Suy thoái nguồn nước mặt - Vấn đề đặt ra

|

Suy thoái nguồn nước mặt - Vấn đề đặt ra

Tổng quan tài nguyên nước mặt Việt Nam

Thống kê của Cục Quản lý Tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, Việt Nam có hơn
2.360 con sông có chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó có 109 sông chính. Chia thành các lưu vực, toàn quốc có 16 lưu vực sông (LVS) với diện tích lưu vực lớn hơn 2.500 km2, trong đó 10/16 lưu vực có diện tích trên 10.000 km2 (LVS Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Srê Pốk, Sê San, Đồng Nai, Mê Công). Tổng diện tích các LVS cả nước lên đến trên 1.167 nghìn km2.

 


Ảnh minh họa, nguồn Internet

Do vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đặc thù nên khoảng 60% lượng nước mặt của Việt Nam tập trung ở LVS Mê Kông, 16% tập trung ở LVS Hồng - Thái Bình, khoảng 4% ở LVS Đồng Nai, các LVS khác có tổng lượng nước chỉ chiếm một phần nhỏ còn lại. Theo đó, tổng lượng nước mặt của các LVS trên lãnh thổ Việt Nam có khoảng 830-840 tỷ m3/năm, nhưng chỉ có khoảng 310-315 tỷ m3 (37%) là nước nội sinh nằm trong lãnh thổ, còn 520- 525 tỷ m3 (63%) là nước chảy vào từ các con sông qua các nước láng giềng: Trung Quốc, Lào, Campuchia. Điển hình như, LVS Hồng có nguồn nước chảy từ Trung Quốc vào chiếm 50% tổng khối lượng nước bề mặt. Còn ở LVS Mê Công có đến 90% tổng khối lượng nước bề mặt chảy từ Campuchia.

Cũng theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, ngoài hệ thống sông ngòi, tài nguyên nước mặt Việt Nam còn được chứa trong các hồ chứa. Việt Nam hiện có khoảng 2.900 hồ chứa thủy điện, thủy lợi tương đối lớn (dung tích từ 0,2 triệu mtrở lên) đã vận hành, đang xây dựng hoặc đã có quy hoạch xây dựng, với tổng dung tích các hồ chứa trên 65 tỷ m3 (chiếm trên 80% tổng dung tích trữ nước của các hồ chứa). Trong đó, có khoảng 2.100 hồ đang vận hành, tổng dung tích hơn 34 tỷ m3 nước; khoảng 240 hồ đang xây dựng, tổng dung tích hơn 28 tỷ m3, và trên 510 hồ đã có quy hoạch, tổng dung tích gần 4 tỷ m3. Các hồ chứa thủy lợi nêu trên chỉ có dung tích trữ nước khoảng gần 9 tỷ m3  nước, chiếm khoảng 14%. Các lưu vực sông có dung tích hồ chứa lớn gồm: Sông Hồng (khoảng 30 tỷ m3); sông Đồng Nai (trên 10 tỷ m3); sông Sê San (gần 3,5 tỷ m3); sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vũ Gia - Thu Bồn và sông Srêpok (có tổng dung tích hồ chứa từ gần 2 tỷ m3 đến 3 tỷ m3).

Ngoài ra, nguồn tài nguyên nước mặt Việt Nam còn có trữ lượng dưới lòng đất khoảng 63 tỷ m3/năm, được phân bố ở hơn 20 đơn vị chứa nước, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.

Việt Nam, tổng lượng nước mặt được phân bố không đồng đều giữa các vùng và các mùa, nguyên nhân do lượng mưa được thay đổi theo mùa và thời điểm mùa mưa, mùa khô ở các vùng khác nhau, do đó,vùng lụt thường xuyên và có những vùng khô hạn kéo dài. Mùa khô ở Việt Nam thường kéo dài từ 6 đến 9 thángrất khắc nghiệt, lượng nước trong thời gian này được tính toán chỉ bằng khoảng 20-30% (khoảng 160-250 tỷ m3) so với lượng nước của cả năm, khoảng một nửa trong số các LVS chính bị thiếu nước bất thường hoặc cục bộ.

