hun khói để lấy mật ong… rồi bất cẩn để lửa cháy lan không kiểm soát được. Có khi là do con người vào rừng khai thác gỗ, củi vô ý để lại các vật liệu bắt lửa như than củi, tàn thuốc… vào những tầng thực bì dễ cháy.

Trong các vụ cháy rừng, công tác chữa cháy thường gặp rất nhiều khó khăn bởi phần lớn các vụ cháy xảy ra trên núi cao, địa bàn hiểm trở, xa nguồn nước, phương tiện chữa cháy còn hạn chế, việc tiếp cận đám cháy gặp phải nhiều cản trở. Thêm vào đó, Việt Nam chủ trương trồng rừng thuần loài để phát triển kinh tế, nhưng quá trình trồng rừng không chú trọng đến việc xây dựng các đai xanh hoặc đai trắng để cản lửa cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn cho công tác chữa cháy. Tại khu vực Bắc Trung bộ, nắng nóng thường kéo dài với nền nhiệt lên đến trên 400C, cộng thêm gió phơn Tây Nam (gió Lào) khô nóng thổi sang làm chất xúc tác khiến cho mồi lửa lan tỏa nhanh hơn, phạm vi rộng hơn khi xảy ra cháy rừng tại đây. Nằm trong vùng trung tâm gió Lào thổi mạnh, Nghệ An và Hà Tĩnh là những địa phương nóng nhất trong số những điểm nóng về nguy cơ cháy rừng và xảy ra cháy rừng ở Việt Nam.

Trước những diễn biến phức tạp và hậu quả to lớn do các đám cháy rừng gây ra, hàng năm, Chính phủ Việt Nam cùng các bộ, ngành, cơ quan liên quan đều quan tâm sát sao đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), kịp thời ban hành các công điện khẩn, các chỉ thị chỉ đạo các địa phương và người dân nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng trước điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt và lạm dụng tài nguyên rừng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và người dân, trong đó cần chú trọng:

 
  • Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng theo các cấp dự báo cháy, trên cơ sở đó đề ra các biện pháp phòng chống thích hợp và chữa cháy rừng một cách có hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng và giảm thiệt hại kinh tế.
  • Tăng cường tuyên truyền giáo dục, phổ cập kiến thức về phòng chống lửa rừng, hình thành phong trào thi đua bảo vệ rừng một cách thường xuyên, liên tục, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Song song với vận động quần chúng nhân dân tự nguyện thay đổi thói quen canh tác, sản xuất nông nghiệp lạc hậu như đốt rừng, đốt nương,… nâng cao ý thức cảnh giác và kiểm soát nguồn phát lửa trong các chuyến đi rừng.
  • Với lực lượng chữa cháy, cần tăng cường đào tạo kỹ thuật PCCCR và khắc phục hậu quả cháy rừng, cứu hộ cứu nạn khi cháy rừng xảy ra; phổ biến chính sách liên quan đến công tác PCCCR; tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới, hiệu quả cao trong PCCCR. Đồng thời, phối kết hợp giữa các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân tham gia diễn tập PCCCR thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức, làm quen với thực tế công tác chữa cháy rừng.
  • Tiến hành phân chia, xây dựng các đường băng cản lửa: Đường băng trắng, đường băng xanh để ngăn ngọn lửa cháy lan mặt đất hoặc cháy lướt trên ngọn cây rừng… Ở những vùng có địa hình dốc, đi lại khó khăn, cần quy hoạch xây dựng và sử dụng các thung lũng, khe suối, đầm, hồ sẵn có để dự trữ nước cho công tác chữa cháy rừng hoặc xây hồ đập kiên cố để dự trữ nước phục vụ nhiều mục đích.
  • Song song với quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy, định canh, thâm canh, luân canh, chăn thả gia súc… cần có biện pháp làm giảm vật liệu cháy như: Chủ động đốt trước mùa khô, mang vật liệu cháy ra khỏi rừng, vệ sinh rừng để tạo điều kiện thuận lợi cho cây rừng sinh trưởng tốt hơn./.
Lê Thị Hồng
Trường Chính trị tỉnh Điện Biên