Nguy cơ suy thoái nguồn nước mặt - Những vấn đề đặt ra

Tình trạng khan hiếm nước mặt ngày một hiện hữu

Theo Chỉ số về mức căng thẳng nước Falkenmark, một quốc gia hay vùng lãnh thổ có mức nước trên 1.700 m3/ người/năm được xem là đủ nước; trong khoảng 1.700-1.000 m3/nguời/năm thì có khả năng xảy ra thiếu nước bất thường hoặc cục bộ; dưới 1.000 m3/người/năm thì xảy ra hiện tượng khan hiếm nước. Với dân số 96,2 triệu người (Kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê), tổng lượng nước trung bình của một người dânViệt Nam sẽ là khoảng 8.627 m3/người/năm.Tuy nhiên vào mùa khô, lượng nước chảy trong lãnh thổViệt Nam giảm đi 70-80% nên lượng nước bình quân chỉ còn 1.725,4 m3/người/năm, do lượng nước phân bố không đều nên tại một số nơi, khan hiếm nước nghiêm trọng trong mùa khô vẫn diễn ra. Như vậy, nếu xét theo tổng lượng nước cả năm sẽ thấy tài nguyên nước của Việt Nam rất dồi dào, tuy nhiên, nếu xét theo từng lưu vực, trong mùa khô, chỉ có 4 LVS có đủ nước, đó là: Mê Công, Sê San, Vu Gia - Thu Bồn và Gianh; 2 lưu vực khác là LVS Hương LVS Ba ở ngưỡng xấp xỉ mức đủ nước; LVS Đông Nam Bộ và Đồng Nai thì việc thiếu nước có thể thường xuyên hơn; Các LVS còn lại có khả năng thiếu nước không thường xuyên hoặc cục bộ.

Mặt khác, theo quan điểm của Hiệp hội Nước quốc tế (IWRA), những quốc gia có tài nguyên nước ở mức trung bình thì lượng nước bình quân đạt chuẩn là 10.000 m3/người/năm. Như vậy, tổng lượng nước bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn mức chuẩn, chưa kể nếu tính theo lượng nước nội sinh trong lãnh thổ, mỗi người sẽ chỉ có khoảng 3.222 m3/năm. Trong khi gần 2/3 lượng nước mặt Việt Nam chảy từ nước ngoài vào, trong trường hợp các quốc gia thượng nguồn không có sự chia sẻ công bằng và sử dụng hợp lý nguồn nước trên các dòng sông liên quốc gia, thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nước, đe dọa đến sự phát triển ổn định về kinh tế, xã hội, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước.

Phát triển kinh tế - xã hội tạo ra sức ép với môi trường nước mặt

Trước thực trạng khan hiếm nước hiện nay, nguồn nước mặt Việt Nam còn phải đối mặt với những vấn đề gây suy giảm và suy thoái nghiêm trọng.

Thời gian qua, dân số Việt Nam không ngừng gia tăng, đã đạt đến con số 96,2 triệu người năm 2019, cùng với đó là tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh (năm 2018, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 38,4%, năm 2019 dự kiến đạt 40%) đã dẫn đến nhu cầu dùng nước tăng cao. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa đã và đang tác động sâu sắc đến các hoạt động kinh tế - xã hội, từ đó khiến cho các sông, hồ trong các đô thị ngày càng bị thu hẹp dòng chảy, thậm chí bị lấp hoàn toàn để lấy đất phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các công trình giao thông, khu dân cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp… Riêng tại Thủ đô Hà Nội, thống kê vào đầu thế kỷ XIX có 602 hồ lớn nhỏ, đến nay trên địa bàn chỉ còn hơn 100 hồ và đô thị hóa được coi là nguyên nhân chính gây ra quá trình suy giảm này.

Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt chưa hợp lý và thiếu bền vững đã và đang gây suy giảm tài nguyên nước trong khi hiệu quả sử dụng còn thấp, tình trạng lãng phí trong sử dụng nước còn phổ biến trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, nguồn nước mặt được phân bố không đồng đều giữa các vùng, các lưu vực sông đã khiến hiệu quả sử dụng nguồn nước chưa triệt để. Toàn bộ phần lãnh thổ từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến TP. Hồ Chí Minh, nơi có 80% dân số và trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước; 60% lượng nước còn lại là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - nơi chỉ có 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Lưu vực sông Đồng Nai, chỉ có 4,2% lượng nước, nhưng lại khu vực có đóng góp lớn trong GDP của cả nước.

Trong khi đó, tại một số khu vực, nguồn nước mặt dưới lòng đất cũng bị khai thác quá mức. Tại vùng đồng bằng Bắc Bộ, đã hình thành 3 phễu hạ thấp mực nước lớn (tại TP. Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định); có một số nơi tốc độ hạ thấp tới 0,8m/năm. Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã hình thành 2 phễu hạ thấp mực nước lớn (tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và bán đảo Cà Mau); cá biệt có điểm tốc độ hạ thấp đến trên 1m/năm.
Nguồn nước Việt Nam không chỉ đang đối mặt với tình trạng khan hiếm, suy giảm mà còn chịu sức ép về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng cả về mức độ và quy mô. Nguồn nước mặt ở hầu hết các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề đều đã bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng (như lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai - Sài Gòn). Nguyên nhân chủ yếu là do nước thải từ các cơ sở sản xuất, làng nghề, khu công nghiệp, các đô thị không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn xả ra môi trường, vào nguồn nước. Tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước còn đến từ hoạt động khai thác của hàng nghìn mỏ khoáng sản trên cả nước. Quá trình sản xuất, tháo khô mỏ, tuyển quặng, đổ thải... phát sinh một lượng nước thải lớn chảy tràn trên các khai trường xuống  các vùng nước mặt xung quanh, đã gây những tác động tiêu cực tới chất lượng nguồn nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cụ thể việc khai thác khoáng sản làm thay đổi địa hình, hệ thống nước mặt,   điều kiện tàng trữ và thoát nước. Trong khi đó, đa phần các mỏ đang hoạt động hiện nay chưa tuân thủ đúng dự án, thiết kế, đánh giá tác động môi trường, đặc biệt là các mỏ khai thác quy mô nhỏ, chính vì vậy, môi trường nước mặt tại đây và các vùng lân cận đã bị ô nhiễm đến mức báo động.

Ngoài ra, các công trình thủy điện tuy đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia nhưng bên cạnh những tác động tích cực, những ảnh hưởng tiêu cực của các công trình thủy điện tới hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên là không nhỏ. Việc chuyển dòng của một số công trình thủy điện sang lưu vực khác thiếu sự xem xét đầy đủ tác động môi trường lên lưu vực, làm thay đổi chế độ thủy văn, gây ra những tác động lớn đến các hệ sinh thái và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các LVS. Cùng với đó, do những bất cập trong công tác quản lý xây dựng và vận hành các công trình thủy điện khiến cho phần lớn các công trình thủy điện trên cả nước chưa thể đảm nhận nhiệm vụ điều tiết lũ (cắt lũ) vào mùa mưa và điều tiết nước cho vùng hạ lưu vào mùa khô hạn. Đặc biệt, việc thiếu các quy định cụ thể trong xây dựng và vận hành các hồ chứa thủy điện đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường như: Làm thay đổi chế độ thủy văn của các sông ngòi, làm giảm lượng nước trong mùa khô, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm tại hạ lưu các con sông, thậm chí gây ra những nguy cơ về địa chấn động đất...
Đồng thời, các hệ sinh thái rừng tự nhiên duy trì nguồn sinh thủy từ thượng nguồn các lưu vực cũng bị suy giảm trên diện rộng do nạn phá rừng, cháy rừng, do canh tác nông, lâm - nghiệp, khai khoáng; và ngoài ra, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng gây ảnh hưởng đển nguồn nước mặt.

Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước mặt

Suy giảm nguồn nước mặt cũng chịu ảnh hưởng của xu thế suy thoái do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thông qua các hiện tượng thời tiết cực đoan như nhiệt độ tăng, bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng, xâm thực biển... Nhiệt độ không khí tăng lên kéo theo lượng hơi nước bốc lên, nhu cầu tưới tiêu phục vụ ngành nông nghiệp tăng lên dẫn đến lượng dòng chảy nước mặt sẽ giảm đi tương ứng. Trong khi đó, tính trung bình cả nước trong khoảng 50 năm (1958-2007), lượng mưa đã giảm khoảng 2%. Thêm vào đó, tình hình xâm ngập mặn ở những khu vực nước biển dâng cũng khiến cho lượng nước mặt bị suy thoái, có những khu vực không thể cải tạo lại, gây ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động kinh tế.

Các biện pháp ngăn chặn suy thoái nguồn nước mặt

Nguồn nước khan hiếm kết hợp với tình trạng ô nhiễm nước gia tăng, trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đối khí hậu làm thay đổi phân bổ lượng nước theo cả không gian và thời gian, khiến việc đáp ứng đủ nhu cầu nước cho phát triển kinh tế bền vững và bảo tồn các hệ sinh thái hiện nay và trong tương lai trở thành một thách thức lớn cho quốc gia. Chính vì vậy, các cơ quan liên quan của Việt Nam từ lâu đã xúc tiến các biện pháp mạnh mẽ nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ cho xã hội và đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh quốc phòng.

Ngày Nước thế giới 22/3/2019 có chủ đề “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhằm điều chỉnh, cụ thể những cam kết mục tiêu phát triển bền vững số 6 (SGD 6) về nước trong Chương trình nghị sự 2030 Vì sự phát triển bền vững, trong đó Việt Nam là quốc gia có sự cam kết và tham gia mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, công tác quản lý tài nguyên nước mặt ở Việt Nam trong 20 năm trở lại đây đã được cải thiện đáng kể về mặt pháp lý. Luật Tài nguyên nước đã được chính thức ban hành từ năm 1988 và các văn bản hướng dẫn Luật đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cơ bản về quản lý, điều hành, lưu trữ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên toàn quốc. Để triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 1998, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền tổng số gần 35 văn bản pháp luật về tài nguyên nước. Ngày 21 tháng 6 năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật tài nguyên nước số 17/2012/QH13 để bảo đảm tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước trong tình hình mới.

Với gần 2/3 tổng lưu lượng nước phụ thuộc vào dòng chảy ngoại lai, để đảm bảo an ninh nguồn nước, nhất là đối với nguồn nước các LVS liên quốc gia, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ hợp tác, thuyết phục, đấu tranh nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước các sông liên quốc gia để hạn chế tác động, rủi ro. Trong đó, cần tập trung cơ chế hợp tác hợp lý để đảm bảo việc xây dựng, vận hành các công trình thủy điện lớn ở các quốc gia thượng nguồn có thể điều tiết hài hòa dòng chảy cho hạ du cả trong mùa lũ và mùa cạn. Theo đó, Việt Nam đã gia nhập và trở thành thành viên thứ 35 của Công ước của Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy.

Bên cạnh các khuôn khổ pháp lý, Việt Nam cần tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là các hoạt động xả thải quy mô lớn từ các cơ sở sản xuất, làng nghề, đô thị…; Thực hiện có hiệu quả cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống tác hại do nước gây ra. Song song với nâng cao ý thức tự giác của người dân sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án bảo vệ nguồn ngước mặt của Việt Nam trước biến đổi khí hậu./.

 
Nước là nhu cầu thiết yếu của sự sống và hiện diện ở khắp mọi nơi trên mặt đất. Tuy nhiên, lượng nước có thể sử dụng để duy trì sự sống cho con người và các loài động, thực vật lại chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Theo nghiên cứu Water in Crisis: A Guide to the World’s Fresh Water Resources (Oxford University Press), chỉ có khoảng 2,5% nước trên trái đất là nước ngọt. Phần lớn lượng nước ngọt này tồn tại ở dạng các núi băng hoặc trong các mạch nước ngầm, còn khoảng 1,2% là nước mặt cung cấp cho sự sống. Trong 1,2% lượng nước mặt ít ỏi này, có khoảng 20,9% được chứa trong các ao, hồ và chỉ có 0,49% trong sông, suối; đa phần còn lại bị nằm ở tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu. Mặc dù chiếm tỉ lệ rất nhỏ, nhưng nguồn nước trong các sông suối lại là nguồn chính để con người khai thác, nếu trừ đi phần nước bị ô nhiễm không thể sử dụng thì phần nước này còn nhỏ hơn rất nhiều.

Thu Hiền